Trấn Yên với chương trình phát triển đàn bò

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/8/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT – Là huyện có những điều kiện thuận lợi về đất đại, khí hậu và nguồn nhân lực nông nghiệp để phát triển chăn nuôi đại gia súc, tuy nhiên trong nhiều năm, tiền năng này vẫn chưa được huyện Trấn Yên (Yên Bái) khai thác hiệu quả để trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế.

Tập quán chăn thả gia súc tự nhiên của người dân đang từng bước được thay đổi.
Tập quán chăn thả gia súc tự nhiên của người dân đang từng bước được thay đổi.

Năm 2004, chương trình phát triển đàn bò theo hường bán công nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ của nhà nước được triển khai thực hiện đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới, tạo sự chuyển biến mạnh, làm thay đổi căn bản tập quán chăn nuôi của người dân, nhất là đồng bào dân tộc các xã vùng sâu, vùng cao.

Thực tế, tăng trưởng đàn bò ở Trấn Yên những năm trước đây gần như giậm chân tại chỗ, thậm chí là giảm sút. Năm 2004 toàn huyện có gần 4.300 con bò, tập trung ở 9 xã; trong đó có 49 hộ chăn nuôi theo quy mộ tập trung từ 5-7 con; số hộ nuôi từ 10 con trở lên chỉ có 4 hộ. Quy mô nhỏ lẻ, thiếu đầu tư trong chăn nuôi, cộng với thói quen chăn thả tự nhiên vẫn là nguyên nhân chính khiến chất lượng đàn bò thấp, giá trị hàng hoá không cao.

Thực hiện chương trình phát triển đàn bò theo nghị quyết chuyên đề của Đảng bộ huyện, năm 2004 huyện Trấn Yên đã triển khai thực hiện đồng bộ chương trình nuôi bò bán công nghiệp, chương trình hỗ trợ chăn nuôi bò cho các hộ nghèo đặc biệt khó khăn và chương trình phát triển đàn bò theo các nguồn vốn vay. Thông qua các chính sách hỗ trợ của tỉnh và cơ chế ưu đãi của huyện trong việc khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất ban đầu cho các hộ chăn nuôi như: hỗ trợ vốn đầu tư con giống, làm chuồng trại, trồng cỏ voi... Chỉ sau 2 năm thực hiện, đến nay tổng đàn bò của huyện đã đạt gần 6.600 con, tăng trên 2.200 con; trong đó bò nái sinh sản trên 4 nghìn con, tăng 1.271 con; bò đực giống tăng 41 con và chỉ riêng trong 2 năm (2005 - 2006) đã có trên 1.500 bê con được sinh sản, giá trị ước đạt trên 3 tỷ đồng.

Về chương trình chăn nuôi bò theo quy mô bán công nghiệp, hiện toàn huyện đã có 192 hộ ở 16 xã tham gia thực hiện với số lượng trên 1 nghìn bò nái sinh sản. Bên cạnh đó, chương trình phát triển hỗ trợ chăn nuôi bò cho các hộ nghèo đặc biệt khó khăn bước đầu cho kết quả tốt. Huyện đã thực hiện hỗ trợ cho 450 hộ có khả năng phát triển chăn nuôi tại 11 xã 450 con bò cái sinh sản và sau 2 năm đã phát triển thêm được 216 bê con. Dự kiến năm 2007 sẽ phát triển được 120 bê con, đưa tổng đàn “bò nghèo” của huyện lên khoảng 750 con. Theo đó mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả và cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ tham gia chương trình.

Để từng bước thay đổi nhận thức và tập quán chăn thả tự nhiên của các hộ chăn nuôi, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng cao, vùng dân tộc, cùng với khuyến khích nhân dân đầu tư mở rộng quy mô phát triển đàn bò, huyện Trấn Yên đã chỉ đạo các địa phương thực hiện chương trình trồng cỏ voi. Hiện nay toàn huyện đã phát triển được 256 ha cỏ voi, cung cấp nguồn thức ăn tại chỗ phục vụ chăn nuôi, nhất là chăn nuôi bò quy mô tập trung theo hướng bán công nghiệp ở nhiều hộ.

Việc cải tạo và nâng cao chất lượng đàn bò được huyện chú trọng quan tâm. Nếu năm 2004, tỷ lệ đàn bò được lại tạo bằng các phương pháp kỹ thuật mới chỉ đạt gần 30% thì nay đã đạt tới 96%. Chất lượng đàn bò được cải tạo theo hướng sind hoá, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi đã góp phần thúc đẩy cơ cấu chăn nuôi của huyện chuyển dịch đúng hướng, tạo sự tăng trưởng khá, đồng thời khắc phục được tình trạng trì trệ trong phát triển chăn nuôi gia súc nhiều năm qua của huyện. Quan trọng hơn là người dân đã có thêm cơ hội tiếp cận với tiến bộ KHKT mới, thay đổi tập quán chăn nuôi tự nhiên,  phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá.

Tuy nhiên, việc phát triển đàn bò ở Trấn Yên vẫn còn không ít trở ngại. Một mặt, việc tiếp thu, áp dụng tiến bộ KHKT của người dân vào phát triển chăn nuôi hạn chế do trình độ dân trí thấp; thiếu vốn trong đầu tư phát triển; đặc biệt là người dân còn nặng tư tưởng trông trờ, ỉ lại vào sự đầu tư hỗ trợ nhà nước. Thêm vào đó nguồn cung cấp con giống chưa đảm bảo cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng cải tạo đàn bò của huyện.

Tiếp tục thực hiện chương trình phát triển đàn bò, năm 2007, huyện chỉ đạo các địa phương vận động nhân dân quy hoạch phát triển, đưa diện tích đồng cỏ trên địa bàn lên trên 300 ha; duy trì ổn định trên 4 nghìn bò nái sinh sản hiện có, đồng thời tiến hành chọn lọc những bò hậu bị đủ tiêu chuẩn để làm nái nền, bổ sung tăng đàn bò sinh sản mỗi năm thêm từ 500 đến 600 con; cải tạo và nâng cao chất lượng đàn bò theo hướng sind hoá... Mục tiêu đến năm 2010, đưa chăn nuôi bò trở thành ngành chăn nuôi mũi nhọn và là một trong những chương trình phát triển kinh tế trọng điểm như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX đã xác định.

Minh Thuý

Các tin khác
Tiềm năng suối khoáng nóng tự nhiên ở Văn Chấn vẫn còn bỏ ngỏ.

YBĐT - Nằm trong cánh đồng Mường Lò đất đai mầu mỡ, tưới tiêu thuận lợi, cư dân có trình độ sản xuất thâm canh lâu đời. Cùng với nét văn hoá Thái - Mường đặc sắc, Sơn A, huyện Văn Chấn (Yên Bái) còn được thiên nhiên ban tặng cho suối nước nóng thiên nhiên Cò Cọi. Nhưng, đến thời điểm này những lợi thế về tiềm năng đó vẫn ngủ yên. Sơn A vẫn là một xã nghèo!

Nhiều đường phố chính cũng không có hành lang đường dù mặt đường đã láng nhựa.

YBĐT - Những năm qua, thị xã Nghĩa Lộ đã có những cố gắng để từng bước hoàn thiện hệ thống đường giao thông trên địa bàn. Tuy nhiên, để có những con đường tương xứng với tầm phát triển và đòi hỏi mỹ quan của thị xã thì Nghĩa Lộ rất cần sự nỗ lực và đầu tư mạnh mẽ hơn.

Du khách đến Yên Bái trong các lễ hội mùa xuân.

YBĐT - Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Yên Bái đã ra Nghị quyết 07-NQ/TU về “Đẩy mạnh phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế phát triển quan trọng của tỉnh”, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng du lịch hàng năm đạt từ 30% trở lên.

Ảnh: Minh Thúy

YBĐT - Hiệu quả kinh tế đã được khẳng định, mà cây đậu tương lại không được bà con đón nhận đưa vào sản xuất và coi là cây trồng chủ lực tạo thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo. Vụ đậu tương xuân 2007 vừa qua, theo kế hoạch toàn huyện gieo trồng 150 ha đậu tương. Tuy nhiên, số diện tích gieo trồng chỉ đạt 142,4ha.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục