Làng Nhì từng bước đổi thay
- Cập nhật: Thứ tư, 22/8/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cuộc sống của người Làng Nhì thay đổi từ khi có đường. Gạo, dầu, tấm lợp và những hàng hóa thiết yếu đã đến với người vùng cao dễ dàng hơn. Những sản phẩm của bà con vùng cao được trao đổi với bên ngoài thuận tiện. Quan trọng hơn, có đường Làng Nhì không còn cách biệt với bên ngoài, vì vậy tư duy và nhận thức của người dân đã có sự thay đổi căn bản.
Có đường, Làng Nhì không còn cách biệt với bên ngoài.
|
Từ quốc lộ 32, đoạn khu vực thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (Văn Chấn), con đường đất uốn lượn quanh các đỉnh núi mây trắng còn nguyên mầu đất mới, đưa chúng tôi đến Làng Nhì (Trạm Tấu). Từ độ cao hơn nghìn mét, phóng tầm mắt có thể bao quát hết cánh đồng Mường Lò. Nhớ lại cách đây hai năm, khi chưa mở đường lớn, muốn vào Làng Nhì chỉ có cách đi bộ. Hơn 20km đường rừng, mất gần ngày cuốc bộ mới đến được trung tâm xã, còn nếu muốn đến các thôn phải thêm vài giờ đi bộ. Nhưng hôm nay đã khác, đường vào xã được khai thông, mặc dù bị sạt lở nhiều chỗ nhưng ô tô vẫn có thể đi vào mùa khô, còn xe máy thì đi lại trong bốn mùa.
Cuộc sống của người Làng Nhì thay đổi từ khi có đường. Gạo, dầu, tấm lợp và những hàng hóa thiết yếu đã đến với người vùng cao dễ dàng hơn. Những sản phẩm của bà con vùng cao được trao đổi với bên ngoài thuận tiện. Quan trọng hơn, có đường Làng Nhì không còn cách biệt với bên ngoài, vì vậy tư duy và nhận thức của người dân đã có sự thay đổi căn bản.
Bà con không còn phát rừng làm nương, trồng thuốc phiện và khai thác rừng tự nhiên mà đã định canh định cư. Những số liệu trong vụ đông xuân vừa qua thật có ý nghĩa: 14 ha lúa nước, 72 ha ngô, 12 ha đậu tương, 11,5 ha đậu đỗ các loại, 49 ha sắn... được gieo trồng đem về một nguồn lương thực không nhỏ để người dân không còn lo nhiều đến cái đói. Với trên 7.100 ha diện tích tự nhiên, thế mạnh của Làng Nhì là chăn nuôi và trồng rừng. Đến nay, xã có đàn trâu 397 con, đàn bò 260 con, đàn ngựa 97 con, đàn dê 277 con. Việc khoanh nuôi, bảo vệ rừng được chính quyền triển khai tới các ban ngành, đoàn thể, các trưởng thôn nên được nhân dân nhiệt tình tham gia. Từ đầu năm đến nay, địa bàn không xảy ra tình trạng phá rừng làm nương rẫy, hiện nhân dân thôn Đề Chơ và Tà Chơ đang khẩn trương trồng mới 140 ha rừng theo kế hoạch của Nhà nước giao.
Kinh tế có bước phát triển, kéo theo những bước tiến về văn hóa xã hội. Hiện nay, trung bình cứ 4 người dân trong xã thì có một người đi học. Qua từng năm chất lượng giáo dục đã được nâng lên, Làng Nhì phấn đấu đạt phổ cập trung học cơ sở vào năm nay. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước được cải thiện. Qua vận động, bà con đã chủ động đến trạm y tế khám bệnh, đưa trẻ đi tiêm phòng và thực hiện các biện pháp sinh đẻ có kế hoạch. Các hoạt động về văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đã được tổ chức thu hút đông đảo người dân tham gia, thông qua đó đã từng bước xóa bỏ tập tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang từ bao đời nay.
Những đổi thay của Làng Nhì thật đáng mừng, nhưng nhìn một cách tổng thể thì Làng Nhì vẫn còn đó nhiều khó khăn, tồn tại cần giải quyết. Công tác xóa đói giảm nghèo dù đã thu được những kết quả bước đầu, song chưa bền vững. Tỷ lệ đói nghèo trong xã vẫn cao, trong xã vẫn còn 144 hộ đói nghèo, 68 hộ đói giáp hạt. Mặc dù có đường giao thông vào xã nhưng giao thông thuận lợi vào mùa khô, còn mùa mưa vẫn ách tắc nhiều do sạt lở và đường đến các thôn bản vẫn còn rất khó khăn. Rừng là tài sản quí, là thế mạnh nhưng tình trạng cháy rừng và nạn khai thác lâm sản đôi lúc vẫn diễn ra mà chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để. Chăn nuôi đại gia súc đã phát triển nhưng chưa trở thành hàng hóa để giúp người dân vùng cao thoát nghèo. Việc khám chữa bệnh cho người dân dù đã được quan tâm nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bất cập; việc sinh đẻ không kế hoạch vẫn diễn ra; số người nghiện ma túy trên địa bàn xã vẫn nhiều...
Để giải quyết những vấn đề này giúp vùng cao sớm thoát khỏi đói nghèo thì bên cạnh những cố gắng từ phía Đảng bộ, chính quyền và người dân, Làng Nhì rất mong tiếp tục có sự quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa từ phía Nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp đỡ cây con giống, kiến thức sản xuất và những tiến bộ KHKT...
Nguyễn Đình
Các tin khác
YBĐT - Sau 3 năm tổ chức Chương trình Du lịch về cội nguồn hợp tác giữa 3 tỉnh Yên Bái - Lào Cai - Phú Thọ đã thu hút trên 10 triệu lượt du khách. Trong đó, ngành du lịch Yên Bái đã đón và phục vụ trên 380 nghìn lượt khách với doanh thu 115 tỷ đồng.
YBĐT - Để xây dựng mô hình thâm canh lúa lai cải tiến đạt giá trị kinh tế 50 triệu đồng/ha/năm, vụ mùa năm nay, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã đưa bốn giống lúa lai có năng suất chất lượng cao là giống SYN6, Nghi Hương 2308, Tiên ưu 95, N.ưu 69, Nhị ưu 838 vào gieo cấy thử nghiệm theo mô hình cải tiến, với diện tích 5 ha giao cho 42 hộ dân tại thôn Trung Tâm, xã An Thịnh trồng thí điểm.
YBĐT – Là huyện có những điều kiện thuận lợi về đất đại, khí hậu và nguồn nhân lực nông nghiệp để phát triển chăn nuôi đại gia súc, tuy nhiên trong nhiều năm, tiền năng này vẫn chưa được huyện Trấn Yên (Yên Bái) khai thác hiệu quả để trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế.
YBĐT - Nằm trong cánh đồng Mường Lò đất đai mầu mỡ, tưới tiêu thuận lợi, cư dân có trình độ sản xuất thâm canh lâu đời. Cùng với nét văn hoá Thái - Mường đặc sắc, Sơn A, huyện Văn Chấn (Yên Bái) còn được thiên nhiên ban tặng cho suối nước nóng thiên nhiên Cò Cọi. Nhưng, đến thời điểm này những lợi thế về tiềm năng đó vẫn ngủ yên. Sơn A vẫn là một xã nghèo!