Ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng có liên quan, đồng thời chỉ đạo các phòng chuyên môn, phòng kinh tế, kinh tế hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố nắm bắt, kiểm soát thị trường những ngày trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024”.
Theo đó, ngay từ trong năm 2023, nguồn cung hàng hóa được các doanh nghiệp chuẩn bị số lượng lớn, đa dạng về chủng loại, mẫu mã cũng như chất lượng để phục vụ nhu cầu của người dân sắm tết. Theo báo cáo của các doanh nghiệp kinh doanh phân phối lương thực, thực phẩm chủ đạo, giá trị lượng hàng hóa tiêu thụ năm nay ước tính gần 200 tỷ đồng, hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, giá ổn định.
Những ngày cận tết, từ 28 - 30 âm lịch - thời điểm cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động nghỉ tết đồng loạt, thị trường trên toàn tỉnh trở nên sôi động hơn. Sức tiêu thụ hàng hoá của nhân dân tăng đột biến, chủ yếu là nhóm lương thực, thực phẩm tăng 10 - 20% so với thời điểm trước ngày 23 âm lịch, (riêng sản phẩm rượu, bia tiêu thụ giảm 20 - 30% so với cùng kỳ).
Các điểm kinh doanh bán lẻ vẫn mở cửa phục vụ nhân dân đến chiều 30 tết. Cho đến ngày 11/2 (tức mùng 2 âm lịch), đã có một số điểm kinh doanh tại chợ và cửa hàng bán lẻ tiểu thương mở cửa bán hàng trở lại với các mặt hàng rau củ, đồ tươi sống, công nghệ phẩm, thị trường dần trở lại bình thường.
Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, các cửa hàng bán lẻ vẫn duy trì hoạt động bình thường, đáp ứng nhu cầu của người dân (không có ngày nghỉ). Hệ thống của Công ty Xăng dầu Yên Bái bắt đầu nghỉ tết từ đêm 30 tháng Chạp đến trưa ngày 1 tết và hoạt động trở lại bình thường từ 12h00 cùng ngày.
Qua theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả thị trường về các mặt hàng cơ bản ổn định cả trước, trong và sau tết. Cụ thể, đối với nhóm hàng lương thực giá cả ổn định, trước, trong và sau tết Nguyên đán không tăng.
Hiện nay, giá gạo tẻ thường vẫn giữ mức giá ổn định giao động 16.000 - 18.000 đồng/kg; giá gạo Tám thơm 18.000 - 20.000 đồng/kg, gạo Sén cù 22.000 - 25.000 đồng/kg, gạo nếp Tú Lệ 40.000 - 45.000 đồng/kg... Nhóm thực phẩm tươi sống tăng nhẹ, giá thịt bò từ 230.000 - 250.000 đồng/kg, gà ta (chưa mổ) 110.000 - 130.000 đồng/kg, gà mổ sẵn 140.000 - 160.000 đồng/kg, giá lợn hơi 58.000 - 62.000đồng/kg, thịt lợn thăn 110.000 - 130.000đồng/kg; giò lợn 120.000 - 150.000 đồng/kg: cá trắm 75.000 - 85.000 đồng/kg.
Sau tết kể từ ngày mùng 2 âm lịch, nhu cầu tiêu dùng của người dân đối với một số loại thực phẩm như cá tăng cao, giá cả mặt hàng tươi sống tăng khoảng 10% so với thời điểm trước tết. Nhóm rau củ quả giảm giá, bắp cải 8.000 đồng/kg; su hào 10.000 đồng/kg; cà chua 15.000 đồng/kg, súp lơ 10.000 đồng/cây... Nhìn chung giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tương đối ổn định.
Chị Đỗ Hồng Nhung ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái cho biết: "Thường thì sau tết giá rau xanh sẽ tăng nhưng năm nay lại giảm hơn so với trong tết; các loại cá do nhu cầu đổi món cho đỡ ngán của người dân nên giá có tăng đôi chút nhưng vẫn chấp nhận được”.
Riêng về hàng công nghệ phẩm trước, trong và sau tết giá ổn định do các doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng đã chủ động chuẩn bị đủ nguồn hàng cho thị trường. Đáng lưu ý, giá hoa tươi chỉ tăng nhẹ vào các ngày giáp tết do nhu cầu tăng cao đối với các loại hoa phục vụ cúng lễ. Giá các loại cây cảnh chơi tết như đào, quất, mai tương đương cùng kỳ năm trước, nguồn cung dồi dào.
Tuy nhiên, đến những ngày cận tết (từ chiều 29 tết) giá hoa, cây cảnh giảm mạnh so với các ngày trước do nguồn cung phong phú, dồi dào, không bị khan hiếm trong khi lượng mua kém hơn so với mọi năm, khiến nhiều người buôn bán cây cảnh muốn giảm giá, xả hàng thu hồi vốn sớm.
Để giữ được thị trường ổn định, hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và đảm bảo cho hàng hóa lưu thông thông suốt trong dịp tết Nguyên đán, từ trước tết, các ngành chức năng đã quyết liệt thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, kiểm soát chặt chẽ thị trường đối với nhóm hàng thực phẩm tươi sống và qua chế biến để kiềm chế sự tăng giá cũng như hạn chế tối đa sản phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống buôn lậu.
Ông Trần Hùng Tuấn - Phó Cục Trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: "Chỉ tính từ ngày 15/12/2023 đến ngày 5/2/2024, đơn vị đã kiểm tra 71 vụ, xử lý 65 vụ với 67 hành vi, phạt hành chính 685 triệu đồng, bán hàng tịch thu 218.780.000 đồng, trị giá hàng tiêu huỷ trên 1,9 tỷ đồng; tổng giá trị thực hiện 2,8 tỷ đồng”.
Dự báo sau ngày 10 tháng Giêng giá cả sẽ giảm và dần ổn định trở lại. Các cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao để chủ động phương án bảo đảm cân đối lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến.
Hồng Duyên