Trong những năm qua, hoạt động xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm trên địa bàn huyện Văn Chấn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Toàn huyện hiện có 4 chỉ dẫn địa lý, bao gồm: chè Shan tuyết "Suối Giàng Văn Chấn” cấp cho 5 đơn vị là Hợp tác xã (HTX) Suối Giàng, Công ty TNHH Sổng Gia Trà, HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng, HTX nông trại chè hữu cơ Liênshan Suối Giàng, Công ty cổ phần Qfam Chi nhánh Suối Giàng; "Nếp Tú Lệ" cấp cho HTX dịch vụ nông nghiệp Tú Lệ; "Ba ba gai" cấp cho HTX Ba ba gai xã Cát Thịnh; "Cam Văn Chấn" cấp cho HTX trồng cây ăn quả và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận và hộ kinh doanh cam Nguyễn Đức Thái, xã Nghĩa Tâm. Huyện có 1 nhãn hiệu tập thể "Mật ong Văn Chấn” cấp cho 7 hộ của thị trấn Sơn Thịnh.
Việc xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế, giá trị thương hiệu của các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của địa phương; thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà máy, dây chuyền công nghệ tiên tiến để thực hiện chế biến sâu, các sản phẩm chế biến ngày càng đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu...
Ông Giàng A Súa - Giám đốc Công ty TNHH Sổng Gia Trà cho biết: Kể từ khi chè Shan tuyết "Suối Giàng Văn Chấn” được chỉ dẫn địa lý đã góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho đơn vị. Sản phẩm không chỉ tiêu thụ nhiều ở những thị trường lớn trong nước như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mà còn hướng ra thị trường nước ngoài. Công ty cũng đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại hơn để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng chục tạ chè thành phẩm mỗi ngày. Hiện, Công ty vẫn duy trì 3 dòng sản phẩm chính là: Hồng trà, Bạch trà và Diệp trà đều đã đăng ký nhãn hiệu, chứng nhận sản phẩm hữu cơ và được công nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để tiếp tục làm tốt công tác quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chè Shan tuyết "Suối Giàng Văn Chấn”, ông Súa cho biết: "Đơn vị sẽ tiếp tục duy trì và phát triển vùng nguyên liệu chè chất lượng cao, cam kết việc trồng, chăm sóc đảm bảo các quy định về sản xuất hữu cơ, VietGAP. Với hệ thống máy móc hiện đại, chúng tôi sẽ tiếp tục đào tạo kỹ năng cho công nhân và áp dụng các quy trình chế biến nghiêm ngặt để tạo ra các sản phẩm đồng đều gắn liền với kiểm tra chất lượng thường xuyên, nghiêm ngặt với hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng”.
Ông Nguyễn Đức Thái, hộ kinh doanh cá thể duy nhất được cấp chỉ dẫn địa lý "Cam Văn Chấn”, có địa chỉ tại xã Nghĩa Tâm cho biết: Huyện Văn Chấn có gần 2.000 ha cây ăn quả, tập trung chủ yếu ở các xã vùng ngoài; sản lượng cây ăn quả có múi đạt trên 12.000 tấn. Để nâng tầm giá trị cam Văn Chấn, huyện đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân mở rộng quy mô sản xuất; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để hình thành những vùng cam hàng hóa như cam Đường canh, cam sành, cam chanh, tiến tới xây dựng nhãn hiệu hàng hóa "Cam Văn Chấn”, xây dựng vùng cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Nhờ thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đề án quy hoạch, phát triển vùng cam, quýt và việc quy hoạch phát triển vùng kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên, có sự đầu tư khá toàn diện, Văn Chấn đã chuyển dịch thành công cơ cấu giống cây trồng, tạo vùng sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân, phấn đấu có 3.300 ha cây ăn quả vào cuối năm 2025.
Với sự vào cuộc của các cấp, chính quyền trong xây dựng vùng cam Văn Chấn, hộ kinh doanh như ông Thái rất quan tâm đến phát huy vai trò của người dân trong việc bảo vệ chỉ dẫn địa lý này.
Ông Thái cho biết: "Chúng tôi mong muốn, người trồng cam sẽ tiếp tục được tuyên truyền về giá trị của chỉ dẫn địa lý "Cam Văn Chấn” để mọi người nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc, thu hoạch các sản phẩm. Việc tập huấn, đào tạo cũng sẽ giúp người dân tiếp cận giống cam mới có năng suất, chất lượng cao và nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường. Chúng tôi sẽ xây dựng các điểm du lịch liên quan đến cam như vườn cam mẫu, nhà máy chế biến cam... gắn với các tour du lịch. Người trồng cũng sẽ thành thạo hơn trong áp dụng công nghệ trong sử dụng phần mềm quản lý sản xuất, bán hàng, xây dựng website, fanpage để tiếp cận khách hàng và xây dựng cơ sở dữ liệu về sản xuất, kinh doanh phục vụ cho công tác quản lý”.
Người trồng cam Văn Chấn ngóng đợi một vụ mùa thắng lợi.
Để công tác quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận đã được cấp đạt hiệu quả trong năm 2024 và các năm tiếp theo, đồng chí Đinh Văn Trường - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: Huyện sẽ đề nghị đơn vị được giao sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận cần chủ động tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, đảm bảo tuân thủ các tiêu chí chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, tăng cường kiểm soát đầu vào của sản phẩm.
Cùng đó, huyện yêu cầu đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất và chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu thương hiệu; tiếp tục phát triển thương hiệu cho sản phẩm được cấp quyền sử dụng, tập trung vào việc quảng bá các giá trị đặc trưng và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, thay đổi cách truyền thông qua nhiều kênh, phát huy hiệu quả quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội (Youtube, TikTok, fanpage trên Facebook...).
Bên cạnh đó, các phòng, ban chuyên môn của huyện tăng cường phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân và các cơ sở, doanh nghiệp, HTX sản xuất về lợi ích và quy định liên quan đến chỉ dẫn địa lý, cách thức nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền lợi của người sản xuất và phát triển bền vững sản phẩm, mở rộng đối tượng thụ hưởng sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận. Đẩy mạnh công tác quản lý đầu vào cải tiến dây chuyền sản xuất, chế biến nâng cao chất lượng của sản phẩm, nghiên cứu thị trường để điều chỉnh các chiến lược phát triển sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, đa dạng hình thức xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm giới thiệu một cách rộng rãi tại các hội chợ, sự kiện để tăng cường nhận diện thương hiệu.
Hàng năm, UBND huyện sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành đối với các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu đã được cấp để đảm bảo các sản phẩm đều đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và quy định về nguồn gốc; kịp thời phát hiện và đề xuất xử lý các hành vi vi phạm các quy định liên quan đến việc sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu được cấp…
Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn, sự đồng thuận của doanh nghiệp, HTX và người dân trong công tác quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ thương hiệu các sản phẩm chủ lực và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Văn Dương