Chuyên kinh doanh các sản phẩm dược liệu chăm sóc sức khỏe, Công ty cổ phần Nam dược Đại Phú An, huyện Văn Yên luôn chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu. Bà Đỗ Thị Loan Phượng - Giám đốc Công ty cổ phần Nam dược Đại Phú An, huyện Văn Yên cho biết: "Việc xây dựng thương hiệu có ý nghĩa rất quan trọng trong mục tiêu tăng giá trị cho sản phẩm, doanh thu cho doanh nghiệp. Do đó, chúng tôi đầu tư bài bản về bao bì, nhãn mác, tên thương hiệu, logo nhận diện, quét mã QR code và kiểm tra tem chống hàng giả cũng như các giấy tờ, thủ tục để bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm của Công ty. Sản phẩm tinh dầu Đại Phú An của Công ty được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng”.
Bà Trần Thị Diệm ở Long Biên, Hà Nội cho biết: "Cách đây mấy năm, tôi được con cháu mua tinh dầu Đại Phú An do tôi hay bị ho, nhức đầu, đau nhức cơ thể. Sử dụng thử, tôi thấy dầu thẩm thấu sâu, dễ chịu, giúp ngủ ngon, xoa bóp giảm đau rất tốt. Từ đó, bản thân tôi đã tin dùng sản phẩm tinh dầu thực vật Đại Phú An đến nay và cũng giới thiệu sản phẩm tốt cho nhiều người”.
Toàn tỉnh hiện có gần 3.200 doanh nghiệp và 700 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, mỗi doanh nghiệp sẽ có chiến lược khác nhau để xây dựng thương hiệu, tạo dựng hình ảnh với khách hàng. Hết năm 2023, toàn tỉnh có 47 sản phẩm đặc sản, chủ lực của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT). Trong đó, có 10 chỉ dẫn địa lý, 20 nhãn hiệu chứng nhận, 17 nhãn hiệu tập thể. Thời gian qua, các hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm đẩy mạnh.
Riêng năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai thực hiện 15 dự án khoa học về SHTT với 10 dự án chuyển tiếp từ năm 2022 và 5 dự án thực hiện mới năm 2023, kinh phí thực hiện năm 2023 là 2,455 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ. Trong đó có 10/15 dự án về xác lập quyền SHTT, còn lại là về quản lý và phát triển tài sản trí tuệ. Các sản phẩm được đầu tư thương hiệu đều mang lại hiệu quả cao, được thị trường chấp nhận và giá bán tăng, nhiều sản phẩm đã tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, làng nghề cũng như các chủ hộ sản xuất xây dựng thương hiệu, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách như: cung cấp thông tin, kiến thức về xây dựng và phát triển thương hiệu; tuyên truyền, đào tạo về xây dựng và phát triển thương hiệu; tư vấn thiết kế, tra cứu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại thị trường trong và ngoài nước; tư vấn xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu; quảng cáo miễn phí các sản phẩm trên website của Sở Công Thương Tuy nhiên, nhiều mặt hàng vẫn xuất khẩu theo tiểu ngạch, phần lớn thông qua các doanh nghiệp khác; cơ sở sản xuất vẫn duy trì cung cách sản xuất, kinh doanh theo kiểu "ăn xổi” mà chưa tính đến chiến lược kinh doanh bài bản, dài hơi, không ít chủ thể chưa quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình.
Thương hiệu là yếu tố quan trọng góp phần duy trì, mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao văn minh thương mại và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp, HTX có thương hiệu tốt, tạo được dấu ấn trong lòng người tiêu dùng, hiệu quả kinh doanh càng cao thúc đẩy hoạt động sản xuất bền vững.
Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp trong suốt quá trình đầu tư, sản xuất và phân phối hàng hóa. Trong đó, chú trọng các hoạt động hỗ trợ phát phát triển sản xuất kinh doanh, quảng bá phát triển thương hiệu, kết nối giao thương, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải có những chiến lược đầu tư bài bản, phù hợp với đặc thù sản phẩm hàng hóa, quy mô hoạt động và quy định pháp luật hiện hành.
Thu Hiền