Trần Phú mùa quả ngọt

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/12/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Cam Trần Phú ngọt thanh, hình thức đẹp, đem về thành phố bán rất chạy nên có bỏ nhiều vốn cũng không lo, chỉ cần mua được nhiều hàng.

(Ảnh: Minh Thuý)
(Ảnh: Minh Thuý)

Dẫn đường cho chúng tôi lần này là Thực - một thương lái chuyên "chạy" hàng hoa quả tươi ở thành phố Yên Bái. Mỗi ngày Thực đưa ô tô đến trung tâm thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, sau đó đi xe máy đến từng nhà để mua hàng, gom hàng. Mỗi nhà dăm ba tạ, có nhà mua cả vườn gần chục tấn quả, vốn phải vài chục triệu đồng.

 

"Cam Trần Phú ngọt thanh, hình thức đẹp, đem về thành phố bán rất chạy nên có bỏ nhiều vốn cũng không lo, chỉ cần mua được nhiều hàng" - anh Thực cho biết. Thị trấn Nông trường Trần Phú hơn chục năm nay đã nổi tiếng về sản phẩm cam, quýt.

 

Dọc đường vào Trần Phú, những vườn cam, quýt vàng rộm ôm lấy những nương chè. Lấp ló trong đó những ngôi nhà xây kiến trúc hiện đại tạo nên khung cảnh thật thơ mộng. Trước cổng nhà nào cũng có một mẹt cam, quýt để bán cho khách vãng lai. Chốc chốc lại từng đoàn ô tô, xe máy nối đuôi nhau chở hàng ngược ra Yên Bái.

 

Phó chủ tịch UBND thị trấn Phạm Bá Cường cho biết: "Mặc dù không được mùa như mọi năm nhưng sản lượng cam, quýt của Trần Phú cũng phải đạt 1700 tấn". Nhẩm tính với giá 3000 đồng/kg cam sen, cam chanh, quýt; 15.000 đồng/kg cam Đường canh bán tại vườn thì người dân thị trấn Nông trường đây cầm trong tay một số thu không nhỏ.

 

Bà Lê Thị Lựu khu 7 thu hoạch cam. (Ảnh Thanh Miền)

Với diện tích tự nhiên 1.882 ha, 1.600 hộ và 5.650 nhân khẩu, chủ yếu là người Kinh khai hoang những năm 60 của thế kỷ trước, những năm trước, thị trấn Nông trường Trần Phú được biết đến là "thủ phủ" của  cây chè, với diện tích đến 500 ha. Nay, Trần Phú lại nổi tiếng với vùng cây ăn quả 125 ha.

 

Bên vườn cam trĩu quả, bà Lê Thị Lựu - một hộ dân khu 7 cho biết: " Trước đây cam chỉ trồng để ăn chơi, những hơn chục năm trở lại đây khi có thị trường tiêu thụ, cam đã là cây trồng chủ lực thứ hai sau chè". Đó cũng là hướng phát triển kinh tế của hầu hết các hộ dân nơi đây.

 

Phong trào phá vườn tạp để trồng cây ăn quả như cam, quýt diễn ra mạnh mẽ, từ mỗi nhà vài chục đến vài trăm gốc đến nay, Trần Phú đã có diện tích 125 ha chủ yếu là cam. 10/13 khu (một khu tương đương 1 thôn) của Trần Phú có thể trồng mang lại thu nhập khá từ cây cam, tập trung nhất tại khu 7 và 8. Đến đây, thỉnh thoảng giữa những vườn cam trĩu quả lại mọc lên những ngôi nhà tầng được xây dựng với kiến trúc hiện đại mà có lẽ thành phố cũng ít người đủ tiềm lực kinh tế để xây dựng.

 

Dừng xe trước một vườn cam rộng chừng nửa ha còn nguyên màu đất mới, chủ vườn là anh Đặng Văn Ngả cho biết: "Cũng như nhiều nơi, cây cam Trần Phú cũng chịu sự phá hoại của sâu bệnh, đặc biệt là bệnh Greening, nhiều hộ dân phải đốn sạch vườn để trồng lại. Nhưng với nhu cầu, thị hiếu của thị trường hiện nay, cam Đường canh Trần Phú trái ngọt mát, hình thức đẹp, có giá trị cao gấp  5, 6 lần so với cam thường nên nhiều hộ đang tiến hành cải tạo vườn để duy trì".

 

Sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường, như một tất yếu, phong trào cải tạo vườn cam ở Trần Phú diễn ra mạnh mẽ. Đã có 40 ha trên tổng số diện tích cam thường được người dân cải tạo chuyển sang cam Đường canh. Sự góp mặt của cây cam đã giúp bộ mặt nông thôn Trần Phú ngày càng đổi thay: đường ô tô đến tận trung tâm các khu, tỷ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân đầu người đạt 6 triệu đồng/năm.

Để tạo được khu vườn trên nền ao cũ này, gia đình anh đã phải bỏ ra gần 40 triệu đồng san gạt mặt vườn, sau đó bỏ xuống tận Trung tâm Giống quốc gia tại Trường đại học Nông nghiệp I mua giống cam Đường canh chính gốc. Tổng số tiền đầu tư cho vườn cam đến giờ khoảng 50 triệu đồng nhưng với 200 gốc cam trồng mới, anh Ngả tin tưởng, chỉ sau vài vụ sẽ thu hồi cả gốc lẫn lãi. Niềm tin của anh hoàn toàn có cơ sở bởi ở hai khu này, từ cam, nhiều hộ đã có thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng như các ông: Nguyễn Văn Thông, Nguyễn Văn Thống, Bùi Văn Bắc, Đàm Hữu Hậu  ...

 

Những mùa quả ngọt hứa hẹn một cuộc sống ngày càng khấm khá. Chia tay Trần Phú, tôi chỉ lăn tăn một điều ,danh tiếng đã có nhưng thị trấn cần phải xây dựng danh tiếng ấy thành một thương hiệu để vị ngọt cam Trần Phú có thể mang đến mọi miền.

 

Nguyễn Đình

Các tin khác
Nhân dân xã Quang Minh (Văn Yên) thu hoạch sắn.

YBĐT - Vụ sắn năm 2007, nông dân các xã trong huyện Văn Yên (Yên Bái) trồng được 5.850 ha; trong đó, sắn công nghiệp trồng được trên 5.350 ha, tăng trên 1.398 ha so vụ sắn năm trước.

Toàn tỉnh thu hái trên 70.000 tấn chè nguyên liệu.

YBĐT - Từ đầu năm đến nay, người dân làm chè trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã sản xuất được trên 70.000 tấn chè búp tươi, tăng 5.000 tấn so với cùng kỳ năm 2006, năng suất bình quân đạt 62 tạ/ha.

YBĐT - Mặc dù đầu năm đã xảy ra dịch lở mồm long móng ở gia súc tại một số xã vùng cao thuộc Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, nhưng chăn nuôi trong tỉnh vẫn có sự phát triển khá.

YBĐT - Vụ đông này, trên khắp cánh đồng của xã Minh Tiến (Trấn Yên) đều được phủ một màu xanh bạt ngàn của cây rau màu ngắn ngày. Trong đó, Minh Tân là một trong 2 thôn của xã có đa số hộ dân chuyên trồng rau xanh cung cấp cho thị trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục