Hợp sức đẩy lùi nghèo đói
- Cập nhật: Thứ năm, 22/11/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cách đây chưa đây chục năm, nhiều gia đình chị em ở xã An Bình, huyện Văn Yên (Yên Bái) vẫn thuộc diện hộ đói nghèo. Nhất là vào thời điểm giáp hạt thì nhiều chị em phải đi làm thuê kiếm tiền mua gạo, vay mượn lương thực của bà con trong xã để sinh hoạt chờ thu hoạch lúa.
Hội phụ nữ xã An Bình tổ chức lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên.
|
Trước những khó khăn của nhiều gia đình chị em trong xã, Hội Phụ nữ xã An Bình đã có nhiều biện pháp hữu hiệu, tháo gỡ giúp chị em phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã tâm sự: "An Bình có điều kiện khá thuận lợi để phát triển kinh tế- xã hội. Có hệ thống đường giao bộ, đường sắt, đường thuỷ đi qua thuận tiện cho việc giao lưu trao đổi hàng hoá phát triển kinh tế. Song do trình độ dân trí của chị em không đồng đều, cộng với tập quán canh tác lạc hậu, thiếu kiến thức để áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi... Vì vậy tỷ lệ thuộc diện đói nghèo còn chiếm khá cao.
Nhằm tạo điều kiện giúp chị em vượt lên những khó khăn, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, Hội Phụ nữ xã xác định phải đẩy mạnh các phong trào thi đua để nâng cao nhận thức cho chị em như phong trào: "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc"; "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"; "Phụ nữ giúp nhau xoá đói giảm nghèo có địa chỉ"... Đặc biệt, Hội đã bám sát vào mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương và sự chỉ đạo của hội cấp trên để xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương mình, tạo điều kiện cho chị em có cơ hội học tập cùng nhau học tập tiếp thu những tiến bộ khoa học- kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi xoá đói giảm nghèo"; đề ra mục tiêu 100% hội viên và 85% phụ nữ trong xã được tham gia học tập, tiếp cận những kiến thức khoa học- kỹ thuật, áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình.
Thông qua các phong trào do hội cấp trên và Hội Phụ nữ xã phát động, đã có trên 1.991 chị em ở 8 chi hội thôn, bản trong xã nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Hội Phụ nữ xã đã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật huyện mở các lớp tập huấn kỹ thuật, trồng trọt, chăn nuôi cho trên 8.500 lượt hội viên và phụ nữ trong xã tham gia học tập. Đặc biệt, Hội đã vận động 80 hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia học 2 lớp xoá mù chữ; vận động chị em chuyển dịch mùa vụ, đưa giống lúa lai Trung Quốc vào sản xuất; canh tác sắn cao sản bền vững trên đất dốc; đầu tư chăn nuôi trâu, bò theo phương pháp bán công nghiệp...
Được tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học- kỹ thuật, chị em đã đầu tư mua giống lúa lai vào gieo cấy đạt trên 80% diện tích. Nhiều gia đình chị em đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng về đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi. Hội Phụ nữ xã đã ký hợp đồng uỷ thác với Ngân hàng Chính sách xã hội và các dự án tín chấp cho 447 lượt hội viên vay vốn với số tiền là trên 907 triệu đồng. Ngoài ra, Hội còn vận động chị em xây dựng quỹ hội được 14.500.000 đồng cho 134 lượt chị em vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế. Bằng nguồn vốn cho vay, chị em trong xã đã mua được 37 con trâu, 60 con bò, 20 con lợn nái về chăn nuôi; đầu tư mua 12 máy xay xát làm dịch vụ, mua máy làm đậu bán hàng ngày...
Cùng với các nguồn vốn thông qua Hội cho vay, Hội Phụ nữ xã còn phát động phong trào "Lá lành đùm lá rách". Lúc khó khăn, khi giáp hạt, chị em cho nhau vay 7.576 kg thóc, 16.570.000 đồng, 10.000 cây keo, quế giống, 1.000 kg giống lợn, gà và hàng trăm ngày công để giúp gia đình chị em nghèo sản xuất và sinh hoạt không lấy lãi... Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi nên năng suất lúa bình quân của xã đã tăng từ 51 tạ/ha/vụ lên 57 tạ/ha/vụ; năng suất sắn cao sản đạt từ 25- 28 tấn/ha; đàn trâu tăng từ 300 con năm 2001 lên gần 600 con năm 2007; đàn bò tăng từ 30 con lên trên 100 con. Do sử dụng tốt nguồn vốn vay kết hợp với việc áp dụng kiến thức trồng trọt, chăn nuôi vào phát triển kinh tế gia đình mà đời sống của gia đình chị trong xã được cải thiện hơn. Số hộ đói nghèo giảm từ 21% năm 2001 xuống 4% năm 2006 (theo tiêu chí cũ). Nhiều gia đình chị em sản xuất, kinh doanh giỏi có mức thu nhập từ 30- 50 triệu đồng/năm như hộ gia đình chị Hữu ở thôn 4, chị Bạn ở thôn 3, chị Vân thôn 2, chị Hiệp, chị Xuân ở thị tứ Trái Hút...
Trong những năm qua, Hội Phụ nữ xã An Bình đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc giúp đỡ chị em học tập, tiếp cận với những tiến bộ khoa học- kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất, chăn nuôi, xoá đói giảm nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của Đảng bộ xã đề ra, Hội Phụ nữ xã thực sự là chỗ dựa tin cậy cho chị em trong xã.
Trường Phong
Các tin khác
YBĐT - Nghề sản xuất và chế biến miến đao tại xã Phúc Lộc và Giới Phiên, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã có từ khá lâu. Hiện nay, toàn huyện tới 176 hộ tham gia sản xuất miến theo mùa vụ, sản lượng miến hàng năm đạt từ 500 - 700 tấn.
YBĐT - Năm 2007, Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của tỉnh Yên Bái ước đạt 11,6%, là năm thứ hai đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 2 con số và tăng trưởng đều ở cả 3 nhóm ngành; trong đó: nhóm nông - lâm - thủy sản tăng 5,7%, nhóm công nghiệp - xây dựng tăng 14,5%, nhóm dịch vụ tăng 15,4%.
YBĐT - Ngày 21/11, Ban chỉ đạo PCCCR huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã tổng kết công tác phòng cháy, chữa cháy rừng vụ đông xuân 2006 - 2007, triển khai nhiệm vụ năm 2007 - 2008.
YBĐT - Năm 2007, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã đưa vào gieo trồng khảo nghiệm một số giống lúa thuần ngắn ngày như: BT13, DT122, N46, AYT77, HT1 tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn (Yên Bái).