Những đầu tàu gương mẫu ở vùng cao

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/5/2025 | 8:26:28 AM

YênBái - Thực tế khẳng định, ở nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nếu cán bộ, đảng viên, già làng, người uy tín gương mẫu sẽ có tác động tích cực, làm thay đổi nhận thức, hành động của nhân dân, dễ khơi dậy được sự đồng lòng, tin tưởng của nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Anh Sùng A Dê (bên trái) ở xã Suối Bu, huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân trồng tre măng Bát độ.
Anh Sùng A Dê (bên trái) ở xã Suối Bu, huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân trồng tre măng Bát độ.

Câu chuyện về đảng viên Sùng A Dê - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Suối Bu, huyện Văn Chấn là một minh chứng sinh động. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất có địa hình dốc cao lại ít đất sản xuất, hơn ai hết, anh Dê thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người dân khi quanh năm chỉ biết cây lúa, cây ngô. Sau nhiều năm trăn trở nghiên cứu về tre măng Bát độ - cây làm giàu của người Mông xã Hồng Ca, Kiên Thành ở huyện Trấn Yên, anh mang giống về trồng thử nghiệm trên mảnh đất dốc của gia đình. Khi thử nghiệm thành công, năm 2021, anh mạnh dạn tham mưu với Đảng ủy, UBND xã nhân rộng mô hình.

 Anh Dê chia sẻ: "Đồng bào mình sợ nhiều thứ: sợ không trồng được, trồng không phát triển, không bán được nên mình phải nói trước, làm trước, thấy có hiệu quả thì mới tuyên truyền, vận động bà con làm theo. Chúng tôi cũng đã tổ chức cho đại diện các hộ dân đi tham quan thực tế tại xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên; làm việc, liên kết với doanh nghiệp cung ứng cây giống. Tiền mua giống sẽ được trừ dần vào tiền bán măng và bắt đầu trừ sau khi măng đã phát triển ổn định. Doanh nghiệp còn trực tiếp cử cán bộ "cầm tay chỉ việc” hướng dẫn tỉ mỉ kỹ thuật trồng, chăm sóc. Tổ hợp tác Hội Cựu chiến binh cũng được thành lập do chính tôi làm Chủ nhiệm, cam kết thu mua sản phẩm măng cho bà con. Như vậy, các vấn đề người dân lăn tăn đã được giải quyết ngọn nguồn, giúp người dân yên tâm sản xuất”.

Cho đến nay, 130 hộ dân ở xã Suối Bu đã phát triển được trên 35 ha tre măng Bát độ chỉ trong chưa đầy 4 năm. Theo dự tính, mỗi ha tre măng Bát độ có thể cho thu hoạch khoảng 10 tấn măng/năm, đem lại thu nhập bình quân khoảng 15 triệu đồng/hộ gia đình và con số này sẽ tiếp tục tăng cao khi tre măng bước vào giai đoạn phát triển ổn định. 

Hình ảnh những cán bộ, đảng viên như anh Sùng A Dê ngày càng phổ biến ở vùng đồng bào DTTS. Họ là những người con ưu tú của Đảng, gương mẫu trong phát triển kinh tế gia đình, vận động nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt cho năng suất cao và giúp đỡ nhiều hộ nghèo thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng bằng cách hỗ trợ giống, kỹ thuật. Họ còn gương mẫu, tiên phong trong việc hiến đất, di dời tài sản trên đất, đóng góp sức người, sức của và huy động sự đồng lòng, chung sức của người dân với chính quyền trong quá trình xây dựng nông thôn mới. 

Tiêu biểu có thể kể đến, ông Mùa A Sùng ở xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu đã tiên phong hiến trên 10.000 m2 đất để làm đường giao thông. Nghe và làm theo ông Sùng, bà con địa phương đã cùng hiến đất để làm đường, giải phóng mặt bằng 8 km đường liên xã Trạm Tấu - Xà Hồ và 8,5 km đường giao thông nội thôn, nội đồng. 

Ông Cư A Phần ở xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên cũng đã hiến hơn 4.000 m2 đất để làm trường mầm non của xã... Tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên vùng DTTS còn thể hiện ở sự nhiệt huyết, trách nhiệm trong công việc; ở lối sống giản dị, gần gũi với nhân dân. 

Anh Lý A Sâu - Bí thư Chi bộ bản Sẻ Sáng, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải chia sẻ: "Những ngày không ra ruộng, lên rừng, tôi sẽ đến các hộ gia đình để gặp gỡ, vừa tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vừa tìm hiểu đời sống, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của bà con, từ đó cùng Chi bộ có định hướng triển khai xây dựng nghị quyết, định hướng tuyên truyền, vận động nhân dân, vạch ra đường lối, phương hướng phát triển phù hợp với thực tế của bản. Việc gì mà Chi bộ đã quyết đều được xây dựng và ban hành nghị quyết, rồi phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên phụ trách các nhóm hộ để tiên phong đi trước, làm trước rồi tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện theo”. 

Đến nay, người dân Sẻ Sáng đã chung sức, hiến đất, đóng góp tiền và ngày công bê tông hóa được khoảng 90% đường giao thông đặc thù 1 mét toàn bản; tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt 99%. Trong phát triển kinh tế, người dân Sẻ Sáng có 65 ha trồng lúa 2 vụ; hình thành được 3 mô hình chăn nuôi dê hàng hóa quy mô trên 50 con/mô hình, mô hình trồng lúa nếp tan với quy mô 3 ha theo hướng hàng hóa, mô hình trồng măng sặt với diện tích trên 3 ha... 

Tinh thần đầu tàu gương mẫu của cán bộ, đảng viên, già làng, người uy tín vùng đồng bào DTTS thời gian qua đã góp phần khích lệ, cổ vũ các phong trào thi đua trong quần chúng nhân dân. Đồng bào đã học tập và noi theo tinh thần hết mình vì lợi ích tập thể, tinh thần tiên phong dám nghĩ, dám làm của họ, hăng hái xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế và xây dựng cuộc sống ấm no.

Nhờ những đóng góp của đội ngũ cán bộ, đảng viên, già làng, người uy tín, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS những năm qua không ngừng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, kết cấu hạ tầng cơ bản hoàn thiện, đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Từ năm 2021 - 2024, Yên Bái giảm tỷ lệ hộ nghèo DTTS từ 30,36% xuống 10,04%; thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 2 lần, đạt 33,25 triệu đồng/năm.


Hoài Anh

Tags Yên Bái DTTS Sùng A Dê Lý A Sâu Cư A Phần

Các tin khác
Lãnh đạo huyện Văn Yên và xã Đại Phác kiểm tra diện tích cây dâu của các hộ dân.

Triển khai Đề án “Phát triển trồng dâu nuôi tằm giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030” gắn với Nghị quyết phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững của huyện Văn Yên, xã Đại Phác đã tập trung quy hoạch, tận dụng hiệu quả tiềm năng đất nông nghiệp, áp dụng các giải pháp đồng bộ, đến nay, Đại Phác đã bước đầu hình thành vùng sản xuất dâu tằm với hơn 30 ha, thành lập một hợp tác xã, thu hút 40 hộ dân tham gia, mở ra hướng đi mới trong nâng cao thu nhập và giá trị canh tác cho người nông dân.

Người dân Mù Cang Chải nuôi ong dưới tán cây Sơn Tra.

Nằm ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển, huyện Mù Cang Chải không chỉ nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ mà còn là vùng đất có điều kiện lý tưởng để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Với khí hậu mát mẻ, hệ sinh thái rừng phong phú và nguồn hoa tự nhiên dồi dào, người dân nơi đây đang từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng địa phương, biến nghề nuôi ong thành hướng phát triển kinh tế mới theo hướng xanh và bền vững.

Giao thương qua các hội chợ, triển lãm và giao thương quốc tế giúp các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác mới.

Mở rộng thị trường, khơi thông các thị trường tiềm năng, trọng điểm và hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại (XTTM) là những đề xuất liên tục được các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp (DN) đưa ra tại các cuộc họp giao ban XTTM với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài do Bộ Công Thương tổ chức. Điều đó cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, việc kết nối thị trường, đẩy mạnh hoạt động XTTM là hoạt động hỗ trợ thiết thực đối với DN.

Sản xuất lắp ráp ô tô tại nhà máy của Công ty Ford Việt Nam (liên doanh giữa Tập đoàn Ô tô Ford Hoa Kỳ và Công ty Diesel Sông Công).

Sự kiện Hoa Kỳ công bố áp thuế đối ứng đối với nhiều nước tác động không nhỏ tới đời sống kinh tế, đầu tư toàn cầu. Trong đó, giới chuyên gia dự báo, hoạt động đầu tư quốc tế sẽ diễn biến khó lường theo xu hướng giảm trên bình diện rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục