Yên Bình quan tâm phát triển nông nghiệp, nông thôn đa giá trị

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/8/2024 | 8:46:50 AM

YênBái - Là huyện được đánh giá có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nông nghiệp, nông thôn đa giá trị, thời gian qua, huyện Yên Bình đã tập trung lãnh đạo phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Yên Bình hiện có trên 300 hộ dân nuôi trồng thủy sản với hơn 2.200 lồng nuôi cá và 230 ha diện tích mặt nước quây lưới nuôi cá.
Yên Bình hiện có trên 300 hộ dân nuôi trồng thủy sản với hơn 2.200 lồng nuôi cá và 230 ha diện tích mặt nước quây lưới nuôi cá.

Phát huy thế mạnh có diện tích đất, khí hậu phù hợp để phát triển cây lâm nghiệp và kinh tế rừng, thời gian qua, xã Tân Hương đã tích cực quan tâm chỉ đạo nhân dân mạnh dạn chuyển đổi những cây trồng không phù hợp hoặc có giá trị kinh tế thấp sang trồng cây quế. 

Ông Tạ Minh Nhất - Chủ tịch UBND xã Tân Hương thông tin: Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 1.260 ha quế. Trong đó, quế từ 1- 5 năm tuổi là 500 ha, từ 5 năm đến 10 năm có khoảng 560 ha, trên 10 năm có khoảng 200 ha. Dự kiến đến năm 2025, xã có khoảng 1.300 quế các loại. 

"Xác định có thể một lúc nào đó cây quế sẽ rất khó khăn trong việc tìm đầu ra và giữ được giá trị như hiện nay nên năm 2023, địa phương đã mời gọi được Công ty Cổ phần sản xuất và xuất khẩu Quế hồi Việt Nam hợp tác thực hiện dự án trồng, canh tác quế hữu cơ và bao tiêu sản phẩm cho người dân, từ đó tạo điều kiện để người dân yên tâm gắn bó với cây quế"- ông Nhất chia sẻ. 

Hiện, huyện Yên Bình có vùng thâm canh lúa 4.200 ha, trong đó có gần 200 ha trồng lúa đặc sản; vùng  quế  3.000 ha; vùng trồng tre măng Bát độ trên 300 ha; vùng trồng chè trên 500 ha, vùng trồng rừng trên 36.000 ha, vùng nuôi trồng thủy sản trên 15.000 ha mặt hồ và 500 ha diện tích đất bán ngập hồ Thác Bà… Cùng với đó là vùng trồng cây ăn quả trên 2.170 ha, trong đó có 38,4 ha cây ăn quả được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 27,91 ha được cấp mã số vùng trồng. Năm 2024, huyện Yên Bình có 19,7 ha bưởi đặc sản Đại Minh được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. 

Đặc biệt, huyện Yên Bình đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2023 và phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà. Đây là động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế địa phương, là định hướng mục tiêu, giải pháp để nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, nông thôn đa giá trị, gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với du lịch, làng nghề truyền thống.
 
Trong những năm qua, Yên Bình đã có chuyển biến mạnh mẽ cơ cấu gỗ rừng trồng, chú trọng trồng mới, quy hoạch phát triển rừng gỗ lớn, quản lý rừng bền vững cấp chứng chỉ FSC, khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng. Đến hết năm 2023, toàn huyện có gần 11.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. 

Ngoài ra, là địa phương sở hữu vùng hồ Thác Bà với trên 19.000 ha mặt nước và trên 800 ha ao đầm - đây là là lợi thế lớn để Yên Bình phát triển nghề nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ sinh thái vùng hồ. Đến nay, toàn huyện có 2 doanh nghiệp, 5 HTX, trên 300 hộ dân nuôi trồng thủy sản với hơn 2.200 lồng nuôi cá và 230 ha diện tích mặt nước nuôi quây lưới. Sản lượng thủy sản hàng năm của huyện đạt trên 8.000 tấn, chiếm gần 1/4 tỷ trọng cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương. 

Các vùng sản xuất bước đầu được hình thành, góp phần thực hiện sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm bền vững, hiệu quả, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân và làm giàu cho doanh nghiệp.

Ông Trần Tường - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Cựu chiến binh Hán Đà cho biết: "Đến nay, HTX đã có 70 ha sản xuất sản phẩm chè xanh Hán Đà theo tiêu chuẩn VietGAP. Để phát triển sản phẩm, chúng tôi đã tập trung chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, chủ động bón bằng các loại phân hữu cơ đảm bảo cho cây chè sinh trưởng và phát triển tốt, đặc biệt chú trọng khâu chế biến nguyên liệu để cho ra những sản phẩm tốt nhất”. 

Để khai thác các tiềm năng thế mạnh, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, năm 2024 huyện Yên Bình đã xây dựng 6 đề án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, trong đó có 4 đề án đã ban hành. Đó là, Đề án phát triển cây tre măng Bát độ, giai đoạn 2025-2030; Đề án phát triển quế hữu cơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Hỗ trợ phát triển trồng rừng gỗ lớn tiến tới tham gia thị trường tín chỉ Carbon trên địa bàn huyện Yên Bình, giai đoạn 2024- 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án trồng cây tràm lá dài dưới cos 58 hồ Thác Bà, kết hợp với nuôi ong mật gắn với du lịch.

Các đề án khi được triển khai sẽ là những định hướng, mục tiêu rất rõ trong phát triển nông lâm, nghiệp, thủy sản. Đây cũng là cơ sở để xác định vùng nguyên liệu phù hợp với ý tưởng đầu tư của doanh nghiệp, giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp chủ động phối hợp, liên kết triển khai bảo đảm chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện. 

"Chúng tôi kỳ vọng, từ việc thực hiện hiệu quả các đề án, đến năm 2030, huyện sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng 1.200 ha tre măng Bát độ, 5.000 ha quế hữu cơ, 12.000 ha rừng gỗ lớn được cấp mã chủ rừng theo tín chỉ carbon, bán tín chỉ carbon cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; gần 300 ha tràm lá dài gắn với nuôi 1.500 thùng mật ong; thu hút 12 dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ; 6 dự án nâng cao giá trị thương hiệu bưởi Đại Minh. Từ đó, sẽ mang lại sinh kế, thu nhập cho người dân, lợi ích kinh tế cho địa phương, doanh nghiệp cùng nhiều giá trị khác" - Đồng chí An Hoàng Linh - Bí thư Huyện ủy Yên Bình nhận định. 

Mới đây, Yên Bình đã tổ chức Hội nghị triển khai, kế hoạch thực hiện các đề án, kế hoạch và thu hút đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn. Đây cũng là lần đầu tiên huyện tổ chức hội nghị riêng cho ngành nông nghiệp có đủ "4 nhà" cùng tham dự là: Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông. Đây chính là một trong những hành động cụ thể của Yên Bình nhằm mục tiêu kết nối hợp tác triển khai thực hiện các dự án trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương góp phần xây dựng ngành nông nghiệp huyện Yên Bình ngày càng phát triển, tạo giá trị, sinh kế bền vững cho người dân và doanh nghiệp.

Thanh Chi

Tags Yên Bái Yên Bình nông nghiệp thủy sản chè xanh Hán Đà trồng tràm hàng hóa VietGap

Các tin khác
Lãnh đạo huyện Trấn Yên giới thiệu với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan những sản phẩm OCOP của địa phương trong chuyến thăm và làm việc tại Yên Bái ngày 22/6/2024 .

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Yên Bái đã công nhận thêm 12 sản phẩm OCOP 3 sao, đạt 40% kế hoạch.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái giải tỏa vật kiến trúc, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Thành phố đã phối hợp với chính quyền, các đoàn thể và cán bộ cơ sở ở xã, phường vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương thức tuyên truyền vận động giải phóng mặt bằng cá công trình, dự án theo phương châm "mưa dầm thấm lâu”, "đối tượng nào hình thức đó”.

Nhân viên HTX Thủy sản Hoàng Kim, xã Hán Đà, huyện Yên Bình đóng gói sản phẩm.

Trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM), tiêu chí số 13 - hình thức tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng, có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương, làm nền tảng hoàn thành các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo. Xác định rõ tầm quan trọng đó, các địa phương của Yên Bái đang tập trung chỉ đạo các xã nỗ lực triển khai thực hiện.

Nhiều bộ ngành đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng.

Nhiều bộ ngành đề nghị Bộ Tài chính bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng và điều hoà nhiệt độ. Tuy nhiên, Bộ Tài chính “lắc đầu” với các kiến nghị này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục