Thủ tướng chỉ đạo tập trung phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

  • Cập nhật: Thứ hai, 17/6/2024 | 9:26:26 AM

Trước nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 58/CĐ-TTg về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Thủ tướng chỉ đạo tập trung phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
Thủ tướng chỉ đạo tập trung phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn về thú y và các địa phương, từ đầu năm 2024 đến nay, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại 410 xã thuộc 40 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 17.400 con (tăng 53,74% so với cùng kỳ năm 2023); 44 xã của 13 tỉnh, thành phố đã có `dịch lở mồm long móng; 34 tỉnh, thành phố đã phát hiện động vật nghi mắc bệnh dại; trên 60 xã của 9 tỉnh có dịch viêm da nổi cục; 7 tỉnh đã xảy ra cúm gia cầm A/H5N1, buộc tiêu hủy trên 12.000 con gia cầm, đặc biệt đã có 1 người chết vì nhiễm virus CGC A/H5N1 và 1 người nhiễm virus CGC A/H9N2. Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), sức khỏe người dân và môi trường.


Để công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm kịp thời, hiệu quả, hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và cuộc sống của người chăn nuôi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực hợp pháp để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh; chủ động triển khai các biện pháp, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; tổ chức triển khai việc tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng vật nuôi hiện có được tiêm phòng, trong thời gian sớm nhất có thể.

Thủ tướng yêu cầu thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh trên diện rộng, gây thiệt hại lớn trên địa bàn quản lý.

Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh động vật tại các địa phương; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; phối hợp với các địa phương và các bộ, ngành có liên quan kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam.

Bộ Y tế chỉ đạo về chuyên môn, kỹ thuật, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh truyền lây giữa động vật và người.

Bộ Công thương tăng cường công tác quản lý thị trường, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị, công an các địa phương phối hợp với lực lượng chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT và chính quyền các địa phương trong việc ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng bộ đội biên phòng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên tuyến biên giới; chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân khu vực biên giới trong công tác phòng, chống dịch, sự nguy hiểm của dịch bệnh động vật và tác hại khi buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trực tiếp theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện công điện này.

(Theo SGGP)

Các tin khác
Mô hình nuôi dúi của HTX Thực phẩm sạch và Du lịch Bảo Ngọc đang phát triển tốt, phù hợp với khí hậu địa phương.

Thành công trong phát triển nông nghiệp của tỉnh Yên Bái những năm qua là đã nâng cao được giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích. Kết quả này có được là nhờ áp dụng đồng bộ các phương pháp thâm canh, tăng vụ, ứng dụng KHKT vào quy trình sản xuất và đưa nhiều loại giống cây, con mới, đặc sản, có chất lượng cao vào nuôi, trồng.

Những hộp vải tươi Việt Nam đầu tiên được bày bán tại siêu thị Gourmet Market ở Bangkok ngày 15/6 trong mùa vải năm nay.

Bộ sticker hình trái vải với nhiều biểu cảm ngộ nghĩnh khác nhau được thể hiện bằng tiếng Thái giúp giới thiệu hương vị độc đáo của vải thiều Việt Nam với người tiêu dùng Thái Lan.

Khách du lịch tới Đức dự kiến sẽ tăng vọt dịp EURO 2024.

Viện nghiên cứu kinh tế IFO tại Munich (Đức) cho biết, EURO 2024 có thể đóng góp khoảng 0,1% GDP cho nền kinh tế lớn nhất EU.

Sản xuất hoa kiểng là nghề truyền thống của nông dân huyện Chợ Lách

Huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) có đến hơn 52.800 nông dân sản xuất giỏi các cấp. Kinh tế- xã hội của huyện Chợ Lách phát triển rất nổi bật trong tỉnh Bến Tre. Đặc biệt mô hình sản xuất của nông dân rất đa dạng, phong phú và đạt hiệu quả cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục