Tằm tơ hứa hẹn mùa bội thu

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/5/2025 | 7:01:47 AM

YênBái - Với sự nỗ lực, kịp thời, khẩn trương của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, vùng trồng dâu tằm bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 hồi tháng 9/2024 trên địa bàn 2 huyện Trấn Yên, Văn Yên đã phục hồi mạnh mẽ. Người dân tích cực trồng, chăm sóc cây dâu, con tằm với khí thế sôi nổi, quyết tâm để có một mùa vụ bội thu.

Lãnh đạo và người dân xã Xuân Ái, huyện Văn Yên kiểm tra chất lượng lá dâu tằm trên địa bàn.
Lãnh đạo và người dân xã Xuân Ái, huyện Văn Yên kiểm tra chất lượng lá dâu tằm trên địa bàn.


Từ hơn 1 tháng trước, gia đình bà Hà Hồng Lĩnh ở thôn Sông Hồng, xã Xuân Ái, huyện Văn Yên đã bắt tay vào nuôi những lứa tằm đầu tiên của năm 2025. 

Bà Lĩnh chia sẻ: "Bão số 3 năm ngoái, gia đình có hơn 3.000m2 dâu bị ảnh hưởng. Với sự hỗ trợ về cây giống của chính quyền địa phương, chúng tôi đã nhanh chóng khắc phục, trồng lại các diện tích bị thiệt hại và đăng ký trồng thêm hơn 600m2. Hiện giờ, gia đình tôi đã có khoảng 1,2ha dâu đang sinh trưởng và phát triển khá tốt, đủ để nuôi 15 nong tằm/lứa. Một tháng nuôi 2 lứa, tôi đã thu được 3 lứa kén với sản lượng gần 150kg/lứa, giá bán từ 180.000 - 210.000 đồng/kg, tôi thu về gần 30 triệu đồng/lứa, trừ chi phí thu nhập cũng khá tốt”. 

Được biết, sau ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, xã Xuân Ái có 10,2ha dâu bị ảnh hưởng, chiếm tới 1/3 tổng diện tích cây dâu hiện có trên địa bàn lúc bấy giờ. Ngay sau khi nước rút, xã đã khẩn trương hướng dẫn nhân dân khơi thông rãnh nước, cắt bỏ cành chết, tỉa lá, phá váng đảm bảo cho cây sinh trưởng phục hồi lại diện tích. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo đất để trồng lại với những diện tích không thể phục hồi. Xã còn kết nối với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ nhân dân trồng dâu với khoảng 2 triệu đồng/hộ để mua giống. 

Ông Trịnh Quách Côn - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Ái cho biết: "Năm 2025, xã đặt mục tiêu sẽ tiếp tục trồng mới 30ha. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, xã đã tận dụng sự hỗ trợ từ các đề án, dự án và xã hội hóa để hỗ trợ nhân dân cây giống, phân bón; chỉ đạo cán bộ khuyến nông luôn sát sao quan tâm, hướng dẫn kỹ thuật cho nhân dân và tiếp tục nhân rộng mô hình trồng dâu nuôi tằm, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, xã đã trồng mới được 22/30ha dâu theo kế hoạch, nâng diện tích dâu toàn xã lên 61ha. Trên địa bàn xã cũng có 3 tổ hợp tác, 3 hợp tác xã trồng dâu nuôi tằm, hỗ trợ bao tiêu cơ bản toàn bộ sản phẩm trên địa bàn”. 

Tương tự xã Xuân Ái, các vùng trồng dâu, nuôi tằm dọc sông Hồng nằm trên địa bàn 2 huyện Trấn Yên, Văn Yên bị ảnh hưởng sau bão lũ cũng đang xanh tươi trở lại. Riêng năm 2024, vùng dâu tằm đã phục hồi được 602/661ha; trong đó, huyện Văn Yên là 44ha, huyện Trấn Yên là 558ha, dự kiến dâu từ diện tích trồng mới này sẽ bắt đầu được sử dụng để nuôi tằm trở lại từ vụ thu năm nay. 

Ngoài diện tích bị ảnh hưởng đang phục hồi, năm 2025, 2 địa phương này lại tiếp tục vận động nhân dân trồng mới 280ha, trồng cải tạo 50ha, nâng diện tích dâu lên trên 1.400ha, sản lượng kén tằm đạt trên 2.300 tấn. Để thực hiện mục tiêu này, các địa phương đã tiếp tục đầu tư, hỗ trợ nông dân thông qua các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng, ứng dụng công nghệ. 

Cùng với đó, chú trọng đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cả trồng dâu và nuôi tằm để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm công lao động; ưu tiên giống tốt, quy trình canh tác, nuôi trồng tiên tiến; tích cực chia sẻ kinh nghiệm cho những hộ, những địa phương mới bắt đầu tham gia chương trình trồng dâu nuôi tằm theo chuỗi giá trị. 

2 huyện cũng đã chỉ đạo các phòng chuyên môn thực hiện các giải pháp hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp phát triển liên kết chuỗi giá trị, củng cố vai trò của các hợp tác xã, tổ hợp tác làm cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp, xây dựng hợp đồng liên kết chặt chẽ, bảo đảm hài hòa lợi ích và ổn định đầu ra. Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái trong thu mua với giá kén ổn định, cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn việc thu hoạch kén tằm đáp ứng yêu cầu của nhà máy… 

3 tháng đầu năm 2025, huyện Văn Yên đã tiến hành trồng mới được 50/180ha dâu, huyện Trấn Yên đã trồng mới 72/100ha. Người dân cơ bản nắm được kỹ thuật, tích cực chăm sóc cây dâu, con tằm theo đúng quy trình. Với giá bán cao, người trồng dâu, nuôi tằm đang có một khởi đầu rất tốt, hứa hẹn một mùa bội thu.

Hoài Anh

Tags Trấn Yên Văn Tên trồng dâu nuôi tằm

Các tin khác
Công nhân Công ty cổ phần An Tiến Industries, Khu Công nghiệp phía Nam sản xuất hạt nhựa xuất khẩu.

Ngay trong những ngày đầu năm 2025, bức tranh kinh tế của tỉnh Yên Bái đã ghi nhận những gam màu tươi sáng với nhiều chỉ số tăng trưởng tích cực. Trong đó, nổi bật nhất là sự bứt phá đầy ấn tượng của khối doanh nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu “tăng tốc, về đích” trong năm kết thúc nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Đảng bộ tỉnh.

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản đang bước sang giai đoạn mới, với trọng tâm là các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi xanh và bán dẫn – những lĩnh vực then chốt cho tăng trưởng kinh tế bền vững và thích ứng với xu thế toàn cầu.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Mù Cang Chải tham quan mô hình trồng cà chua theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Nậm Khắt.

Là huyện vùng cao, khí hậu mát mẻ, phù hợp cho phát triển rau màu nên những năm gần đây, nhiều người dân ở huyện Mù Cang Chải mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để phát triển các mô hình chuyên canh rau màu an toàn, quy mô tập trung mang lại giá trị kinh tế cao.

Đợt 1/2025 huyện Văn Yên phấn đấu thực hiện kiến cố hóa trên 66 km đường GTNT.

Những năm qua, với sự đồng lòng, chung sức của người dân, huyện Văn Yên đã huy động, lồng ghép sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để triển khai thực hiện kiên cố hóa đường giao thông nông thôn (GTNT), góp phần từng bước hoàn thiện hạ tầng GTNT, tạo thuận lợi cho giao thương đi lại, thúc đẩy kinh tế - xã hổi của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục