Sau đợt dịch bệnh vàng lá, thối rễ khiến hàng loạt diện tích cam bị chết, nhiều hộ gia đình ở Văn Chấn đã thay đổi tư duy sản xuất để khôi phục lại vùng cây ăn quả này. Gia đình ông Đặng Văn Hùng ở thôn Khe Sừng, xã Tân Thịnh là một điển hình. Thay vì trồng ồ ạt, ông tập trung vào chăm sóc bài bản, bảo vệ đất và rễ cây bằng cách làm cỏ thủ công, chỉ bón phân hữu cơ.
Xác định đi vào chất lượng, ông đã chọn giống cam Đường canh được ghép trên gốc bưởi ta khỏe mạnh để trồng. Diện tích đất được gia đình ông cải tạo bằng máy xúc và xử lý khử khuẩn, ủ phân hoại mục trước khi trồng. Quá trình trồng chăm sóc ông đã học hỏi, tham khảo thêm sách báo, thông tin trên mạng để phòng trừ sâu, bệnh kịp thời.
Để giúp tăng độ ngọt và dưỡng chất cho cam Đường canh, ông Hùng áp dụng các phương pháp tự nhiên như: ngâm cá tươi với men vi sinh và ủ đỗ tương để tưới cây. Các loại phân bón cũng được ngâm ủ kỹ từ 6 tháng trở lên và chỉ sử dụng thuốc hữu cơ phòng trừ sâu bệnh.
Ông Hùng chia sẻ: "Cam Đường canh là cây trồng có giá trị kinh tế cao nhưng cũng đòi hỏi quy trình chăm sóc tỉ mỉ hơn các loại cam, quýt và cây ăn quả khác. Để phát triển bền vững, cần tuân thủ quy trình kỹ thuật, hạn chế tối đa phân hóa học và thuốc diệt cỏ để bảo vệ môi trường, đất đai và cây trồng. Đặc biệt là phải biết nhìn lá, quan sát cây để biết sâu, bệnh, biết sức khỏe cây mà phòng trừ kịp thời, giúp lượng quả phù hợp để dưỡng cây”.
Cây ăn quả có múi vốn là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của nhân dân Văn Chấn, đặc biệt là ở các xã vùng ngoài. Lúc cao điểm, huyện Văn Chấn có trên 2.500 ha cam, quýt các loại. Tuy nhiên, dịch bệnh vàng lá, thối rễ đã khiến nhiều hộ gia đình lao đao, diện tích giảm xuống dưới 1.500 ha. Các xã như: Nghĩa Tâm, Minh An, Thượng Bằng La hay thị trấn Nông trường Trần Phú từng là thủ phủ của cam, nay nhiều diện tích đã xóa xổ.
Trong lúc nhiều hộ dân đã bắt đầu nản chí với cây cam thì một số hộ dân ở các xã lân cận đã nhận thức được giá trị của cam, quýt và triển khai các biện pháp tích cực để chăm sóc, bảo vệ, mở rộng các vườn cam. Các biện pháp canh tác hữu cơ được áp dụng triệt để cho các vườn cam khỏe mạnh. Các diện tích già cỗi, sâu bệnh được nhổ bỏ, xử lý triệt để.
Đặc biệt, việc trồng mới được cấp ủy, chính quyền khuyến cáo chỉ trồng trên đất chưa trồng hoặc đã thôi trồng cây ăn quả có múi từ 5 năm trở lên. Trước khi trồng, đất phải được xử lý mầm bệnh và ủ phân đúng kỹ thuật. Để khôi phục và nâng cao giá trị cây cam, huyện Văn Chấn đã ban hành kế hoạch "Xây dựng mô hình trồng mới, cải tạo diện tích cam theo tiêu chuẩn VietGAP” giai đoạn 2024 - 2025 với tổng diện tích 70,7 ha. Năm 2024, huyện thực hiện 30,7 ha, ưu tiên hỗ trợ các hộ có diện tích lớn, liền kề. Người dân tham gia được hỗ trợ 30.000 đồng mỗi cây giống và tư vấn kỹ thuật chăm sóc từ bước đầu.
Gia đình anh Vũ Văn Trí ở thôn Đát Tờ, xã Bình Thuận sở hữu 2,5 ha cam, mỗi năm thu nhập 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Nhận thấy tiềm năng kinh tế cao, anh đăng ký tham gia mô hình cải tạo cam VietGAP với diện tích 4 ha.
Anh Trí cho biết: "Gia đình tôi được hỗ trợ 3/4 chi phí cây giống, tổng số tiền hỗ trợ lên đến 60 triệu đồng. Cây giống bảo đảm nguồn gốc và chất lượng được bảo hành nên chúng tôi rất an tâm. Dù mới triển khai trồng nhưng tỷ lệ cây sống gần 100% và bắt đầu bén rễ cây phát triển rất khỏe. Chúng tôi hy vọng với sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cán bộ, sẽ có những diện tích cam cho hiệu quả bền vững”.
Với việc triển khai các chương trình hỗ trợ và hướng dẫn nâng cao chất lượng, diện tích, sản lượng cam, quýt của nhân dân Văn Chấn đã giúp hồi phục mạnh mẽ gần 2.000 ha. Dự ước tổng sản lượng cây ăn quả có múi cả năm 2024 đạt trên 15.000 tấn, tăng 1.500 tấn so với năm trước. Giá bán ổn định và tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/kg đối với cam chanh và cam sen, tăng từ 5.000 - 7.000 đồng với cam Đường canh.
Để nâng tầm giá trị cam Văn Chấn, huyện đã hỗ trợ người dân mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để hình thành những vùng cam hàng hóa như: cam Đường canh, cam sành, cam chanh, tiến tới xây dựng nhãn hiệu hàng hóa "Cam Văn Chấn”, xây dựng vùng cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. |
Không chỉ quan tâm đến sản lượng như trước đây, với kinh nghiệm tích lũy sau nhiều năm, những người trồng cây ăn quả có múi ở Văn Chấn đã biết cách nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và ngày càng chấp hành nghiêm ngặt các quy trình trong trồng và chăm sóc cây cam. Đây không chỉ là hướng đi lâu dài góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người trồng cam và người tiêu dùng, mà còn hướng tới mục tiêu sản xuất nông sản sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội hiện đại.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận - ông Hoàng Hữu Vượng cho biết: "Nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự khích lệ từ chính quyền địa phương, người dân đã yên tâm đầu tư vào cây cam, kỳ vọng vào một vùng cam phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, diện tích cam, quýt của xã Bình Thuận là trên 250 ha, chúng tôi đang xem xét đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nâng diện tích cam trong thời gian tới lên 350 ha”.
Dịch bệnh đã qua để lại cho người dân Văn Chấn bài học trong việc phát triển cây ăn quả một cách bền vững. Giữ vững quy trình sản xuất để luôn có những mùa vụ bội thu. Chỉ cần giữ vững quyết tâm, áp dụng khoa học, kỹ thuật và sự hỗ trợ từ chính quyền, vùng cam Văn Chấn sẽ tiếp tục phát triển, góp phần quan trọng vào nền kinh tế nông thôn và cải thiện đời sống của người dân.
Sau những "thử thách” của thiên tai, dịch bệnh, người trồng cam Văn Chấn hôm nay đang nắm trong tay cơ hội mới. Với sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền và sự quyết tâm của người dân, vùng cam Văn Chấn đang từng bước hồi sinh mạnh mẽ của một vùng chuyên canh cây ăn quả có múi chất lượng cao, phát triển bền vững, góp phần nâng tầm thương hiệu "Cam Văn Chấn” trên thị trường.
Trần Ngọc