Sản xuất kinh doanh chè chưa tạo được đột phá!
- Cập nhật: Thứ năm, 29/11/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Năm 2007, được coi là năm sản xuất, kinh doanh chè có bước chuyển tốt, tổng sản lượng đạt 70 ngàn tấn, tăng 5 ngàn tấn so cùng kỳ nhưng giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác chỉ đạt 12 triệu đồng. Trên thị trường, đã có thêm một số sản phẩm chè mới là chè Ô Long, Bát Tiên... có giá bán cả trăm ngàn đồng/kg, nhưng số lượng rất ít, các doanh nghiệp vẫn chế biến chè đen là chính và chủ yếu bán qua các tổng công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh, số lượng xuất khẩu chưa đầy 500 tấn...
Bước vào niên vụ sản xuất năm 2006, người làm chè Yên Bái phấn khởi hơn bởi Ban thường vụ Tỉnh uỷ đã có Nghị quyết số 02-NQ/TU về phát triển, nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè, UBND tỉnh cũng đã có đề án phát triển chè đến năm 2010. Tổng nguồn vốn đầu tư cho Đề án phát triển chè giai đoạn 2006-2010 là trên 232 tỷ đồng.
Quan điểm, mục tiêu và những giải pháp phát triển sản xuất, chế biến chè rất cụ thể: "Phát triển chè đi vào chiều sâu, lấy chất lượng, giá trị và hiệu quả kinh tế là chính. Hình thành vùng sản xuất chè tập trung, có quy mô lớn và có chất lượng cao, chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.
Đến năm 2010, tổng diện tích chè toàn tỉnh ổn định 13 ngàn ha, tổng sản lượng búp đạt 100 nghìn tấn, sản phẩm chế biến đạt 20-22 ngàn tấn. Cơ bản trồng và cải tạo giống chè cũ bằng giống chè mới, chè nhập nội năng suất cao, chất lượng búp tốt đáp ứng cho nhu cầu chế biến. Đổi mới công nghệ chế biến bằng thiết bị tiên tiến, đa dạng hóa sản phẩm, chuyển dần từ chế biến chè thô sang chế biến chè tinh, xây dựng được 2 sản phẩm chè có thương hiệu trên thị trường, xuất khẩu trực tiếp 50% sản lượng chế biến. Doanh thu từ chè đạt 300-350 tỷ đồng, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 12-13 triệu USD. Tạo việc làm ổn định cho 25 ngàn lao động nông nghiệp và trên 1.700 lao động công nghiệp".
Có thể nói Nghị quyết 02-NQ/TU và đề án phát triển chè là rất phù hợp với tâm tư nguyện vọng của người làm chè. Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết và Đề án tình hình sản xuất - kinh doanh chè đã sáng sủa hơn, cuộc sống người làm chè khá hơn. Toàn tỉnh đã trồng mới, trồng cải tạo được 1.195 ha chè, đạt 53,4% mục tiêu Đề án; trong đó, trồng mới 202 ha, đạt 28%; trồng cải tạo 933 ha, đạt 65,3%. Cơ cấu giống có sự chuyển biến mạnh mẽ: chè Shan 12,6%, chè nhập nội 63,7%, chè lai LDP1, LDP2 chiếm 23,7% diện tích.
Song song với trồng mới, năng suất từ 55 tạ/ha năm 2005 đã nâng lên 62,5 tạ/ha năm 2007. Kết thúc kế hoạch năm 2007, nông dân và các doanh nghiệp chè đã trồng mới, trồng cải tạo 570 ha, người làm chè đã chú trọng trồng cải tạo giống chè cũ bằng giống chè mới, trồng vượt 54 ha. Đến nay, toàn tỉnh có 12.480 ha chè, tổng sản lượng chè búp thu hái đạt 70 ngàn tấn, tăng 5 ngàn tấn so với cùng kỳ.
Trong đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đã có 3 doanh nghiệp lắp đặt thêm dây chuyền chế biến chè đen CTC khá hiện đại đáp ứng nhu cầu thị trường là: Công ty cổ phần chè Văn Hưng, Công ty Chè Phú Tân và 1 dây chuyền chế biến chè xanh tại Nhà máy chè Nậm Búng (Văn Chấn). Sản phẩm chè Yên Bái đã được tiêu thụ tốt và có chỗ đứng trên thị trường như: chè đen CTC, Ô Long, Bát Tiên, chè xanh vùng cao...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt, doanh nghiệp - nông dân vẫn chưa có sự liên kết chặt chẽ. Doanh nghiệp chưa có chiến lược sản xuất từ vùng nguyên liệu đến chế biến sản phẩm và thích ứng với cơ chế thị trường. Trong tháng 3, tháng 4 năm 2007, nạn "chè vàng" đã làm cho các doanh nghiệp chao đảo, bởi không thu mua nổi nguyên liệu. Việc đổi mới công nghệ rất chậm. Hầu hết vẫn sản xuất trên dây chuyền lạc hậu và sản xuất chè bán thành phẩm là chính; sản phẩm không đủ sức cạnh tranh trên thị trường dẫn đến lượng xuất khẩu ít.
10 tháng đầu năm, mới xuất khẩu đạt chưa đầy 500 tấn, còn khoảng 14 ngàn tấn chè khô bán qua Tổng công ty Chè Việt Nam và các doanh nghiệp ngoài tỉnh. Nếu cứ sản xuất như hiện nay, thì mục tiêu đến năm 2010 xuất khẩu đạt 13 triệu USD như trong Đề án khó thành hiện thực. Việc trồng mới, cải tạo giống chè về tiến độ là đạt khá, nhưng trong cơ cấu giống trồng như hiện nay, cần phải xem lại và có tính toán hợp lý.
Chè Yên Bái, giờ đã có một tập đoàn giống. Đó là giống chè trung du, chè lai LDP1, LDP2 rồi đến các giống nhập nội như Bát Tiên, Kim Tuyên, Thuý Ngọc, Phúc Vân Tiên... Nhưng mỗi nơi chỉ trồng vài ba ha thì làm sao mà thành hàng hoá được? Như huyện Lục Yên, vài năm trước đòi hỏi phải xây dựng nhà máy để thu mua nguyên liệu cho dân. Lâm trường Lục Yên đã vay vốn ngân hàng đầu tư trên 4 tỷ đồng, xây dựng nhà máy chế biến chè xanh khá hiện đại. Nhà máy khánh thành, người dân vẫn không chịu trồng chè, thế là nhà máy lại phải chờ nguyên liệu.
Thực hiện kế hoạch trồng mới trong năm 2007, huyện Lục Yên tiếp tục không hoàn thành kế hoạch trồng mới chè. Trong vài chục nhà máy, doanh nghiệp chế biến hiện nay không có một doanh nghiệp nào có sản phẩm hoàn chỉnh bán tới người tiêu dùng.
Qua những thực tế trên, cho thấy ngành chè Yên Bái vẫn chưa có được những bước đột phá như mong muốn. Nếu cứ đổi mới chậm như hiện nay, thì những mục tiêu mà Đề án đặt ra khó mà hoàn thành được, ngoại trừ diện tích trồng mới, trồng cải tạo. Thiết nghĩ, ngành nông nghiệp, các huyện thị và các doanh nghiệp chè vào cuộc quyết liệt hơn, năng động hơn nữa.
Ngọc Trúc
Các tin khác
YBĐT - Năm 2007 là năm thứ hai, ngành Thuế huyện Trấn Yên thực hiện kế hoạch 5 năm (2006-2010). Đây là một năm dự đoán sẽ gặp không ít khó khăn bởi các khoản thu từ đất giảm mạnh, nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng cũng chững lại...
YBĐT - Mục tiêu của đợt thanh tra là: xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân kinh doanh MBH xe máy hoặc để khuyến mại cho hoạt động của mình mà không đạt tiêu chuẩn bắt buộc TCVN 5756: 2001 hoặc TCVN 6979: 2001 theo quy định, nhằm bảo vệ quyền lợi và đảm bảo an toàn cho người sử dụng; góp phần nâng cao nhận thức cho các cơ sở kinh doanh MBH và các cơ sở dùng MBH để khuyến mại cho hoạt động kinh doanh.
YBĐT - Sở KH&CN, Sở Tài chính, Sở NN&PNT tỉnh Yên Bái đã tiến hành kiểm tra tiến thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp tại huyện Trạm Tấu", do UBND huyện Trạm Tấu thực hiện.
YBĐT - Nhãn hiệu hàng hóa và uy tín là hai thứ không thể thiếu được đối với mọi doanh nghiệp. Nó là sức mạnh là năng lực kinh doanh, lợi nhuận là sự thành bại của doanh nghiệp.