Qua tìm hiểu, thấy cây cà chua trồng ở Đà Lạt cho hiệu quả kinh tế cao và khí hậu mát mẻ ở Mù Cang Chải cũng tương đồng với Đà Lạt, năm 2023, anh Giàng A Mùi, xã Nậm Khắt đã mạnh dạn thuê lại gần 2 ha đất ruộng canh tác kém hiệu quả của bà con để đầu tư nhà màng, trồng giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel.
Anh Mùi cho hay: "Cà chua thường bắt đầu trồng từ khoảng 3 - 4 Âm lịch, thu hoạch vào tháng 6 - 7, thời gian thu hoạch có thể kéo dài từ đến 3 - 3,5 tháng mới hết vụ. Quy trình sản xuất cà chua được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP nên năng suất và chất lượng quả tốt, đạt đến từ 50 - 70 tấn/ha. Quả cà chua Beef khi nấu nhanh mềm, tỉ lệ bột nhiều, thơm nên được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao. Khi thu hoạch, chúng tôi đóng thùng nhựa, sau đó chuyển về bán buôn cho các chợ đầu mối ở Vĩnh Phúc, Hà Nội với giá dao động theo mùa từ 10.000 - 40.000 đồng/kg”.
Ông Lý A Sử - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt thông tin: "Trên địa bàn xã hiện nay có hơn 100 ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là đất gieo cấy một vụ và diện tích cây trồng kém hiệu quả. Nay các diện tích này được người dân cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và cá nhân thuê để chuyển đổi sang trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, trên những cánh đồng ở trung tâm xã đã phủ kín các loại cây trồng như hoa hồng, cà chua, ớt và rau màu. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp thu nhập của người dân trên địa bàn đạt hơn 46 triệu đồng/người/năm,tăng gấp gần 3 lần so với đầu nhiệm kỳ; tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện chỉ còn hơn 12%”.
Cùng với trồng cà chua ở xã Nậm Khắt, đỉnh Háng Gàng, xã Lao Chải mùa này xanh ngắt những giàn su su đang vào vụ thu hoạch của HTX nông nghiệp sạch T&D. HTX được thành lập từ năm 2019 với 7 thành viên, ngành nghề chính là sản xuất rau, củ quả, trong đó cây trồng chính là su su trên diện tích 12 ha. Toàn bộ quy trình trồng, chăm sóc, thu hái được thực hiện theo hướng hữu cơ.
Su su là một trong những cây trồng hợp thời tiết, khí hậu, chất đất vùng cao Mù Cang Chải nên cho năng suất rất cao
Mùa thu hoạch su su thường bắt đầu từ tháng 5 kéo dài đến tháng 11, 12 (Dương lịch). Trung bình mỗi ngày, HTX cung ứng ra thị trường từ 7 - 10 tấn quả. Ngoài các thị trường lớn, sản phẩm su su và rau sạch của HTX còn được cấp cho các bếp ăn tập thể, trường học trong và ngoài huyện. Với chất lượng thơm, ngọt, mẫu mã đẹp, năm 2023, sản phẩm quả su su của HTX đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Ông Phạm Quang Thọ - Giám đốc HTX nông nghiệp sạch T&D cho biết: "Hiện nay, một số khách hàng từ các nước Ấn Độ, Đài Loan cũng đã đến tìm hiểu và mong muốn nhập khẩu sản phẩm su su của HTX. Chính vì vậy, chúng tôi đang tiếp tục phát triển mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng, sản lượng, phấn đấu cung ứng ra thị trường từ 15 - 20 tấn quả/ngày”.
Phát huy lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải ngày càng hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa như: vùng trồng rau sạch và các sản phẩm khác như nấm hương, nấm sò, ớt chuông… trên 50 ha, vùng trồng hoa hồng trên 100 ha, vùng sản xuất lúa chất lượng cao hơn 700 ha với các giống lúa nếp Tan và Séng cù. Đến nay, toàn huyện có 10 sản phẩm nông nghiệp đạt OCOP 3 sao, dự kiến đến hết năm 2024 sẽ có thêm 5 sản phẩm nông nghiệp đạt OCOP. Đây đều là những nông sản chủ lực đặc trưng của địa phương được trồng, thu hái, chế biến sạch và có thị trường tiêu thụ ổn định.
Cùng với đó, Mù Cang Chải đã thực hiện tốt Đề án phát triển cây ăn quả giai đoạn 2021 - 2025 và Đề án phát triển vùng dược liệu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Huyện tích cực tuyên truyền, vận động, có cơ chế hỗ trợ để nhân dân tạo ra các sản phẩm có giá trị, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được gần 450 ha cây ăn quả, trong đó trên 100 ha đã cho sản phẩm, sản lượng đạt gần 400 tấn/năm; trên 2.600 ha cây dược liệu với sản lượng trên 2.350 tấn/năm với một số loại chính như: sa nhân, ý dĩ, đẳng sâm, nấm ngọc cẩu, tam thất, ba kích, sâm các loại...
Ông Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải chia sẻ: Là địa phương vùng cao, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nên việc khuyến khích nông dân phát triển các mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được huyện đặc biệt quan tâm. Huyện đang tiếp tục quy hoạch các vùng sản xuất tập trung để thuận lợi cho việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cao vào sản xuất; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, tiếp cận các chính sách ưu đãi về đất đai, miễn giảm thuế, các chính sách ưu đãi về tín dụng…
Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, huyện cũng đẩy mạnh tuyên tuyền, vận động để doanh nghiệp, HTX và người dân nâng cao nhận thức về lợi ích của việc sản xuất sạch, an toàn nhằm tạo uy tín, nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng nông nghiệp thông minh và có thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của địa phương.
Thanh Chi