Gia đình ông Lò Văn Nên ở thôn Lừu 2, xã Hát Lừu nhiều năm nằm trong danh sách hộ nghèo. Hơn 5 năm trước, được Hội Nông dân huyện Trạm Tấu và xã kết nối, tư vấn, ông Nên mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Trạm Tấu để phát triển chăn nuôi.
Ông Nên chia sẻ: "Ngoài được vay vốn đầu tư chăn nuôi, tôi còn được tạo điều kiện đi tham quan học hỏi kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Năm 2018, gia đình vay 25 triệu đồng vốn tín dụng chính sách (TDCS) giải quyết việc làm để đầu tư chăn nuôi giống lợn đen bản địa. Từ 18 con lợn giống nuôi nhân đàn, đến nay, hằng năm gia đình bán 2 lứa lợn từ 60 đến 70 con, trừ chi phí còn mang về nguồn thu trên 100 triệu đồng và hiện vẫn giữ được 30 con lợn giống…”.
Cũng với ý thức sử dụng hiệu quả vốn vay, đầu tư chăn nuôi hiệu quả, gia đình ông Hờ A Đu trước đây là một trong số hộ nghèo ở thôn Tà Chử, xã Bản Công. Sau 2 lần vay vốn TDCS với tổng số tiền 100 triệu đồng, ông Đu đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản. Năm 2018, gia đình ông Đu đã thoát nghèo và hiện trở thành hộ khá giàu trong thôn. Không chỉ gia đình ông Nên, ông Đu mà nhiều hộ trên địa bàn huyện Trạm Tấu từ nguồn vốn TDCS của NHCSXH đã phát triển kinh tế, thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Một trong những giải pháp quan trọng đưa hoạt động TDCS ở Trạm Tấu đi vào chiều sâu, chính là việc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện chủ động tham mưu giúp các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động TDCS.
Các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, xã làm tốt việc tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích từ các chương trình cho vay TDCS; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Phòng Giao dịch NHCSXH huyện trong hoạt động ủy thác, hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn, tăng cường kiểm tra, giám sát, thu hồi nợ đến hạn, lãi tồn đọng; xây dựng kế hoạch, rà soát, kiện toàn tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn…
Đến nay, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trạm Tấu đang thực hiện giao dịch theo lịch tại 12 điểm ở trụ sở UBND các xã, thị trấn; phối hợp tốt với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội quản lý hoạt động tại các thôn, tổ dân phố, góp phần công khai các chính sách tín dụng của Nhà nước, danh sách hộ vay vốn và quy trình thủ tục.
Toàn huyện hiện có 4 tổ chức hội ủy thác, 45 tổ chức chính trị - xã hội phối hợp tham gia quản lý trên 4.800 hộ vay vốn, với tổng số tiền trên 298 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 99,37% trên tổng dư nợ; trong đó, cho vay ưu đãi hộ nghèo trên 172 tỷ đồng, hộ cận nghèo trên 21,6 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 24,5 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm gần 14 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 936 triệu đồng… Giai đoạn 2019 - 2024, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của NHCSXH huyện bình quân hằng năm đạt trên 14,7%.
Ông Hoàng Đình Huân - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trạm Tấu cho biết: "Nguồn vốn TDCS từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã góp phần quan trọng giúp hộ nghèo có nguồn lực để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường việc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn để tạo lập nguồn vốn vay quay vòng; điều tra, nắm bắt nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng và giải ngân kịp thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc vay vốn...”.
Nguồn vốn TDCS thực sự là một trong những chương trình tín dụng ưu đãi đã góp phần quan trọng tiếp sức cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống, mang lại cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững.
Vũ Đồng