Trong bức tranh phát triển nông nghiệp đặc sản của thị xã Nghĩa Lộ, xã Nghĩa Lộ nổi lên như một điểm sáng. Với 65% hộ dân trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, xã đã chủ động quy hoạch lại sản xuất theo hướng hàng hóa, đặc biệt chú trọng vào các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và cây chè.
Bà Vũ Thị Thanh - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộ, chia sẻ: "Để thay đổi thói quen canh tác truyền thống, nhỏ lẻ, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, quy hoạch lại sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung phát triển các loại cây ăn quả có thế mạnh như: cam, bưởi, nhãn, xoài, mận, thanh long và cây chè. Chúng tôi cũng khuyến khích người dân trồng mới, chuyển hóa các loại cây ăn quả theo hướng an toàn để tăng năng suất và tạo đầu ra ổn định”.
Hiện thực hóa mục tiêu này, xã đã thành lập 33 tổ hợp tác sản xuất nông sản sạch, an toàn với sự tham gia của 165 thành viên, tạo thành sức mạnh tập thể trong sản xuất và tiêu thụ. Nhờ đó, mỗi năm xã cung ứng ra thị trường trên 600 tấn hoa quả tươi, mang về doanh thu ấn tượng trên 12 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập từ 500 đến 800 triệu đồng mỗi năm nhờ trồng cây ăn quả, cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt từ hướng đi này.
Bà Thanh cho biết thêm: "Chúng tôi cũng tập trung các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đồng thời thành lập các tổ liên kết để quảng bá và phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương, giúp tăng nguồn thu ổn định cho người dân.”
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực trồng trọt, thị xã Nghĩa Lộ còn chú trọng đến lĩnh vực chế biến nông sản. Tại xã Nghĩa An, các sản phẩm như thịt trâu sấy và lợn sấy được chế biến theo phương pháp thủ công truyền thống, mang hương vị đặc trưng của vùng đất này, đã trở thành món đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Hiện tại, toàn xã có 5 hộ sản xuất các mặt hàng này với tổng sản lượng cung ứng ra thị trường hơn 10 tấn mỗi năm, góp phần tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Với những nỗ lực không ngừng, Nghĩa Lộ đã đạt được những kết quả nổi bật trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 10/10 xã của thị xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 27 thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Song song với đó, Nghĩa Lộ còn có 24 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP với 21 sản phẩm đạt 3 sao và 3 sản phẩm đạt 4 sao, khẳng định chất lượng và thương hiệu nông sản địa phương. Nhờ những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế nông nghiệp, năm 2024, Nghĩa Lộ đã giảm 734 hộ nghèo, tương đương giảm 3,96% và giảm 189 hộ cận nghèo, vượt chỉ tiêu đề ra.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, bao gồm hỗ trợ kỹ thuật canh tác, khuyến khích ứng dụng công nghệ vào sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ, đồng thời tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua việc xây dựng chuỗi giá trị và ký kết hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp, siêu thị trong và ngoài tỉnh.
Theo ông Vũ Đức Trung - Phó Chủ tịch UBND thị xã, chính quyền thị xã đã có nhiều chính sách hỗ trợ như liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã giúp người dân sản xuất theo chuỗi giá trị, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, siêu thị trong tỉnh và các địa phương lân cận... Ngoài ra, thị xã còn tích cực tổ chức các hội chợ, tham gia chương trình OCOP và đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, kết nối với các kênh phân phối lớn. Đáng chú ý, vừa qua, Sở Công Thương Yên Bái đã tổ chức chương trình Ngày mua sắm trực tuyến và trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại Nghĩa Lộ, tạo cơ hội quảng bá rộng rãi các sản phẩm đặc sản của địa phương.
Hướng đến tương lai phát triển bền vững, Nghĩa Lộ đang xây dựng mô hình kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và du lịch trải nghiệm. Du khách khi đến với Nghĩa Lộ sẽ có cơ hội không chỉ thưởng thức các đặc sản mà còn được trực tiếp tham quan các trang trại, vườn cây ăn quả và trải nghiệm quy trình sản xuất nông sản. Ông Vũ Đức Trung cho biết thêm: "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, thân thiện với môi trường, khai thác tối đa tiềm năng du lịch gắn liền với nông sản đặc sản, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm nông sản, đặc sản của Nghĩa Lộ vươn xa hơn nữa”.
Có thể thấy, với sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương, sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp và tinh thần nỗ lực của người dân, ngành nông nghiệp Nghĩa Lộ đang trên đà phát triển mạnh mẽ và vững chắc. Việc tập trung phát triển các sản phẩm nông sản đặc sản không chỉ mang lại những lợi ích kinh tế thiết thực cho người dân mà còn góp phần nâng cao giá trị thương hiệu của địa phương, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong những năm tiếp theo.
Thị xã Nghĩa Lộ hiện có 24 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP với 21 sản phẩm đạt 3 sao và 3 sản phẩm đạt 4 sao, khẳng định chất lượng và thương hiệu nông sản địa phương. Thời gian tới, thị xã tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, thân thiện với môi trường; khai thác tối đa tiềm năng du lịch gắn liền với nông sản đặc sản. |
Hùng Cường