Ông Lý Tòn Cầu - Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên cho biết: "Nà Hẩu nằm ở độ cao trung bình từ 600 - 700 m so với mực nước biển, khí hậu ẩm ướt, nhiệt độ trung bình năm từ 22 - 23 độ C. Đặc biệt, địa phương chúng tôi còn có hàng nghìn héc - ta rừng nguyên sinh với nhiều khe suối, thác nước. Tận dụng tiềm năng, lợi thế đó, những năm qua, xã tập trung chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế, nhất là về du lịch, nông nghiệp và dược liệu; trong đó, nuôi cá tầm thương phẩm đang là hướng đi mới của đồng bào Mông nơi đây”.
Là huyện vùng cao, Mù Cang Chải có những điều kiện thuận lợi để phát triển các loại cây trồng ưa lạnh và vật nuôi đặc sản. Tận dụng những lợi thế này, những năm gần đây, huyện tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phát triển nông nghiệp đến người dân. Cuối năm 2022, anh Giang A Thênh ở bản Tà Chơ, xã Cao Phạ đầu tư gần 100 triệu đồng để mua 4 con hươu giống và sau hơn 1 năm nuôi hươu đực đã cho cắt nhung, hươu nái bắt đầu sinh sản.
Anh Thênh chia sẻ: "Hiện, mỗi lạng nhung hươu có giá trị từ 1,6 - 1,8 triệu đồng; 1 con hươu có khả năng tận thu kéo dài tới 18 năm. Ngoài lấy nhung, hươu còn có thể bán con giống với giá trị cao gấp nhiều lần so với vật nuôi truyền thống”.
Một trong những điểm sáng trong phát triển nông nghiệp ở huyện vùng cao Mù Cang Chải là sự chuyển đổi mạnh mẽ về cơ cấu cây trồng. Những giống lúa, ngô, rau màu, cây ăn quả được đưa vào canh tác thay thế cho những cây trồng kém năng suất. Nhờ đó, người dân có nhiều hướng đi trong phát triển kinh tế.
Gia đình chị Lù Thị Hú ở bản Nả Háng Tủa Chử, xã Púng Luông hiện có trên 4 ha lê Đài Loan. Năm 2023, sản lượng quả đạt khoảng 4 tấn, đem về nguồn thu trên 80 triệu đồng, cao gấp 3 - 4 lần so với trồng ngô. "Được cán bộ tư vấn cho trồng cây lê Đài Loan thay cho cây ngô, nhà mình trồng thấy cũng hiệu quả. Nhờ có cây lê, nhà mình cũng đỡ khổ hơn rồi! Mình còn một ít đất đồi nên mình sẽ trồng tiếp” - chị Hú chia sẻ.
Nhận thấy những ưu điểm nổi bật từ con dúi như dễ thích nghi với môi trường, lớn nhanh, ít công chăm sóc nhưng lại có giá trị kinh tế cao, nhu cầu thị trường lớn, đầu năm 2024, Hợp tác xã (HTX) Thực phẩm sạch và Du lịch Bảo Ngọc, xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình đã mạnh dạn đầu tư trại dúi giống, với giống dúi má đào Thái Lan để bán con giống và thương phẩm. Bước đầu mô hình nuôi dúi phát triển tốt, mang lại hiệu quả cao và mở ra hướng đi mới nhiều triển vọng cho người dân địa phương.
Ông Đặng Tiến Minh - Chủ tịch HTX Thực phẩm sạch và Du lịch Bảo Ngọc cho biết: "Quá trình nuôi, chúng tôi nhận thấy dúi không khó nuôi, ít chi phí phát sinh, thức ăn dễ kiếm, giá rẻ. Chúng tôi xác định, không chỉ nuôi dúi thương phẩm, HTX còn nuôi dúi sinh sản để nhân đàn và bán giống. Nếu giá cả ổn định, sau trừ chi phí, HTX cũng sẽ thu về 400 - 500 triệu đồng/năm khi nuôi kín chuồng”.
Thuận lợi trong việc phát triển cây, con giống mới, thời gian qua là có sự đồng hành, có định hướng và sự quan tâm của các cấp chính quyền và ngành nông nghiệp trong việc tạo hành lang về cơ chế, chính sách cũng như hỗ trợ nguồn vốn xây dựng chuồng trại, đầu tư cây, con giống, chuyển giao KHKT, kết nối thị trường…
Nhờ vậy, ngoài những loại cây, con chủ lực thì nhiều địa phương đã bước đầu hình thành, nhân rộng các loại cây, con giống mới cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Những loại cây trồng phục vụ xuất khẩu, các loại cây dược liệu hay con giống lai tạo, giống đặc sản có giá trị kinh tế cao như lợn rừng, hươu lấy nhung, dúi, ba ba, cá tầm… đã bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.
Những mô hình điển hình như thị xã Nghĩa Lộ có các mô hình trồng cây mắc ca, giống ớt xanh Nhật Bản, trồng mướp đắng lấy hạt; huyện Văn Yên với các loại cây dược liệu, nuôi cá tầm ở xã Nà Hẩu hay huyện Mù Cang Chải với cây lê, hoa hồng, nuôi hươu lấy nhung…
Những mô hình trên, tạo động lực để ngành nông nghiệp, chính quyền và người dân tiếp tục nhân rộng và đưa các loại cây, con giống mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Hồng Duyên