Đến xã Tuy Lộc ngày này, không khó để bắt gặp hình ảnh những người nông dân đang tất bật chăm sóc những luống su hào, súp lơ, cải bắp, cải ngọt hay những luống hoa hồng, hoa cúc …. Bà Lê Thị Chúng, thôn Minh Long, xã Tuy Lộc chia sẻ: "Gia đình có 3 sào đất ruộng trồng rau. Năm nay, trời lạnh, rau phát triển chậm hơn, gia đình đã tập trung chăm sóc để có rau bán Tết. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình”.
Tết Nguyên đán là thời điểm rau xanh được tiêu thụ nhiều nhất trong năm. Vùng rau Tuy Lộc với trên 50 ha, gần 200 hộ tham gia, là một địa chỉ lớn cung ứng rau cho thành phố Yên Bái. Nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng hướng đến sản phẩm sạch, nhiều nông dân xã Tuy Lộc đã áp dụng chăn nuôi kết hợp trồng trọt theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ cho cây trồng góp phần giảm chi phí đầu vào, gia tăng giá trị sản xuất.
Chị Trần Thị Thanh, cán bộ khuyến nông xã Tuy Lộc cho hay: "Được phổ biến khoa học kỹ thuật, người dân trong xã đã kết hợp các loại phân hữu cơ như: phân chuồng, trấu hay rơm rạ đã hoai mục để sản xuất rau an toàn. Nguồn phân bón này giúp rau và hoa đảm bảo chất dinh dưỡng, phát triển tốt; thân cây cứng, hoa rực rỡ, bền màu. Hiện toàn xã có trên 20 hộ chăn nuôi, đều áp dụng phương pháp ủ phân chuồng cùng các phụ phẩm nông nghiệp để bón cho rau. Năm nay, thời tiết lạnh hơn nên nông dân từ cuối tháng 10 Âm bắt đầu xuống giống những loại rau, hoa dài ngày và cuối tháng 11 Âm xuống giống rau ngắn ngày. Các loại rau màu: su hào, bắp cải, súp lơ, cà rốt, rau thơm... trên địa bàn đang phát triển ổn định, dự kiến trong dịp Tết có thể cung cấp ra thị trường gần 60 tấn rau xanh các loại và hàng chục nghìn bông hoa cúc, hồng”.
Các ruộng rau an toàn ở xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái sẵn sàng phục vụ Tết Nguyên đán.
Được công nhận là vùng sản xuất rau an toàn từ năm 2016, đến nay, các hộ sản xuất rau an toàn ở xã Âu Lâu đã đưa nhiều cây trồng năng suất, chất lượng vào sản xuất trong dịp Tết, như: su hào, bắp cải, đỗ, cà chua … Người dân cũng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái sơ chế theo đúng quy chuẩn sản xuất rau an toàn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học mà sử dụng các thuốc sinh học. Sản phẩm rau an toàn xã Âu Lâu đã bước đầu tạo uy tín trên thị trường, trở thành hàng hoá phát triển bền vững, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Chị Trần Thị Kim Khuyên ở thôn Cống Đá, xã Âu Lâu cho biết: "Làm rau màu, nhất là rau màu vụ phục vụ Tết, gia đình áp dụng đúng khung thời vụ, chăm sóc đúng quy trình là rau lên xanh tốt. Trồng rau, hoa tuy vất vả nhưng thu nhập cao gấp ba lần trồng lúa. Với giá bán tại vườn trung bình các loại rau "sản xuất xanh” từ 15-20 ngàn đồng/kg và các loại hoa từ 15-30 ngàn đồng/bó hoặc một chậu tùy lớn, nhỏ thì gia đình cũng thu được trên 40 triệu đồng sau khi trừ chi phí, được giá hơn từ 3 - 5 nghìn đồng/kg so với các loại rau không có chứng nhận an toàn”.
Là một trong ba vùng sản xuất rau an toàn của thành phố Yên Bái, xã Âu Lâu đang duy trì và phát huy hiệu quả diện tích trên 60ha, các hộ chăn nuôi đã áp dụng phế, phụ phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi, sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. Trên địa bàn xã có hai hợp tác xã sản xuất rau an toàn, cho sản phẩm rau sạch phục vụ Tết Nguyên đán.
Bà Đỗ Thị Ngân Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Âu Lâu cho biết: "Sản xuất rau xanh, rau an toàn, nhất là rau xanh phục vụ Tết Nguyên đán với người dân xã Âu Lâu đã và đang trở thành một nghề cho thu nhập khá ổn định, với mức bình quân đạt gần 150 triệu đồng/ha. Vụ Tết này, toàn xã đưa vào gieo trồng nhiều loại rau đậu, hoa cúc, hoa hồng… phấn đấu sản lượng rau trên 70 tấn và hoa đảm bảo cung cấp cho thị trường”.
Để tạo nguồn thực phẩm sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đáp ứng nhu cầu thị trường nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, các hộ sản xuất rau ở xã Âu Lâu, Tuy Lộc, Văn Phú, thành phố Yên Bái đang hướng phát triển vùng "sản xuất xanh”, thân thiện với môi trường nhằm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích một cách bền vững.
Minh Huyền