Dự án Giảm nghèo ở Yên Bình:

Góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn

  • Cập nhật: Thứ tư, 21/11/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Dự án Giảm nghèo triển khai tại huyện Yên Bình từ năm 2003 với 15,445 tỷ đồng được phê duyệt cho 5 xã: Xuân Long, Ngọc Chấn, Tích Cốc, Phúc An, Yên Thành gồm 41 thôn bản, 2.792 hộ dân được hưởng lợi từ dự án.

Năng suất lúa đạt trên 200 kg/sào/vụ (Ảnh PV)
Năng suất lúa đạt trên 200 kg/sào/vụ (Ảnh PV)

Đây là các xã đặc biệt khó khăn của huyện, cơ sở hạ tầng còn thiếu, trình độ dân trí thấp, kinh tế phát triển chậm, đời sống của đại bộ phận người dân còn rất nhiều khó khăn, tỉ lệ đói nghèo còn cao... Sau 4 năm thực hiện Dự án, bộ mặt của các xã đã có nhiều thay đổi, nhiều công trình giao thông, trường học, trạm y tế, công trình thuỷ lợi được đầu tư mới.

Đồng chí Địch Ngọc Thường - Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Quản lý Dự án Giảm nghèo huyện Yên Bình cho biết: “Đây là dự án được chuẩn bị kỹ về mọi mặt, cán bộ được tập huấn, đào tạo bài bản về nghiệp vụ, mua sắm, đấu thầu, chính sách an toàn dự án, quy trình giải ngân, tập huấn giám sát đánh giá hồ sơ thầu, đánh giá chất lượng công trình. Thông tin về các tiểu dự án được công khai minh bạch đến người dân vùng Dự án. Các trưởng thôn, trưởng bản được tham gia thực hiện công trình và giám sát công trình, được thay mặt người dân nhận trách nhiệm bảo trì vận hành công trình và có trách nhiệm thông tin tới cấp có thẩm quyền khi có sự cố xảy ra. Chính vì vậy, các tiểu dự án trong các hợp phần đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư”.

Nhờ được tập huấn kỹ thuật, người dân biết tự ươm giống để trồng rừng. 

Chỉ riêng ba hợp phần chính là giao thông, chợ; nông nghiệp; giáo dục, y tế đã có 65 công trình được đầu tư mới và nâng cấp. Trong đó,  đã nâng cấp 8km đường liên xã Tích Cốc-Cẩm Nhân và đường trung tâm xã Yên Thành-bến cảng Yên Thành; xây mới chợ xã Phúc An và Xuân Long; hoàn thành 9 công trình thủy lợi chủ động nước tưới cho 103 ha; xây dựng một công trình cấp nước sinh hoạt cho 210 hộ dân; xây mới 7 lớp cắm bản gồm 9 phòng học và 10 phòng ở cho giáo viên; 4 trạm y tế xã được xây dựng đảm bảo đủ điều kiện khám chữa bệnh cho nhân dân địa phương.

Bên cạnh các tiểu dự án về xây dựng cơ bản, các dự án hỗ trợ mô hình nông nghiệp đã góp phần nâng cao trình độ thâm canh cho người dân. Các mô hình đã giúp cho người dân nắm được biện pháp kỹ thuật mới đem lại năng suất và nguồn thu nhập. Điển hình như mô hình thâm canh lúa nước ở Tích Cốc, người dân được tập huấn gieo mạ bằng phương pháp mạ ném, tốn ít công, thời gian lao động và cho năng suất cao; mô hình lúa lai hai vụ xen với thâm canh lạc, đỗ tương; nuôi cá lồng được người dân đánh giá là có kết quả tốt, năng suất thu hoạch cao hơn các giống cũ, phương pháp chăn nuôi truyền thống từ 20-25%, dễ làm, giải quyết được lao động phụ.

Từ khi các dự án được triển khai, năng suất cây trồng, vật nuôi tăng một cách rõ rệt, năng suất lúa tăng từ 155 lên 200 kg/sào, ngô từ 100 lên 130 kg/sào/vụ. Đời sống của 2.792 hộ dân vùng Dự án, chủ yếu là dân tộc Tày, Dao, Cao Lan đã có nhiều đổi thay. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 800.000 đồng/người/năm lên 2,6 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 30% theo tiêu chí cũ xuống 26% theo tiêu chí mới.

Để có những kết quả này, Ban Quản lý Dự án đã chủ động xây dựng kế hoạch hàng năm, cụ thể hoá các văn bản pháp quy phù hợp, phối hợp với các ngành chuyên môn, thực hiện chính sách an toàn-môi trường-đền bù giải phóng mặt bằng, kiểm toán, quyết toán vốn đầu tư đúng quy định, trong đó, phải kể tới tác động quan trọng của việc phân cấp và công khai hoá thông tin như là một biểu hiện của dân chủ cơ sở, để phát huy sức mạnh toàn dân trong vùng hưởng lợi tham gia.

Năm 2007 là năm cuối của Dự án, đến nay cơ bản huyện Yên Bình đã hoàn thành kế hoạch giao. Cái lợi mà Dự án đem lại cho người dân là rất lớn, đặc biệt là các mô hình nông nghiệp đối với người dân nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa. Cách phân chia các hộ thành các nhóm hộ (gồm cả các hộ không được hỗ trợ từ dự án) để có thể học hỏi lẫn nhau và có trách nhiệm với mô hình đã tham gia, đã đem lại hiệu quả tốt, bền vững và được nhân rộng rất nhanh. Chỉ tính riêng xã Phúc An, Dự án hỗ trợ cho hơn 200 hộ được trực tiếp tham gia làm mô hình, đã có 300-500 hộ học hỏi và áp dụng làm theo.

Hiện nay, người dân các xã vùng Dự án mong muốn được Nhà nước quan tâm tiếp tục đầu tư, được hướng dẫn trực tiếp trên đồng ruộng nhiều hơn giúp họ nâng cao kiến thức, xoá đói giảm nghèo.

Anh Dũng

Các tin khác
Diện tích rừng ở xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải được bảo vệ tốt. (Ảnh Trường Phong)

YBĐT - Để công tác PCCCR ở tỉnh Yên Bái hiệu quả, bền vững cần thực hiện tốt phương châm chỉ đạo là: "Phòng là chính - cứu chữa kịp thời", không để cháy lan và chủ động tổ chức huy động lực lượng theo phương án "4 tại chỗ".

Dệt thổ cẩm ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái). (Ảnh: Đức Thành)

YBĐT - Hai mươi mốt tuổi, cô gái bản Pá Khết Lò Thị Tuyên, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) lập gia đình. Sáu năm sau, vợ chồng và hai đứa con chị ra ở riêng với 1.800 mét vuông ruộng nước và 2 gian nhà tranh tre. Những lúc mùa màng thất bát, cái ăn cái mặc không đủ, Lò Thị Tuyên trăn trở không biết làm cách nào để cuộc sống ổn định, bớt kham khổ.

Lãnh đạo Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Lục Yên và lãnh đạo xã Minh Xuân kiểm tra công trình giếng nước được hỗ trợ từ Chương trình 134.

YBĐT - Qua hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết TƯ5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn thời kỳ 2001- 2010, kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã phát triển nhanh, góp phần đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn.

Cán bộ Chi cục thuế huyện Văn Chấn kiểm tra tình hình sản xuất gạch tại Công ty cổ phần Quang Thịnh để tháo gỡ khó khăn, tại điều kiện cho doanh nghiệp thu nộp ngân sách.

YBĐT - Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm tài chính, ngành thuế Yên Bái đang bước vào chặng thi đua nước rút, phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách năm 2007.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục