Yên Bái xây dựng thương hiệu, gây dựng lòng tin

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/8/2023 | 7:42:01 AM

YênBái - Bằng cách thay đổi tư duy canh tác từ truyền thống sang ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn, Yên Bái không những đã hình thành được các vùng chuyên canh hàng hóa theo chuỗi giá trị mà còn xây dựng được thương hiệu trên thị trường cũng như lòng tin trong người tiêu dùng.

Phó Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận kiểm tra chất lượng thành phẩm chè trước khi đóng gói.
Phó Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận kiểm tra chất lượng thành phẩm chè trước khi đóng gói.

Một trong những minh chứng rõ ràng cho điều này là câu chuyện về cuộc cách mạng tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận (HTX) tại xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn. Sau khi xây dựng được vùng nguyên liệu rộng tới 150 ha, HTX đã nhanh chóng thay đổi ý thức và nhận thức của người dân về an toàn vệ sinh thực phẩm, về vệ sinh môi trường, về sản xuất theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, hình thành vùng nguyên liệu sạch. 

Theo đó, HTX đã hướng dẫn những yêu cầu nghiêm ngặt từ cách ly với các yếu tố gây ô nhiễm, xây dựng bản đồ địa giới, đánh dấu vị trí cụ thể cho từng hộ thành viên cho đến tập huấn kiến thức trồng, chăm sóc chè, ghi nhật ký, có sự kiểm tra sát sao của HTX, thu gom rác thải nông nghiệp… 

Nhờ đó, vùng sản xuất của HTX đã đạt các chứng nhận tiêu chuẩn: RA (Rainforesr Alliance) từ năm 2015 và ISO 22000:2018, HACCP, FDA vào năm 2020, giúp sản phẩm chè của HTX "rộng đường” xuất khẩu sang các thị trường khó tính của thế giới. 

Phó Giám đốc HTX Đỗ Tuấn Lương chia sẻ: "Khi đạt tiêu chuẩn của các chứng nhận này, sản phẩm của HTX sẽ có uy tín, thương hiệu với đối tác. Đến nay, HTX đã xuất khẩu sản phẩm tới hơn 10 nước trên thế giới, trong đó có 2 hợp đồng dài hạn với thị trường Mỹ trị giá 5 triệu USD và thị trường Hà Lan 2 triệu USD. Nhờ đó, doanh thu của HTX tăng trên 30% từ 25 tỷ đồng (năm 2020) lên 35 tỷ đồng (năm 2022), tạo việc làm cho 65 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng”. 

Hay thương hiệu Quế Văn Yên cũng được hình thành và có uy tín trên thị trường không chỉ nhờ xác lập thành công chỉ dẫn địa lý mà còn là do người dân Văn Yên đã thay đổi tập quán canh tác từ truyền thống sang hữu cơ. Ngoài gần 6.000 ha đã được cấp chứng nhận hữu cơ, hàng nghìn héc - ta quế cũng đang được canh tác theo phương pháp này. 

Anh Nguyễn Thế Xuyên ở xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên có trên 5 ha quế đã 10 năm tuổi đều được chăm sóc theo hướng hữu cơ, tức là không bón phân hóa học, không sử dụng thuốc diệt cỏ hay bất cứ hóa chất nào. 

Anh Xuyên chia sẻ: "Tuy chưa được cấp giấy chứng nhận về sản xuất hữu cơ nhưng tôi tự mình sản xuất theo tư duy hữu cơ. Trồng theo cách này, quế bán được giá hơn, dễ bán hơn, lại bán được toàn bộ các bộ phận của cây quế từ thân, vỏ, lá… 5 ha quế tuy chưa đến đúng thời điểm thu hoạch nhưng tỉa lá, tỉa cây từ năm thứ 6 cũng đã cho gia đình thu nhập trên 300 triệu đồng”.

Vẫn còn rất nhiều những câu chuyện tại các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, hộ gia đình chứng minh cho việc thay đổi sản xuất theo đúng hướng, đáp ứng yêu cầu "xanh, sạch” sẽ từng bước hình thành thương hiệu trên thị trường và uy tín với khách hàng. Từ đó, gia tăng giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm, tạo thêm thu nhập, việc làm cho nhiều lao động địa phương. 

Để có được kết quả này, cùng với sự nỗ lực của mỗi chủ thể sản xuất, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất, tạo ra các sản phẩm an toàn, có chất lượng. 

Với nhiều chính sách hỗ trợ, Yên Bái đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất hàng hoá tập trung chuyên canh có quy mô lớn với 10 sản phẩm nông - lâm nghiệp chủ lực. Các hình thức sản xuất nông nghiệp đã bắt đầu đi theo hướng liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP cơ bản, VietGAP, GlobalGAP, Organic (hữu cơ)… được các tổ chức, cá nhân quan tâm, áp dụng. Chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh không ngừng được nâng lên. 

Hiện, tỉnh đã có 193 sản phẩm OCOP được công nhận, 36 sản phẩm nông sản được bảo hộ sở hữu trí tuệ; cấp 49 mã số vùng trồng cho các sản phẩm chủ lực và cấp chứng chỉ rừng bền vững, chứng nhận hữu cơ cho trên 19.000 ha rừng. 

Những con số này không chỉ thể hiện quá trình nỗ lực mà còn là niềm tự hào của tỉnh, của chính những chủ thể sản xuất khi có những sản phẩm chất lượng, chiếm lĩnh được thị trường và lòng tin của người tiêu dùng.

 Hoài Anh

Tags sản phẩm OCOP Hợp tác xã tổ hợp tác khoa học kỹ thuật sản xuất an toàn

Các tin khác
Hệ thống VinaERMS-INST lắp đặt tại trạm khí tượng Mai Pha, Lạng Sơn tháng 7/2022. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Hệ thống cảnh báo sớm của nhóm nghiên cứu Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (INST) giúp cung cấp dữ liệu chính xác, hỗ trợ kiểm soát sự cố phóng xạ.

Trung tâm Khuyến nông Yên Bái tiếp tục theo dõi, chăm sóc mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống bạch đàn lai mô được công nhận tại huyện Yên Bình.

Hàng năm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái triển khai từ 6 - 12 mô hình trình diễn khuyến nông và từ 1 - 2 dự án khuyến nông trung ương trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, khuyến công.

Trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ các bác sỹ trong chọn lọc phôi thai.

AIVF, công ty công nghệ sinh sản ở Israel, đã phát triển thành công phần mềm đánh giá chất lượng phôi thai được hỗ trợ bởi AI, giúp đơn giản hóa quy trình chọn lọc phôi thai trong thụ tinh ống nghiệm.

Toàn cảnh địa điểm ở Vùng Amur nơi tên lửa đẩy Soyuz của Nga đưa một số vệ tinh lên quỹ đạo năm 2016.

Nga sẽ sơ tán một ngôi làng ở vùng Viễn Đông vào ngày 11/8 để chuẩn bị cho sứ mệnh hạ cánh lên Mặt Trăng của nước này lần đầu tiên trong nửa thế kỷ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục