Kiên Thành: Hàng trăm hộ dân không đòi được tiền bán măng tre Bát Độ

  • Cập nhật: Thứ năm, 31/1/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Những ngày này, khi tết cổ truyền của dân tộc đến rất gần thì hàng trăm hộ nông dân ở xã Kiên Thành huyện Trấn Yên (Yên Bái) lại càng nóng lòng, sốt ruột chờ đợi được thanh toán tiền bán măng tre Bát độ để sắm tết, vui xuân. Đối với những hộ nghèo thì đã hết kiên nhẫn. Nhiều hộ đã lên xã và lên cả huyện Trấn Yên để hỏi cho ra nhẽ, nhưng kết quả nợ vẫn hoàn nợ.

Chăm sóc tre Bát Độ ở Kiên Thành. (Ảnh: Ngọc Tú)
Chăm sóc tre Bát Độ ở Kiên Thành. (Ảnh: Ngọc Tú)

Trong năm 2007 các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã nhiều lần thông tin về việc lãnh đạo huyện Trấn Yên phải chỉ đạo các địa phương có những biện pháp kiên quyết thì người nông dân mới bán sản phẩm măng Bát độ cho Công ty TNHH Vạn Đạt (gọi tắt là Công ty Vạn Đạt), cho dù, Công ty này mua măng tươi với giá thấp hơn so với giá thị trường. Thế nhưng, thật đáng buồn vụ thu hoạch măng tre Bát Độ đã kết thúc được gần 4 tháng, nhưng đến nay hàng trăm hộ dân ở xã Kiên Thành (huyện Trấn Yên) vẫn đang dở khóc, dở cười vì không thu được tiền bán măng. Số tiền mà nhiều nông dân trồng tre măng Bát Độ ở đây đang bị nợ lên tới trên 300 triệu đồng.

Những ngày này, khi cái tết cổ truyền của dân tộc đến rất gần thì hàng trăm hộ nông dân ở xã Kiên Thành huyện Trấn Yên lại càng nóng lòng, sốt ruột chờ đợi được thanh toán tiền bán măng tre Bát độ để sắm tết, vui xuân. Đối với những hộ nghèo thì đã hết kiên nhẫn. Nhiều hộ đã lên xã và lên cả huyện Trấn Yên để hỏi cho ra nhẽ, nhưng kết quả nợ vẫn hoàn nợ. Mặc dù, vụ thu hoạch măng tre Bát Độ đã qua gần 4 tháng nhưng những người nông dân vẫn không hiểu vì sao mình không được thanh toán tiền bán măng cho Công ty Vạn Đạt.

Chúng tôi gặp anh Phạm Tiến Chúc – một nông dân nghèo ở thôn Đồng Cát khi anh vừa lên UBND xã Kiên Thành để xin được thanh toán tiền bán măng Bát độ. Anh Chúc buồn rầu cho biết, cũng như những lần trước, lần này cán bộ xã vẫn trả lời anh là chưa có tiền để thanh toán. Anh Chúc kể: “Mặc dù gia đình là hộ nghèo trong thôn, nhưng năm 2005, tôi cũng mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng được 700 gốc tre Bát độ.

Cả gia đình dồn công chăm sóc nên diện tích tre Bát độ phát triển tốt, trong năm 2007 gia đình anh đã thu hoạch được trên 3 tấn măng tươi. Thời điểm đó giá măng tươi ngoài thị trường cao hơn giá Công ty Vạn Đạt mua tới 400-500 đồng/1kg nhưng theo chủ trương của xã, tôi vẫn đem bán hết cho Công ty Vạn Đạt được tổng số tiền là 7 triệu đồng. Với nhiều lý do khác nhau, Công ty Vạn Đạt mới chỉ thanh toán cho gia đình tôi 5,2 triệu đồng, hiện còn 1.800.000đ không biết vì sao mãi chưa được thanh toán”.

Có lẽ, khổ sở nhất vào thời điểm này ở xã Kiên Thành là anh Hà Văn Khích ở thôn Đồng Cát. Đã mấy năm nay anh Khích được Đảng ủy – UBND xã Kiên Thành giao cho nhiệm vụ là đầu mối thanh toán tiền bán măng tre Bát độ cho bà con nông dân của 3 thôn Đồng Cát, Cát Tường và Yên Thịnh. Chỉ là đầu mối thanh toán cho xã và cho Công ty Vạn Đạt, song hàng chục hộ dân của 3 thôn này chỉ biết đến tìm anh Khích để đòi nợ. Nhiều người không hiểu còn có những biểu hiện nghi ngờ anh Khích. Số tiền nợ mà anh Khích phải thanh toán cho dân hiện nay là 123 triệu đồng, nhà ít thì cũng dăm bảy trăm ngàn và nhà nhiều thì 4 đến 5 triệu đồng. Anh Khích cho biết, gia đình anh hiện cũng còn 8 triệu đồng vẫn không được ai thanh toán.

Ông Hà Đức Anh – Bí thư chi bộ thôn Đồng Cát, xã Kiên Thành thì tỏ ra rất bức xúc. Ông cho biết, vụ thu hoạch măng tre Bát độ năm 2007 người dân thôn ông cũng như ở xã Kiên Thành rất phấn khởi vì được mùa măng, giá cả lại cao hơn nhiều so với năm trước. Khi mới vào đầu vụ công tác thu mua măng tươi của Công ty Vạn Đạt cũng gặp nhiều khó khăn bởi nhiều hộ dân đã không bán cho Công ty vì Công ty mua với giá thấp hơn so với thị trường. Chính vì vấn đề này mà nhiều thôn và Ban chấp hành Đảng bộ xã Kiên Thành cũng đã bị huyện Trấn Yên kiểm điểm, phê bình. Thế rồi, những người có vai trò chủ chốt ở trong thôn như ông lại phải ngày đêm đi vận động nhân dân thực hiện đúng cam kết bán măng tre Bát độ cho Công ty Vạn Đạt.

Riêng ở thôn ông Anh sản phẩm măng tươi bán cho Công ty cũng lên tới hàng chục tấn. Ông Anh than thở: “Tết nhất đã đến gần, vậy mà hàng chục hộ dân vẫn không được thanh toán hết tiền, nhiều hộ dân cứ tìm đến ông để quở trách”. Ông bảo cứ cái đà này vụ thu hoạch sang năm sẽ không còn hộ dân nào bán măng cho Công ty Vạn Đạt và chắc chắn ông cũng không thể lặn lội để đi vận động bà con nữa.

Theo tìm hiểu chúng tôi được biết hiện nay còn trên 200 trăm hộ dân xã Kiên Thành chưa được thanh toán tiền bán măng Bát độ với số tiền lên tới trên 350 triệu đồng. Theo diễn giải của ông Hoàng Văn Lũy – Chủ tịch UBND xã Kiên Thành huyện Trấn Yên thì số tiền đó được Công ty Vạn Đạt trừ vào nguồn kinh phí Công ty đầu tư cho những hộ dân được tham gia trồng tre măng Bát độ trong năm 2007. Nhưng thực tế những hộ dân tham gia trồng năm 2007 lại không có liên quan gì đối với những hộ bán măng tươi cho Công ty.

Ông Chủ tịch UBND xã Kiên Thành cũng thừa nhận, việc giải quyết vấn đề này đối với xã hiện nay cũng đang rơi vào bế tắc. Như vậy, là đã rõ mọi công việc như: thu mua và thanh toán tiền cho người dân được Công ty Vạn Đạt huyện Trấn Yên ủy thác cho xã Kiên Thành. Thế nhưng thật trớ trêu và cũng không hiểu với cách tính toán như thế nào mà số tiền Công ty Vạn Đạt dành để đầu tư cho những hộ dân tham gia trồng tre măng Bát độ ở xã Kiên Thành trong năm 2007 lại được chính Công ty trừ vào tiền thu mua măng của những hộ dân đã trồng trước đó. Thật vô lý! Nhưng UBND xã Kiên Thành cũng đồng tình hưởng ứng. Vấn đề này chưa được giải quyết đang gây bức xúc trong  nhân dân nhất là đối với những người trồng tre măng Bát độ lâu năm ở Kiên Thành.

Huyện Trấn Yên và xã Kiên Thành cần quan tâm nhanh chóng giải quyết, tránh những ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của nhân dân, đồng thời tạo nên dư luận và mối nghi ngờ không tốt trong  nhân dân trước những chủ trương phát triển kinh tế của huyện.

  BT-MH

Các tin khác

YBĐT - Để giữ rừng, huyện Văn Chấn đã thành lập Trạm Kiểm lâm bản Dõng đóng tại xã Sơn Lương và có nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng ở 9 xã và 1 thị trấn. Từ khi có trạm, lực lượng kiểm lâm ở đây có lẽ không có đêm nào được ngủ yên bởi tình trạng vận chuyển, buôn bán vẫn diễn ra liên tục. Nhưng hôm nay, tình hình ở bản Dõng đã bình yên, tình trạng khai thác lâm sản đã cơ bản được kiềm chế, rừng đang dần xanh trở lại.

Ngày 31.1, các công ty kinh doanh gas tại TP.HCM sẽ giảm giá gas bán lẻ xuống 5.000 đồng/bình (12 kg).

Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh một loạt lãi suất chủ chốt của tiền đồng gồm lãi suất cơ bản, tái cấp vốn và chiết khấu nhằm kiểm soát tiền tệ chặt chẽ hơn và kiềm chế lạm phát.

Kể từ ngày 1/2, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu sau hơn hai năm giữ ổn định (từ tháng 12-2005 đến nay). Cụ thể, lãi suất cơ bản từ 8,25% tăng lên 8,75%/năm; lãi suất tái cấp vốn từ 6,5% tăng lên 7,5%/năm; lãi suất chiết khấu từ 4,5% tăng lên 6%/năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục