Cơ sở giáo dục sẽ được quyền chọn sách giáo khoa
Từ ngày 12/2, Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông chính thức có hiệu lực.
Thông tư này áp dụng đối với các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, các tổ chức và cá nhân có liên quan.
Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do Hiệu trưởng cơ sở giáo dục hoặc Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên,... lựa chọn. Mỗi cơ sở giáo dục thành lập 1 hội đồng lựa chọn sách giáo khoa.
Việc lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi của học sinh.
Bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp THCS
Thông tư 31/2023/TT-BGDĐT về việc ban hành quy chế xét công nhận tốt nghiệp THCS chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2.
Trong đó, điều kiện xét tốt nghiệp THCS có nhiều điểm mới như: Học sinh Trung học Cơ sở nghỉ quá 45 buổi vẫn được tốt nghiệp. Trước đây, để tốt nghiệp Trung học Cơ sở, học sinh không được nghỉ học quá 45 buổi học ở năm học lớp 9 (nghỉ một lần/nhiều lần cộng lại).
Bỏ xếp loại tốt nghiệp Trung học Cơ sở (trước đây xếp loại giỏi, khá, trung bình căn cứ vào hạnh kiểm và học lực). Tổ chức xét tốt nghiệp Trung học Cơ sở 2 lần/năm. Quy chế trên được áp dụng từ năm học 2024 - 2025.
Quy định mới về mức thu phí đường bộ
Nghị định số 90/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/2.
Theo đó, đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ là các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã đăng ký (có giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe), kiểm định để lưu hành (được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường), bao gồm: Xe ô tô, xe đầu kéo và các loại xe tương tự (ô tô). Xe ô tô nêu trên trong một số trường hợp không chịu phí sử dụng đường bộ.
Cụ thể, mức thu phí sử dụng đường của xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân, hộ kinh doanh có mức phí 130.000 đồng/tháng. Xe chở người dưới 10 chỗ (trừ xe quy định tại điểm 1 của Nghị định); xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ dưới 4.000 kg; các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng (bao gồm cả xe đưa đón học sinh, sinh viên, công nhân được hưởng chính sách trợ giá như xe buýt); xe chở hàng và xe chở người 4 bánh có gắn động cơ có mức phí 180.000 đồng/tháng. Xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 19.000 kg đến dưới 27.000 kg; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 19.000 kg đến dưới 27.000 kg có mức phí 720.000 đồng/tháng…
Xe tải, xe ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 27.000 kg trở lên; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 27.000 kg đến dưới 40.000 kg có mức phí 1.040 đồng/tháng. Xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 40.000 kg trở lên có mức phí 1.430 đồng/tháng…
Quy định mới về giấy tờ tùy thân khi đi máy bay
Thông tư số 42/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung một số nội dung về giấy tờ nhân thân khi đi máy bay từ 15/2.
Hành khách khi làm thủ tục đi tàu bay trên các chuyến bay quốc tế phải xuất trình một trong các loại giấy tờ sau: Hộ chiếu hoặc giấy thông hành hoặc giấy tờ khác có giá trị xuất, nhập cảnh theo quy định của pháp luật như thị thực rời, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, thẻ căn cước công dân (nếu Việt Nam và quốc gia liên quan ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau)… (giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh theo quy định).
Trường hợp trẻ em không có hộ chiếu riêng, họ tên, ngày, tháng, năm sinh và ảnh của trẻ em được ghi và dán vào hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật, bao gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi hoặc người giám hộ.
Hành khách từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đi tàu bay trên các chuyến bay nội địa phải xuất trình một trong các loại giấy tờ hoặc dữ liệu điện tử có giá trị pháp lý tương đương. Đối với hành khách mang quốc tịch Việt Nam từ đủ 14 tuổi đến trên 14 tuổi không quá 20 ngày có thể sử dụng các loại giấy tờ đi tàu bay như đối với hành khách chưa đủ 14 tuổi.
Cách xác định mới về xe quá khổ, quá tải
Thông tư 35/2023/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 46/2015/TT-BGTVT, có hiệu lực từ 1/2, quy định xe quá tải trọng của đường bộ là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc ít nhất một trong các trường hợp sau:
Có tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe vượt quá trị số ghi trên biển báo hiệu "hạn chế trọng tải toàn bộ xe" hoặc biển báo hiệu "Loại xe hạn chế qua cầu" tại nơi có một trong hai loại biển báo hiệu này;
Có tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe vượt quá quy định về giới hạn tổng trọng lượng của xe tại Điều 17 của Thông tư 46/2015/TT-BGTVT tại nơi không có cả hai loại biển báo hiệu "hạn chế trọng tải toàn bộ xe" và "Loại xe hạn chế qua cầu";
Có tải trọng trục xe vượt quá trị số ghi trên biển báo hiệu "Hạn chế tải trọng trên trục xe" hoặc biển báo hiệu "Tải trọng trục hạn chế qua cầu" tại nơi có một trong hai loại biển báo hiệu này;
Có tải trọng trục xe vượt quá quy định về giới hạn tải trọng trục xe tại Điều 16 của Thông tư 46/2015/TT-BGTVT tại nơi không có cả hai loại biển báo hiệu "Hạn chế tải trọng trên trục xe" và "Tải trọng trục hạn chế qua cầu".
Ngoài ra, Thông tư 35/2023/TT-BGTVT cũng nêu xe quá khổ giới hạn của đường bộ thuộc ít nhất một trong các trường hợp sau:
Chiều dài vượt quá trị số ghi trên biển báo hiệu "Hạn chế chiều dài xe" hoặc biển báo hiệu "Hạn chế chiều dài xe cơ giới kéo theo rơ-moóc hoặc sơ-mi- rơ-moóc" tại nơi có một trong hai loại biển báo hiệu này;
Chiều dài lớn hơn 20 mét hoặc lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe tại nơi không có cả hai loại biển báo hiệu "Hạn chế chiều dài xe" và "Hạn chế chiều dài xe cơ giới kéo theo rơ-moóc hoặc sơ-mi- rơ-moóc";
Chiều rộng vượt quá trị số ghi trên biển báo hiệu "Hạn chế chiều ngang xe" tại nơi có loại biển báo hiệu này; Chiều rộng lớn hơn 2,5 mét tại nơi không có loại biển báo hiệu "Hạn chế chiều ngang xe";
Chiều cao tính từ mặt đường bộ trở lên vượt quá trị số ghi trên biển báo hiệu "Hạn chế chiều cao" tại nơi có loại biển báo hiệu này; Chiều cao tính từ mặt đường bộ trở lên lớn hơn 4,2 mét, đối với xe chở container lớn hơn 4,35m mét tại nơi không có loại biển báo hiệu "Hạn chế chiều cao".
Một số trường hợp "độ" xe vẫn được đăng kiểm
Theo quy định mới tại Thông tư 43/2023/TT-BGTVT có hiệu lực từ 15-2-2024, việc thay đổi xe cơ giới mà không làm thay đổi kiểu loại xe và đáp ứng yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng thì được kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ để được cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định.
Cụ thể, xe cơ giới chỉ thay đổi liên quan đến nội thất và tính tiện nghi, không liên quan đến an toàn thì không coi là cải tạo và vẫn được đăng kiểm.
Cụ thể thay đổi: cửa lên xuống khoang hành khách (không thay đổi vị trí và kích thước cửa); kết cấu thùng chở hàng; lắp, thay thế/tháo bỏ nắp che khoang chở hàng, hành lý của ô tô PICKUP nhưng không làm thay đổi kích thước lòng thùng hàng và kích thước bao của xe; lắp đặt thêm đèn sương mù dạng rời; thay thế cụm đèn chiếu sáng phía trước bằng cụm đèn đã được chứng nhận hoặc công bố hợp quy mà không cần gia công thay đổi kết cấu của xe để bảo đảm việc lắp đặt...
Ngoài ra, miễn lập hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo cho một số trường hợp: Lắp, thay thế hoặc tháo bỏ giá nóc của ô tô con tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất mà không làm thay đổi chiều rộng toàn bộ của xe; lắp, thay thế hoặc tháo bỏ mui gió trên nóc ca bin ô tô đầu kéo...
(Theo TPO)