Trên đường đi kiểm tra công tác chăm sóc lúa xuân và thu hoạch khoai sọ của nhân dân tại xã Bản Mù, đồng chí Vũ Lê Chung Anh - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: "Trong những năm đầu thành lập huyện, nhân dân trong huyện mới chỉ gieo cấy 1 vụ lúa chiêm với 20 ha, trồng 1.263 ha lúa nương, 91 ha sắn; sản xuất nông nghiệp chủ yếu mang tính tự cung, tự cấp, người dân chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất thấp, vì thế mà đời sống còn nhiều khó khăn.
Song, với những chủ trương đúng đắn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện đã đẩy mạnh khai hoang ruộng nước; đẩy mạnh phát triển các công trình thủy lợi; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình chuyển giao hướng dẫn khoa học kỹ thuật để người dân học tập, làm theo. Đồng thời, huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của trung ương, của tỉnh; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi nhất là phát triển những cây trồng chủ lực đặc sản của huyện, nâng cao thu nhập cho người dân...”.
Qua 60 năm xây dựng và phát triển, từ một huyện chưa chủ động về lương thực, người dân sử dụng giống địa phương với năng suất thấp, chỉ gieo trồng một vụ, đến nay, diện tích gieo trồng và sản lượng lương thực có hạt của huyện đã có sự phát triển vượt bậc. Với phương châm "cầm tay chỉ việc”, "cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân”, các đồng chí lãnh đạo huyện qua các thời kỳ cùng với cán bộ các ngành, đoàn thể của huyện đã lăn lộn với cơ sở tổ chức khai hoang ruộng nước, gieo mạ, cấy lúa vụ xuân; trồng khoai sọ, làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm... phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân. Đến nay, toàn huyện có trên 580 công trình thủy lợi để phục vụ nhân dân cách tác trên 1.700 ha lúa nước.
Năm 2023, diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt của huyện là 6.507 ha; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 23.629 tấn, lương thực bình quân đầu người đạt 620kg/người/năm. Nhiều sản phẩm nông sản được người tiêu dùng đánh giá cao như:
khoai sọ nương, chè Shan tuyết, măng ớt, gạo nếp Lẩu cáy, gạo huyết rồng, gạo nếp cẩm Trạm Tấu...
Huyện đã có 7 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ nhãn hiệu gồm: Chỉ dẫn địa lý chè Shan tuyết Phình Hồ, Nhãn hiệu chứng nhận Khoai sọ nương Trạm Tấu, Nhãn hiệu tập thể Măng ớt Trạm Tấu, lợn đen bản địa; có 8 sản phẩm nông sản của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được công nhận sản phẩm
OCOP 3 sao...
Cùng đó, huyện chỉ đạo phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Nếu như những năm đầu mới thành lập, số lượng gia súc chính chỉ có khoảng 10.000 con thì đến năm 2023, tổng đàn gia súc của huyện đạt 50.770 con, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 710 tấn; nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững từ chăn nuôi như hộ gia đình anh Thào A Chống ở thôn Sán Trá, xã Bản Công; hộ anh Vàng Nỏ Chua ở thôn Tấu Dưới, xã Trạm Tấu; hộ anh Sùng A Dơ ở thôn Tà Đằng, xã Xà Hồ...
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã đạt được những kết quả khá toàn diện. Tổng diện tích rừng khoanh nuôi bảo vệ năm 1965 của huyện là trên 30.458 ha thì đến hết năm 2023, tổng diện tích rừng toàn huyện đạt trên 45.853 ha; trong đó rừng phòng hộ trên 36.379 ha, rừng sản xuất trên 12.598 ha. Trong những năm qua trên địa bàn huyện cơ bản không để xảy ra các vụ cháy rừng lớn; nhiều cây trồng lưỡng dụng bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế như cây sơn tra; tiềm năng tán rừng để phát triển du lịch từng bước được quan tâm như đồi thông Eo Gió, rừng rêu đỉnh Tà Xùa thu hút được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan...
Những thành tựu đạt được trên lĩnh vực phát triển kinh tế trong chặng đường 60 năm qua đã làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn Trạm Tấu. Đời sống của nhân dân được cải thiện cả về vật chất và tinh thần. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân hàng năm 6,5%, số hộ khá giả ngày càng tăng.
Minh Hằng