Dư địa các mặt hàng của Yên Bái rất lớn ở thị trường Hàn Quốc. Tuy nhiên, khó khăn của doanh nghiệp Yên Bái đối mặt hiện nay không phải là thuế quan mà ở khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu ngày càng cao về chất lượng, tính bền vững đối với môi trường, xã hội. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chưa khai thác hiệu quả các kênh phân phối, khả năng quản lý còn yếu…
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (KVFTA) đã có hiệu lực gần 8 năm, song hàng hóa có tiềm năng, thế mạnh của Yên Bái xuất khẩu sang Hàn Quốc còn rất hạn chế, nhất là các mặt hàng chế biến nông lâm sản. Nhìn lại năm 2023, ước giá trị kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc là 23 triệu USD, chiếm 6,7% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh với các sản phẩm chủ yếu là hàng may mặc, sản phẩm gỗ, khoáng sản.
Về nhập khẩu, hiện nay chỉ có 1 doanh nghiệp may nhập khẩu nguyên phụ liệu may mặc từ Hàn Quốc để may theo đơn đặt hàng từ đối tác Hàn Quốc. Đánh giá về các sản phẩm hàng hóa có tiềm năng, lợi thế của Yên Bái trong thời gian tới có thể tiếp tục khai thác, mở rộng thị trường ở Hàn Quốc là: nhóm hàng dệt may, khoáng sản (đá và bột đá), sản phẩm từ chất dẻo, gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ (đũa gỗ, thìa gỗ, gỗ xẻ thanh, trang thiết bị gia đình), hàng nông sản chè, sắn, quế và các sản phẩm từ quế, bao bì Jumbo (một loại bao bì làm từ polypropylen PP dệt có kích thước lớn dùng để chứa đựng, lưu trữ và vận chuyển sản phẩm, nguyên vật liệu tải trọng từ 500 - 2.500 kg), ngói màu Nasaki. Để xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc, các doanh nghiệp cần phải đáp ứng các yêu cầu như: chất lượng hàng hóa, các yêu cầu về hàng rào kỹ thuật, môi trường, xã hội và chủ động khai thác tốt các kênh phân phối, đồng thời tăng cường công tác quản lý của doanh nghiệp.
Đối với các lĩnh vực hợp tác trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các ngành liên quan, các doanh nghiệp có thể đầu tư sản xuất các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu sang Hàn Quốc gồm: các sản phẩm may mặc, đá xẻ, gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ, bao bì Jumbo, ngói màu Nasaki.
Đồng chí Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Yên Bái cần tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến thương mại đối với thị trường Hàn Quốc. Xác định Hàn Quốc là thị trường trọng điểm để có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp xâm nhập vào thị trường này phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh và yêu cầu về chất lượng hàng hóa, các điều kiện khác của hàng hóa xuất khẩu”.
Công ty TNHH
Nasaki Việt Nam có nhà máy ở Khu Công nghiệp phía Nam tỉnh Yên Bái. Hiện, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngói màu Nasaki với 7 dòng sản phẩm chính: ngói sóng nhỏ Luxury, sóng trung Nasaki, ngói phẳng phong cách Pháp, ngói phẳng trơn vát, ngói phẳng vân da, ngói phẳng vân đá, ngói phong cách Hàn Quốc với sản lượng 5,5 triệu viên/năm.
Đặc biệt, sản phẩm "Ngói màu không nung Nasaki” của Công ty là 1 trong 173 sản phẩm được Bộ Công Thương công nhận là sản phẩm "Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023”. Tháng 10/2023, doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến thương mại với Hàn Quốc. Bà Nguyễn Thị Khuyên - Giám đốc Công ty cho biết: "Sau chương trình xúc tiến thương mại, phía đối tác Hàn Quốc thông tin trong tháng 4 này sẽ sang Việt Nam và đến Yên Bái tham quan nhà máy”.
Đẩy mạnh xuất nhập khẩu với Hàn Quốc, Yên Bái cần có cơ chế, chính sách thu hút các dự án đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào lĩnh vực mà tỉnh khuyến khích đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện để các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu văn hóa tiêu dùng, văn hóa truyền thống của người Hàn Quốc để xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu phù hợp.
Đầu tháng 3/2024, đồng chí
Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn cùng đoàn công tác tỉnh có
chuyến thăm và làm việc tại
Hàn Quốc. Hoạt động này góp phần làm bền chặt hơn mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam - Hàn Quốc nói chung, giữa Yên Bái - Hàn Quốc nói riêng cũng như thúc đẩy phát triển hợp tác và đầu tư, nhất là những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của tỉnh với các địa phương, doanh nghiệp Hàn Quốc.
Nguyễn Thơm