Kinh tế trang trại với CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/10/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Kinh tế trang trại là hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, là quy luật phát triển tất yếu của sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Kinh tế trang trại ở Yên Bái bắt đầu phát triển mạnh từ khi có Nghị quyết số 03 của BCH Đảng bộ tỉnh khoá XIII(năm 1993) về phát triển nông, lâm nghiệp toàn diện và xây dựng nông thôn mới.

Kinh tế trang trại đang mang lại thu nhập ổn định cho người trồng rừng ở Yên Bái.
Kinh tế trang trại đang mang lại thu nhập ổn định cho người trồng rừng ở Yên Bái.

Yên Bái cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổng kết mô hình kinh tế trang trại và  đưa thành chủ trương lớn trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Trang trại của tỉnh những năm 90 là trang trại gia đình,  dựa trên nền tảng kinh tế hộ, sản phẩm sản xuất ra để tiêu dùng, phần còn thừa mới bán ra thị trường. Năm 1998, toàn tỉnh có 7.252 trang trại; trong đó, 99,5% là trang trại gia đình, 86% đất trang trại là đất lâm nghiệp và 80% chủ trang trại là nông dân. Bình quân, một trang trại có 3,1 ha và 2,8 lao động; số trang trại có quy mô dưới 2ha chiếm gần 50% , chỉ có 2,7% số trang trại có quy mô trên 10 ha và gần 90% trang trại thu nhập hàng năm dưới 20 triệu đồng.

Quá trình hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường, tính chất và quy mô kinh tế trang trại gia đình cũng thay đổi do chịu sự chi phối của quy luật cạnh tranh và quy luật giá trị. Một số chủ trang trại có tiềm lực tích tụ ruộng đất (thuê đất, hoặc mua lại các trang trại kinh doanh không hiệu quả). Các trang trại mới ra đời, quy mô  diện tích lớn, sử dụng nhiều lao động hơn và mục tiêu sản xuất  hàng hoá là chính, với tỷ suất hàng hoá đạt 70% trở lên. Năm 2006 toàn tỉnh có 319 trang trại (theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn), với tổng diện tích trên 5065 ha, sử dụng 3877 lao động. Bình quân, diện tích một trang trại là 15,88 ha và 8,21 lao động. Như vậy sau 10 năm,  tuy số trang trại giảm nhiều, nhưng quy mô bình quân diện tích một trang trại tăng 5 lần và bình quân lao động tăng gần 3 lần so với trang trại gia đình.

Trong 319 trang trại, trang trại lâm nghiệp chiếm 75,68%, trang trại trồng cây lâu năm chiếm 9,4%, trang trại chăn nuôi 6,58%; trang trại thuỷ sản 3,13% và trang trại trồng cây hàng năm 2,19%. Các trang trại đã phát triển theo đúng định hướng chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh là phát huy lợi thế, đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp, cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc và nuôi trồng thuỷ sản. Đầu tư bình quân một trang trại gia đình trên dưới 10 triệu đồng và chỉ có 50%- 60% trang trại vay vốn, thì hiện nay bình quân một trang trại đầu tư 174,49 triệu đồng. Trong đó, vốn đầu tư  của trang trại trồng cây hàng năm là 91,18 triệu, trang trại trồng cây lâu năm 138,84 triệu; trang trại lâm nghiệp 163,09 triệu; trang trại chăn nuôi 348,22 triệu; trang trại nuôi trồng thuỷ sản 233,56 triệu và trang trại kinh doanh tổng hợp là 193,66 7 triệu đồng.

 Qua điều tra sản xuất, kinh doanh từ 7-2006 đến 7-2007, giá trị sản lượng hàng hoá của các trang trại đạt 21.508 triệu đồng. Bình quân, giá trị hàng hoá và dịch vụ một trang trại là 67,43 triệu, tăng 4,6% so cùng thời điểm năm 2006; trong đó, giá trị hàng hoá bình quân một trang trại chăn nuôi là 273 triệu đồng; trang trại kinh doanh tổng hợp 120 triệu; trang trại trồng cây lâu năm là 74 triệu và của trang trại lâm nghiệp, trang trại thuỷ sản trên 51 triệu đồng. Tổng thu nhập của các trang trại đạt 12.205,5 triệu đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2006. Thu nhập bình quân một trang trại là 36,72 triệu đồng, có hàng chục trang trại thu nhập trên 100 triệu đồng; thu nhâp  cao nhất là các trang trại chăn nuôi với 66,8 triệu, thấp nhất là các trang trại lâm nghiệp với 33,9 triệu đồng.

Nhiều trang trại lâm nghiệp được đánh giá phát triển tốt.

Trong quá trình phát triển đã có nhiều trang trại điển hình, hiệu quả kinh tế cao. Qua điều tra kết quả sản xuất một năm (tháng 7-2006 đến tháng 7- 2007) đã có nhiều trang trại phát triển tốt, điển hình như: trang trại ông Nguyên Quốc Khánh xã Khánh Hoà-Lục Yên, có 5,5 ha cây ăn quả, 6 ha đất lâm nghiệp, đầu tư 300 triệu, thu 225 triệu; trang trại ông Đinh Văn Chắn xã Động Quan, Lục Yên, nuôi 90 con bò, có 20 con lai sind đã đầu tư 195 triệu, thu  43 triệu, trang trại ông Lò Văn Sinh xã Phong Dụ Thượng, Văn Yên, nuôi 60 con bò; đầu tư 170 triệu, doanh thu 89 triệu (trong đó thu chăn nuôi 40 triệu, thu trồng trọt 49 triệu); trang trại ông Trịnh Công Trụ xã Tân Hương, Yên Bình, có 12 ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, thường xuyên có11 lao động, thời vụ thuê 40 lao động (đầu tư 150 triệu, doanh thu đạt 146 triệu)...

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, các chủ trang trại cũng gặp nhiều khó khăn, đó là: thiếu kiến thức về quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh; thiếu vốn ; thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định; thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật; cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn thiếu và chất lượng thấp, ảnh hưởng đến sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm của các trang trại. Kinh tế trang trại là nơi tốt nhất để liên kết “ 4 nhà”, nhưng những năm qua, mối liên kết này lỏng lẻo, thiếu gắn bó; sản phẩm của các trang trại chủ yếu là sản phẩm thô, sức cạnh tranh kém; cấp uỷ, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm nhiều trong giúp đỡ trang trại phát triển.

Kinh tế trang trại là hình thức tổ chức sản xuât nông nghiệp hàng hoá có hiệu quả, phát triển kinh tế trang trại là giải pháp quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng CNH - HĐH. Vì vậy, để kinh tế trang trại tiêp tục phát triển, cần tập trung giải quyết tốt các nhiệm vụ sau:

Cấp uỷ, chính quyền các địa phương cần nhận thức đúng đắn vị trí quan trọng của kinh tế trang trại, tạo điều kiện cho kinh tế trang trại phát triển. Tỉnh có cơ chế  cho các chủ trang trại tích tụ đất đai, nhất là đất lâm nghiệp, thu hút lao động vào trang trại, thực hiện phân công lao động theo hướng chuyên môn hoá; tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao vào sản xuất, công nghệ chế biến tiên tiến để nâng cao chất lượng  sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; mở các lớp bồi dưỡng kiến thức quản trị kinh doanh cho các chủ trang trại; xây dựng trung tâm tư vấn để tư vấn giúp các chủ trang trại xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho các chủ trang trại tiêu thụ sản phẩm ổn định, lâu dài.

Cần tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế, chính sách ưu tiên  cho các chủ trang trại thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tạo điều kiện cho các chủ trang trại tiếp cận  các nguồn vốn tín dụng ưu đãi và được tham gia các chương trình, dự án phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn. Mặt khác, để phát triển, các chủ trang trại phải chủ động  liên kết “4 nhà”, liên kết với các doanh nghiệp, các hộ cùng mục đích sản xuât và các trang trại với nhau; tiến tới thành lập hiệp hội trang trại để bảo vệ lợi ích người sản xuất.

Trần Thi

Các tin khác

YBĐT - Trong những năm qua, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu chú trọng lãnh đạo nhân dân 5 thôn bản phát triển kinh tế và trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, đổi mới cơ cấu giống lúa lai, lúa thuần vào gieo cấy đảm bảo khung thời vụ trên toàn bộ diện tích ruộng nước tạo đà về năng suất, chất lượng.

Công tác phòng chống cháy rừng được xã Suối Giàng quan tâm. (Ảnh: MQ)

YBĐT - Ngoài 243 ha rừng chè lâu năm và 50 ha chè mới trồng, năm 2007, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn(Yên Bái) tiếp tục phát triển thêm 109 ha rừng kinh tế.

Có thêm nhiều lao động được tạo việc làm từ nguồn vốn vay của Quỹ.

YBĐT - Là Quỹ tín dụng (QTD) mới được thành lập lại hoạt động trên địa bàn phường Hồng Hà (12-1997) - một trong những phường trung tâm, năng động của thành phố Yên Bái lại phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng có “thâm niên” trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ là rất khó khăn song QTD nhân dân phường Hồng Hà (TP Yên Bái) đã tìm cho mình một phương châm hoạt động hiệu quả.

YBĐT - Về xã Minh Xuân, huyện Lục Yên (Yên Bái) lần này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước một vùng quê xưa kia nghèo khó nay đã và đang thay da đổi thịt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục