Sau khi được tham gia khóa "Tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho doanh nghiệp, HTX” trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2024 diễn ra tại Hà Nội hồi tháng 5/2024, chị Đồng Thị Hiền - Giám đốc HTX sản xuất, chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh, huyện Yên Bình đã áp dụng những kiến thức được học để đưa sản phẩm của HTX lên các sàn TMĐT và tổ chức các phiên livestream bán hàng trên nền tảng TikTok.
Được đào tạo bài bản nên khả năng, kỹ năng livestream của chị Hiền ngày càng được hoàn thiện hơn. Số người quan tâm theo dõi cũng như tìm hiểu, mua các mặt hàng nông sản của HTX tăng đáng kể, giúp HTX nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường chế biến, tiêu thụ nông sản, đặc sản vùng Tây Bắc.
Chị Hiền chia sẻ: "Tôi thấy việc đưa các sản phẩm lên quảng bá, giới thiệu, bán trên các sàn TMĐT đã giúp cho nhiều khách hàng biết đến các sản phẩm của tỉnh, giao dịch thuận tiện, doanh thu và lợi nhuận tăng hơn. Đặc biệt, khi tham gia livestream bán hàng, tôi có nhiều hơn cơ hội để kể các câu chuyện về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ và đặc biệt là thể hiện niềm tự hào về sản phẩm của địa phương.
Cùng với đó, tôi cũng xây dựng các video ngắn nói về các sản phẩm OCOP như: các sản phẩm cá hồ Thác Bà, thịt trâu sấy gác bếp, thịt lợn sấy, lạp sườn, gạo nương… đăng trên các TMĐT Shopee, Tiki, TikTok Shop và Zalo, Facebook. Qua đó đã góp phần mở rộng đối tượng khách hàng, quảng bá, lan tỏa sản phẩm rộng rãi hơn và tăng số lượng đơn hàng trung bình từ 300 - 400 đơn/tháng”.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực chế biến, tiêu thụ nông sản của tỉnh Yên Bái với sự hỗ trợ, kết nối của Sở Công thương đã tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn như Hội chợ Thương mại ASEAN - Trung Quốc lần thứ 21, Hội chợ triển lãm tại thành phố Hồ Chí Minh, Điện Biên, Quảng Ninh, Lào Cai, Hội chợ hàng Việt Nam định hướng xuất khẩu tại Hà Nội… Đồng thời được tiếp cận và tham gia vào các sàn TMĐT để quảng bá, cung cấp thông tin sản phẩm của doanh nghiệp đến khách hàng.
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm từ táo mèo, trà dược liệu túi lọc… ở đường Âu Cơ, thành phố Yên Bái, chị Trương Thị Úy Nga - Giám đốc Công ty TNHH TN Yên Bái cho biết: "Thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh đã tạo điều kiện và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp chúng tôi đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua các nền tảng số. Từ đó, chúng tôi không chỉ có cơ hội tiếp cận, quảng bá các sản phẩm đặc sản, tiêu biểu, mở rộng thị trường tiêu thụ tới đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước mà còn tăng thêm cơ hội để học hỏi nâng cao, hoàn thiện hơn nữa các sản phẩm của doanh nghiệp, góp phần định vị thương hiệu, tăng tính cạnh tranh trên thị trường”.
Đánh giá về TMĐT tác động đến thói quen mua sắm, anh Mạnh Hùng - người tiêu dùng ở phường Minh Tân, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Trước đây, thường vào ngày cuối tuần, gia đình sẽ đi mua sắm hoặc phải đợi đến các dịp hội chợ OCOP mới có thể mua một số sản phẩm mà gia đình ưa thích, tin tưởng. Nhưng hiện nay, khi lướt các trang Shopee, TikTok, Lazada và xem được những clip quảng cáo sản phẩm đặc sản, tôi có thể mua hàng mọi lúc, mọi nơi, nhiều khi còn được miễn phí vận chuyển hoặc giảm giá, khá tiện lợi”.
Đồng hành cùng doanh nghiệp xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ hàng hóa, chính quyền và các đơn vị chức năng của tỉnh đã vận hành hệ thống phần mềm phục vụ công tác quản lý, thông tin về sản phẩm OCOP, đồng thời ban hành nhiều cơ chế nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác đưa các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm OCOP lên các sàn TMĐT; hỗ trợ người dân lập các kênh bán hàng online trên các trang mạng chính thống; tổ chức tập huấn kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên sàn TMĐT cho các hộ sản xuất nông nghiệp, các doanh nghiệp, HTX.
Đến nay, 100% sản phẩm OCOP đã lên sàn TMĐT tỉnh và một số sàn TMĐT trong nước; 600 sản phẩm lên sàn TMĐT của tỉnh. Qua đó giúp các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP có nhiều cơ hội để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, dễ dàng tìm kiếm đối tác, mang lại nhiều cơ hội để nông sản chất lượng cao đến tay người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Với sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh cùng sự đổi mới tư duy, cách thức kinh doanh trên môi trường số của các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh sẽ giúp các sản phẩm nông sản của Yên Bái được khách hàng biết đến và tiêu thụ nhiều hơn trên các sàn TMĐT. Điều đó không chỉ đưa nông sản Yên Bái vươn xa, đem lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp mà còn góp phần quan trọng để chỉ tiêu về phát triển kinh tế số trong chương trình chuyển đổi số của tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 sớm hoàn thành
mục tiêu kinh tế số chiếm 20,05% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) vào năm 2025.
Thanh Chi