Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình bà Phạm Thị Lệ, thôn Chanh, xã Phù Nham được biết đến là một trong những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả tại địa phương. Với diện tích hơn 2 ha, từ nhiều năm trước, gia đình bà đã đưa cây bưởi đường, cây táo vào trồng. "Ban đầu, gặp nhiều khó khăn về quy trình chăm sóc, đầu ra của sản phẩm nhưng từ 5 năm trở lại đây, nhờ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kỹ thuật do các cấp tổ chức; tuân thủ nghiêm quy trình chăm sóc và phát triển cây ăn quả theo hướng an toàn… nên sản phẩm bưởi, táo của gia đình có vị ngọt đậm, mẫu mã đẹp, được người tiêu dùng đón nhận, đem lại thu nhập khá tốt. Riêng năm 2023 vừa qua, gia đình thu nhập khoảng gần 100 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí” - bà Lệ cho biết.
Cũng giống như bà Lệ, gia đình ông Đặng Văn Chung cùng ở thôn Chanh cũng lựa chọn hướng phát triển cây ăn quả để nâng cao thu nhập. Ông Chung cho biết: "Năm 2017, gia đình tôi chuyển đổi toàn bộ hơn 4.000 m2 đất vườn tạp sang trồng bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi đường. Trong quá trình trồng, tôi tìm hiểu sách, báo và đến thăm một số mô hình trồng bưởi ở các địa phương bạn về áp dụng. Đồng thời, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả an toàn do thị xã và các đơn vị chuyên môn tổ chức nên diện tích cây ăn quả phát triển khá tốt và đem lại thu nhập ổn định cho gia đình”.
Ông Lưu Minh Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Phù Nham cho biết, địa phương hiện có gần 130 ha cây quả. Ngoài một số loại cây chủ lực đã có tiếng trên thị trường như: bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi Đoan Hùng..., những năm qua, xã cũng chủ động khai thác và đưa những cây mới có giá trị kinh tế góp phần làm phong phú tập đoàn cây ăn quả của thị xã như: táo, thanh long, chanh leo… Nhờ đó, 100% hộ tham gia trồng cây ăn quả tại xã đều là hộ khá và giàu.
Cùng với xã Phù Nham, những năm qua, cây ăn quả cũng là cây trồng chủ lực của xã Nghĩa Lộ. Bà Vũ Thị Thanh - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộ cho biết: "Toàn xã có 245 ha cây ăn quả; trong đó, cây cam gần 10 ha, bưởi gần 33 ha, thanh long ruột đỏ 17,5 ha, nhãn trên 54 ha, mận 33,5 ha, táo gần 9 ha và nhiều loại cây ăn quả khác đang cho thu hoạch. Sản lượng năm 2023 từ cây ăn quả ước đạt 623 tấn; 400 hộ dân trồng cây ăn quả mỗi năm thu về trên 12 tỷ đồng. Thời gian tới, xã tiếp tục khuyến khích người dân phát triển cây ăn quả theo hướng tập trung, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ...”.
Theo số liệu thống kê, thị xã Nghĩa Lộ hiện có 545 ha cây ăn quả, với đa dạng các loại như: bưởi, thanh long, nhãn, ổi..., sản lượng hàng năm ước đạt 970 tấn. Ông Vũ Đức Trung - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Để duy trì diện tích cây ăn quả này, thị xã chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm; đồng thời, xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm từ cây ăn quả với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, thị xã tập trung xây dựng các vùng canh tác cây ăn quả tập trung; trong đó, chú trọng phát triển các cây ăn quả có giá trị kinh tế như: mận, xoài, thanh long, cam, bưởi... góp phần mang lại thu nhập cao, ổn định cho người nông dân”.
Phát huy kết quả đó, thời gian tới, thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục rà soát, chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: dưa hấu, dưa lê… nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang thông tin điện tử của xã, thôn và các trang Facebook cá nhân của các hộ dân… hướng tới phát triển cây ăn quả bền vững, từng bước hình thành vùng sản xuất cây ăn quả có chất lượng; xây dựng khu trải nghiệm, tham quan khám phá cây ăn quả cho du khách khi đến với địa phương, góp phần đạt mục tiêu đến năm 2025 giá trị thu nhập trên một héc - ta đất canh tác của người dân đạt 220 triệu đồng.
Hùng Cường