Yên Bái thúc đẩy giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/1/2024 | 10:04:07 AM

YênBái - Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), năm 2023, tỉnh Yên Bái là điểm sáng về giải ngân của các chương trình. Yên Bái đứng thứ 4 cả nước và thứ 1 khu vực miền núi phía Bắc.

Phóng viên Báo Yên Bái điện tử đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đoàn Hữu Phung - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn các Chương trình MTQG trong năm 2024.

- Xin đồng chí cho biết những kết quả trong triển thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn vừa qua?

Đồng chí Đoàn Hữu Phung: Như đã biết, năm 2022, kế hoạch vốn ngân sách Trung ương được Thủ tướng Chính phủ giao muộn (tháng 5/2022), song kết quả giải ngân vốn đầu tư ngân sách Trung ương năm 2022 thực hiện các chương trình MTQG của tỉnh Yên Bái đạt 460 tỷ đồng/635 tỷ đồng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 72,5%, xếp thứ 17/52 tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đánh giá cao.

Bước sang năm 2023, kế hoạch vốn đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao sớm ngày từ đầu năm; các khó khăn, vướng mắc cơ bản đã được tháo gỡ; các địa phương đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện, nên đến hết 31/12/2023, đã giải ngân đạt 769/785,6 tỷ đồng, bằng 97,8% kế hoạch (bao gồm 177 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023). Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỉnh Yên Bái đứng thứ 4 cả nước và thứ 1 khu vực miền núi phía Bắc. Dự kiến đến hết ngày 31/1/2024, giải ngân đạt 100% kế hoạch. Qua đó, góp phần tích cực trong thực hiện các mục tiêu chính của các chương trình.

Cụ thể: Lũy kế hết năm 2023, Yên Bái có 106 xã nông thôn mới (NTM) (17 xã thuộc Khu vực III), đạt 117% so với mục tiêu của Trung ương; 36 xã NTM nâng cao, đạt 100% so với mục tiêu của Trung ương; 11 xã NTM kiểu mẫu, đạt 110% so với mục tiêu của Trung ương; 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đạt 88,9% so với mục tiêu của Trung ương. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,16% (trong 2 năm 2022 và 2023, giảm bình quân 4,45%/năm). Có 17/28 xã, 25/27 thôn ra khỏi danh sách địa phương đặc biệt khó khăn. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bê tông, đạt mục tiêu của chương trình...


Các chương trình MTQG triển khai trên địa bàn tỉnh đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh, Yên Bái gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì thưa đồng chí?

Đồng chí Đoàn Hữu Phung: Việc triển khai thực hiện các chương trình MTQG trong thời gian qua đã được Chính phủ, các bộ, ngành và UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, thường xuyên tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Qua đó, vốn đầu tư phát triển đã giải ngân đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vốn sự nghiệp còn một số khó khăn, vướng mắc, dẫn đến tỷ lệ giải ngân hết năm 2023 ước đạt 420/880 tỷ đồng kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 47,7%.

Cụ thể: Đối với Chương trình MTQG xây dựng NTM: tiêu chí về y tế đối với xã NTM, xã NTM nâng cao chưa được hướng dẫn cụ thể; một số tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021-2025 quy định khó áp dụng để đánh giá đối với địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đến nay chưa quy định cụ thể về "thu nhập thấp" để triển khai hỗ trợ đào tạo nghề. Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: chưa thống nhất về đối tượng thực hiện trồng rừng phòng hộ với Luật đất đai 2013 để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân. Hay như trong hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và sản xuất cộng đồng thuộc các Chương trình MTQG còn co quy định chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến khó thu hút được đối tượng tham gia thực hiện dự án và dự án sẽ không đủ điều kiện để được hỗ trợ.

Cụ thể hơn, đối với Dự án 5, trong Tiểu dự án 3 về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi, theo quy định của Chương trình, đối tượng hỗ trợ của các dự án, tiểu dự án thành phần phát triển giáo dục nghề nghiệp thuộc 2 chương trình là "Cơ sở giáo dục nghề nghiệp". Với quy định này, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh không phải là cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp nên không được hỗ trợ từ Chương trình...

Các nội dung này đã được tỉnh Yên Bái cũng như các địa phương trên cả nước báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, tuy nhiên vẫn chưa được hướng dẫn.

- Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm gì để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các chương trình MTQG thưa đồng chí ?

Đồng chí Đoàn Hữu Phung: Như đã biết, ngày 29/11/2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 108/2023/QH15 trong đó cho phép kéo dài vốn ngân sách nhà nước năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) chưa giải ngân hết trong năm 2023 được tiếp tục thực hiện trong năm 2024. Để bảo đảm đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn năm 2022, năm 2023 cũng như kế hoạch vốn năm 2024, trong thời gian tới, cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, các cơ quan chủ trì Chương trình MTQG hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, địa phương được giao kế hoạch vốn tập trung triển khai thực hiện ngay đối với các dự án, nội dung đã có đủ hướng dẫn.

Thứ hai, các đơn vị, địa phương chủ động, nỗ lực hơn nữa trong triển khai thực hiện kế hoạch vốn đã giao; rà soát, trình cấp có thẩm quyền phân bổ tối đa vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương cho các dự án, nội dung đủ điều kiện. Kiên quyết xử lý đối với các trường hợp có đối tượng đủ điều kiện được thụ hưởng từ các chương trình MTQG nhưng đơn vị, địa phương không rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền để phân bổ vốn.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận, tích cực tham gia đóng góp tự nguyện bảo đảm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai thực hiện các Chương trình MTQG; tổ chức quán triệt, phổ biến, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân về các Chương trình MTQG.

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, trong đó chú trọng quản lý chặt chẽ việc sử dụng các nguồn lực thực hiện Chương trình (bao gồm nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác); tiếp tục phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới.

 - Xin cảm ơn đồng chí!

Đức Toàn (thực hiện)

Tags Yên Bái giải ngân mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Các tin khác
Giá vàng trong nước chao đảo. (Ảnh minh họa)

Sáng nay (19/1), giá vàng SJC chao đảo quanh mức 76 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn tròn trơn giảm về mức 63,4 triệu đồng/lượng.

Lãnh đạo huyện Yên Bình kiểm tra thực địa tại thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình.

Trên địa bàn huyện Yên Bình hiện có 72 dự án đầu tư đã được tỉnh cấp giấy chứng nhận, chấp thuận đầu tư với tổng số vốn đăng ký 16.142 tỷ đồng và 17,3 triệu USD. Năm 2024 - 2025, huyện phấn đấu thu hút từ 8 đến 12 nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát, trong đó có tối thiểu 80% các dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt, triển khai thực hiện.

Vụ xuân là vụ sản xuất lúa quan trọng nhất trong năm và có tính quyết định đến thời vụ của các vụ lúa tiếp theo.

Lúa xuân là vụ lúa chính, có năng suất cao nhất, đóng vai trò quan trọng đối với việc thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp cả năm. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã trao đổi với ông Phạm Đình Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh về công tác chuẩn bị cũng như những khuyến cáo cho sản xuất lúa xuân.

Giá xăng dầu tiếp tục tăng.

Giá xăng dầu trong nước hôm nay (18/1) được liên bộ Công Thương - Tài chính điều hành theo hướng tăng. Đáng lưu ý, giá xăng RON95 tăng vượt mốc 22.000 đồng/lít.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục