Từ nhiều năm nay, huyện Văn Yên đã tích cực triển khai các giải pháp: tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, mở rộng diện tích, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, mời gọi thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu… nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với thị trường.Các vùng chuyên canh hàng hóa dần hiện hữu rõ nét, mang giá trị kinh tế cao.
Đầu tiên phải kể đến vùng trồng rừng sản xuất với trên 70.000 ha, chủ yếu là quế được trồng ở cả 25 xã, thị trấn của huyện. Với 57.000 ha; trong đó, diện tích quế tập trung 30.000 ha, Văn Yên đã trở thành vùng chuyên canh quế lớn nhất nhì cả nước.
Không chỉ phát triển về diện tích, huyện Văn Yên còn định hướng người dân tập trung nâng cao chất lượng vùng quế bằng nhiều cách: quy hoạch rừng giống chất lượng cao làm nguồn giống cung ứng cho công tác trồng quế hằng năm; tuyên truyền, vận động, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất quế từ khâu ươm cây giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến sản phẩm theo hướng hữu cơ…
Anh Trần Văn Tráng ở xã Viễn Sơn là một trong những hộ trồng quế hữu cơ kết hợp với bảo vệ môi trường chia sẻ: "Gia đình tôi có 21 ha quế; trong đó, có trên 40% diện tích đã đủ tuổi khai thác và đều là quế trồng theo phương pháp này. Ngoài việc trồng và chăm sóc quế theo hướng hữu cơ, chúng tôi còn phải quan tâm đến việc thu gom, xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp ở khu vực sản xuất, xung quanh nhà ở và trồng đa dạng cây trên đất, bảo vệ đa dạng sinh học. Nhờ đó, giá quế cao hơn, môi trường được bảo đảm, đất không bị bạc màu”.
Đến nay, sản xuất quế hữu cơ đã từng bước trở thành thói quen canh tác và cũng là giải pháp canh tác bền vững nâng cao giá trị, thu nhập cho người trồng quế ở Văn Yên. Huyện cũng đã có trên 7.281 ha quế hữu cơ đạt chứng nhận tiêu chuẩn châu Âu, châu Mỹ. Các sản phẩm từ quế Văn Yên được xuất khẩu tới 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, đem lại nguồn thu nhập hàng năm lên tới 1.000 tỷ đồng cho người dân.
Tương tự, vùng chuyên canh sắn duy trì diện tích 4.000 ha, sản lượng 90.000 tấn/năm cũng được tích cực áp dụng các biện pháp canh tác bền vững như: xếp băng cành sắn, trồng cây lâm nghiệp đỉnh đồi, sử dụng bón phân hữu cơ vi sinh ủ từ vỏ sắn, trồng băng cây cốt khí, trồng xen lạc, đậu đỗ, đưa những giống chất lượng thay thế các giống sắn thoái hóa. Sản phẩm tinh bột sắn được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Vùng lúa chuyên canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao có diện tích trên 1.000 ha, tập trung phát triển vùng gạo đặc sản với giống Chiêm hương chủ lực trên cánh đồng Đại - Phú - An; có 15 ha lúa đã được cấp mã số vùng trồng.
Vùng cây ăn quả tập trung ở các xã: Lang Thíp, Lâm Giang, An Bình, Đông An… có diện tích trên 500 ha với nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như: nhãn chín sớm PHS2, nhãn chín muộn PHM99 - 1.1, bưởi da xanh, cam V2… 40 ha cây ăn quả cũng đã được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 9 ha được cấp mã số vùng trồng.
Tại các vùng sản xuất chuyên canh, huyện Văn Yên còn thu hút được nhiều nhà máy, cơ sở chế biến tại chỗ, góp phần tiêu thụ ổn định cho người dân vùng nguyên liệu như: Nhà máy Sắn Văn Yên với sản lượng sản xuất tinh bột sắn 10.000 tấn/năm, Công ty cổ phần An Bình với sản lượng giấy đế đạt 2.100 tấn, Công ty TNHH Hưng Phát với sản lượng vỏ quế các loại đạt 48 tấn/năm; Công ty TNHH Thương mại sản xuất - xuất nhập khẩu Đạt Thành với sản lượng tinh dầu quế 25 tấn/năm…
Việc tích cực đổi mới sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng cao trên địa bàn huyện Văn Yên đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người lên 62 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 6,93%, trung bình mỗi năm giảm 4%.
Hoài Anh