Người trẻ Yên Bái lập nghiệp trên quê hương

  • Cập nhật: Thứ ba, 12/3/2024 | 7:42:01 AM

YênBái - Trồng cây gì, nuôi con gì, làm nghề gì để phát triển kinh tế gia đình, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển, là trăn trở của nhiều người, nhất là những bạn trẻ khi quyết định ở lại quê hương lập thân, lập nghiệp. Không ngừng nỗ lực, sáng tạo, đổi mới, nhiều bạn trẻ đã tìm được lời giải cho câu hỏi này.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh thăm khu vườn trồng nho của Hợp tác xã “Sáu không Farm” của anh Lục Vân Anh
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh thăm khu vườn trồng nho của Hợp tác xã “Sáu không Farm” của anh Lục Vân Anh


Trồng đu đủ đực lấy hoa

Hà Minh Hải (sinh năm 1992) - Phó Bí thư Đoàn xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn là một trong những người tiên phong ở địa phương mạnh dạn chuyển đổi đất trồng cây ăn quả kém hiệu quả sang trồng cây đu đủ đực lấy hoa trên diện tích 5ha để phát triển kinh tế gia đình. Đây là dự án mang nhiều tâm huyết của Hải. Bởi vậy trước khi thực hiện, Hải đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu về loại cây này cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm. 

Nhận thấy, đu đủ là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với nhiều loại khí hậu, thổ nhưỡng; sản phẩm hoa đu đủ đực có nhiều công dụng, được ví là loài cây thuốc quý chữa nhiều loại bệnh như: viêm họng, ho, sỏi thận, tiểu đường, huyết áp... nên Hải đã lên kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn thực hiện Dự án. Mọi công đoạn từ trồng, chăm sóc, chế biến đến xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm ra thị trường, anh đều trực tiếp tham gia làm và thực hiện. 

Mô hình trồng đu đủ đực lấy hoa cho hiệu quả kinh tế cao của anh Hà Minh Hải, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn. 

Theo Hải chia sẻ, cây đu đủ sẽ cho hoa sau 4 tháng trồng và thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 3 năm. Năm đầu tiên, một cây hoa đu đủ đực sẽ cho thu hoạch khoảng 0,3kg hoa/đợt. Từ năm thứ hai trở đi, mỗi cây sẽ cho từ 0,5kg - 0,7kg hoa/cây/đợt; sang năm thứ 3, cây nào nhiều nhánh sẽ cho thu từ 1-2kg hoa/cây/đợt; sản lượng đạt khoảng 7-8 tấn hoa/ha/năm. Sau mỗi lần thu hoạch chỉ cần bón phân, tưới nước và cắt cỏ. 

Mặc dù mới bắt đầu trồng thử nghiệm từ năm 2023, song ngay trong lứa thu hoạch đầu tiên, gia đình Hải đã thu về khoảng 5 tấn hoa với giá bán dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, thu về trên 100 triệu đồng. Trồng đu đủ đực lấy hoa cho giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với các loại cây trồng và hoa màu khác. Ngoài bán lẻ, giao buôn cho các thương lái, cung cấp cho cơ sở sản xuất thuốc đông y, gia đình Hà Minh Hải còn đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc để tự sản xuất, chế biến "Trà nụ hoa đu đủ đực” đóng túi lọc, thuận tiện cho người sử dụng. 

Hiện tại, mô hình trồng đu đủ đực lấy hoa của gia đình Hải đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, đồng thời mở hướng cho nhiều hộ nông dân học tập, làm theo. Hà Minh Hải tâm sự: "Thời gian tới, em sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển sản xuất, đưa thương hiệu "Trà nụ hoa đu đủ đực” tới nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, chăm sóc tốt diện tích trồng hiện có để cây cho năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, hướng tới xây dựng trở thành sản phẩm OCOP của địa phương”.

Làm nông nghiệp "sáu không”

Mạnh dạn đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, đó cũng là bí quyết để anh Lục Vân Anh (dân tộc Tày) sinh năm 1987 ở thị  trấn Yên Thế, huyện Lục Yên đạt được những thành công trên con đường làm nông nghiệp sạch. Vốn là một thạc sĩ nông nghiệp nên khi trở về địa phương công tác, Lục Vân Anh đã quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) "Sáu không Farm” (không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón vô cơ, giống biến đổi gen, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc diệt cỏ và không canh tác trên vùng đất, nguồn nước bị ô nhiễm...). 

Lục Vân Anh tâm sự: "Mặc dù ban đầu gặp không ít khó khăn do thiếu vốn, kinh nghiệm thực tế, chưa xây dựng, quảng bá được thương hiệu cho các sản phẩm… Tuy nhiên, bằng tất cả tình yêu và đam mê dành cho nông nghiệp, tôi đã tự mày mò học hỏi và nỗ lực để biến ước mơ của mình thành hiện thực”. 

Ban đầu, HTX "Sáu không Farm” chỉ trồng thử nghiệm các loại rau màu, củ, quả trêm diện tích khoảng 10.000 m2, sau đó, tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng, nhà kính trên diện tích 5.000 m2 và liên kết với các hộ dân tại thị trấn Yên Thế để trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Nhờ có bước đi đúng hướng nên đến nay, HTX "Sáu không Farm” đã mở rộng diện tích nhà màng, nhà kính lên khoảng 13.000 m2 tại xã Tân Lập và thị trấn Yên Thế. Về đầu ra, anh Lục Vân Anh đã liên kết với các hộ dân trên địa bàn huyện Lục Yên cung cấp rau cho chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và siêu thị, đồng thời đẩy mạnh bán hàng trên sàn thương mại điện tử. 

Hiện tại, sản phẩm của "Sáu không Farm” đã có mặt tại nhiều cửa hàng, siêu thị ở thành phố Yên Bái, Hà Nội, Đà Nẵng… Bình quân, HTX "Sáu không Farm” cho sản lượng từ 60-80 tấn rau, củ, quả/năm. Tổng doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 500 triệu đồng/năm; tạo việc làm trực tiếp cho 5 lao động là thanh niên nông thôn và 10-15 lao động thời vụ với mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng, đồng thời giúp đỡ 15 hộ liên kết sản xuất có việc làm và thu nhập ổn định. 

Không dừng lại ở sản xuất nông nghiệp sạch, anh Lục Vân Anh còn đang đẩy mạnh mô hình trải nghiệm, giáo dục, du lịch cho các gia đình đến tham quan, trải nghiệm tự trồng, tự chăm sóc, thu hoạch nông sản vào dịp cuối tuần, góp phần tác động không nhỏ đến tư duy sản xuất nông nghiệp sạch, ý thức bảo vệ môi trường của người dân trên địa bàn huyện Lục Yên nói riêng và trong tỉnh nói chung. Mô hình của anh cũng trở thành điển hình về phát triển kinh tế xanh tại địa phương. 

Từ những đóng góp thiết thực, năm 2022, anh Lục Vân Anh đã vinh dự là một trong số 32 thanh niên cả nước được nhận Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng và là một trong 2 đại biểu dân tộc thiểu số đạt giải thưởng Lương Định Của nhận bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới, làm kinh tế giỏi năm 2022.

Xây dựng mô hình "VAC” kết hợp làm du lịch

Dám ước mơ và luôn nỗ lực để thực hiện ước mơ, đó cũng là điều đã giúp Ngô Quang Hà, sinh năm 1992 ở thôn Bản Lùng, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên xây dựng được mô hình phát triển kinh tế VAC phù hợp với điều kiện của gia đình. Trên diện tích hơn 4 ha, Hà dành 3 ha để trồng quế, còn lại dành để trồng rau và quy hoạch khu chăn nuôi lợn đen bản địa, bò sinh sản, các loại gà, vịt và đào ao thả cá. Hải cũng đã chuyển đổi 6 sào ruộng của gia đình sang nuôi ốc để nâng cao thu nhập. 

Ngô Quang Hà tâm sự: "Sinh sống ở vùng cao, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, ở đây, chúng em lại có lợi thế về tài nguyên đất đai, khí hậu. Do đó, em luôn tự nhủ, nếu có đủ nỗ lực, quyết tâm thì "sỏi đá cũng thành cơm”. 

Không có điều kiện được học hành bài bản, song nhờ có sự năng động, tư duy nhạy bén, Ngô Quang Hà đã biết sử dụng mạng Internet làm cầu nối để học tập những kiến thức làm nông nghiệp, áp dụng vào thực tế. 

Cùng đó, Hà cũng đã dành thời gian để tham quan học hỏi một số mô hình phát triển chăn nuôi, trồng trọt tại địa phương. Hiện tại, mô hình VAC của Ngô Quang Hà đã trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế tại xã vùng cao Phong Dụ Thượng, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đây cũng là mô hình mới trong phát triển kinh tế khi Ngô Quang Hà đã biết kết hợp làm kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển du lịch cộng đồng. 

Hà chia sẻ: "Phong Dụ Thượng có nhiều cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc đa dạng, phong phú nên phát huy lợi thế này, em đã đầu tư cải tạo, sửa sang lại nhà cửa để làm homestay và bước đầu đã thu hút được nhiều du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng”. 

Những tấm gương điển hình như Hà Minh Hải, Lục Vân Anh, Ngô Quang Hà và còn nhiều, nhiều nữa có thể khẳng định "không có gì là không thể” và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương cũng không còn là điều mới lạ. Bởi vậy, các bạn trẻ hãy luôn tự tin, nỗ lực để mạnh dạn lập nghiệp, làm giàu trên chính quê hương mình!

Hồng Oanh

Tags Yên Bái tuổi trẻ Lục Văn Anh khởi nghiệp vay vốn hợp tác xã người trẻ lập nghiệp

Các tin khác
Cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần NIINUMA Việt Nam  lắp pin năng lượng cho người dân trên địa bàn huyện Mù Cang Chải.

Hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 73 chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà với công suất 585,94 kWp, sản lượng phát lên lưới năm 2023 là 299.902 kWh với chi phí mua điện là 593,206 triệu đồng, giá mua điện bình quân cả năm là 1.939 đ/kWh.

Hiện nay, quế được trồng ở 25/25 xã, thị trấn của huyện Văn Yên với tổng diện tích trên 55.000 ha.

Văn Yên là địa phương có diện tích và sản lượng quế lớn nhất cả nước. Theo số liệu mới nhất được công bố, đến hết năm 2023, huyện có trên 55.000 ha quế; rong đó, diện tích quế tập trung trên 30.000 ha. Loại cây trồng truyền thống tiếp tục là cây trồng chủ lực giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Giá vàng SJC ở mức 82 triệu đồng/lượng.

Sáng nay (11/3), giá vàng SJC trong nước trụ vững trên đỉnh 82 triệu đồng/lượng, giá nhẫn tròn trơn gần 71,2 triệu đồng/lượng.

Cây xăng gần bến xe Miền Đông, phường 26, quận Bình Thạnh dựng ghế, thanh sắt tạo thành lối nhỏ để bán từng xe một, sáng 11/10.

Cơ quan thuế tăng kiểm tra liên ngành, nhiều doanh nghiệp vẫn lúng túng khi triển khai xuất hóa đơn điện tử từng lần, lo bị rút giấy phép nếu không xong trước 31/3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục