Nậm Có mùa Sơn Tra
- Cập nhật: Thứ năm, 9/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cây Sơn tra là loài cây bản địa, thân gỗ, sống lâu, cao khoảng 7 đến 10 mét, gỗ cứng có thể dùng làm nhà cửa sau khi cây già cỗi, lá mềm tự phân huỷ nhanh, đây là một ưu điểm ít gây cháy rừng. Nếu chăm sóc tốt khoảng 5 năm đến 6 năm có thể cho thu hoạch quả và cây Sơn tra có thể sống tới trên 60 năm tuổi.
Hàng năm cứ vào độ tháng 8 đến tháng 10, cậu bé Vàng A Lầu, bản Thào A Chải, xã Nậm Có (huyện Mù Cang Chải) lại cùng thanh niên trong bản lên rừng hái Sơn tra (táo mèo) gùi xuống xã bán. Đã nhiều năm nay nhờ hái Sơn tra mà cậu đã học được hết lớp 9. Đã gắn bó với người Mông từ lâu, nhưng chỉ vài năm gần đây quả Sơn tra mới thực sự mang lại hiệu quả kinh tế.
Tại điểm thu mua chợ xã Nậm Có, mới sáng sớm mà đã có 5-6 thương lái nằm chờ. Một thương lái ở Tú Lệ cho biết: “Chúng tôi đã thu mua Sơn tra ở đây nhiều năm. Vào vụ, mỗi ngày mua được khoảng 2 tấn, giá dao động từ 1.000đ đến 5.000đ một kg, tính bình quân khoảng 3.500 đồng/kg”.
Chúng tôi nhẩm tính, với giá 3.500 đồng/kg, thì mỗi ngày người dân ở đây thu được 7 triệu đồng, đến hết vụ người dân cũng thu được cả tỷ đồng chứ không nhỏ. Hỏi chuyện mấy chị vừa gùi táo xuống bán, thì chỉ thấy lắc đầu, cậu bé Vàng A Lầu bản Thào A Chải, chạy đến hồ hởi vì vừa bán được giá cao: “Chị mình không nghe được tiếng Kinh đâu, để mình nói cho. Mình học hết lớp 9 rồi, những ngày nghỉ mình lại lên rừng hái táo bán, mỗi ngày cũng được gần 100 nghìn”.
Vàng A Lầu cho biết thêm, cậu đang học lớp 10 nhưng vừa mới bỏ để về giúp gia đình. Theo người dân xã Nậm Có đã nhiều năm gắn bó với cây Sơn tra thì so với các loại quả khác như: mận, đào... ở đây thì thời gian cất giữ quả Sơn tra được lâu hơn. Quả nếu không bị dập thì có thể để được hàng tháng trời không bị thối, rất dễ bảo quản, kể cả vận chuyển đi xa hoặc để lâu cũng ít bị hỏng.
Chiếc Win 100 cõng chúng tôi nhảy tưng tưng trên con đường dốc dựng ngược lên các bản Lùng Cúng, Phình Ngài, Làng Giàng, Tà Ghênh của xã Nậm Có đã có nhiều đổi thay.
Còn nhớ năm 2006, để đến được các bản này chúng tôi phải đi bộ cả ngày đường, còn bây giờ chỉ mất chút thời gian ngồi xe máy rồi đi bộ khoảng 2 giờ là có thể lên được, đó là kết quả của Chương trình 135. Dọc đường, chốc lát chúng tôi lại gặp từng nhóm người Mông gùi Sơn tra xuống chợ xã.
1 kg quả sơn tra tươi giá trị bằng 1,5 kg thóc Hiện nay, sản lượng quả sơn tra tươi ở Mù Cang Chải ước tính 30.000 – 40.000 tấn/vụ. Ngoài tác dụng làm thuốc, quả sơn tra được chế biến thành ô mai, ngâm tươi, làm rượu vang… Do vậy, việc tiêu thụ quả sơn tra những năm qua rất thuận lợi. Giá 1 kg sơn tra loại to tại Nậm Có, Khao Mang, Lao Chải và chợ trung tâm Mù Cang Chải có lúc lên tới 6.000 đồng, trong khi giá thóc là 4.500 đồng/kg. Trong khi còn lúng túng, chưa xác định được giống cây chủ yếu để trồng rừng sản xuất, thì mở rộng diện tích cây sơn tra ở Mù Cang Chải là việc rất nên làm. Q.K |
Anh Hảng A Sa - Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: “Vài năm gần đây quả Sơn tra đã góp phần mang lại nguồn thu cho người dân vùng cao, từ việc thu hái bằng cách chặt cả cây xuống, thì nay người dân đã cẩn thận chèo cây hái từng quả. Thay đổi nhận thức này đã cho thấy lợi ích của cây Sơn tra”.
Được biết xã hiện có 200 ha cây Sơn tra, sản lượng hàng năm khoảng 200 tấn nhưng phần lớn diện tích này mọc tự nhiên, việc hái Sơn tra xã cũng không thể quản lý được.
Hiện nay toàn xã có 7.000 ha rừng tự nhiên và có trên 1.500 ha rừng trồng phòng hộ. Đây là điều kiện rất thuận lợi để Nậm Có mở rộng diện tích Sơn tra. Cây Sơn tra là loài cây bản địa, thân gỗ, sống lâu, cao khoảng 7 đến 10 mét, gỗ cứng có thể dùng làm nhà cửa sau khi cây già cỗi, lá mềm tự phân huỷ nhanh, đây là một ưu điểm ít gây cháy rừng. Nếu chăm sóc tốt khoảng 5 năm đến 6 năm có thể cho thu hoạch quả và cây Sơn tra có thể sống tới trên 60 tuổi. Một số bản như: Tà Ghênh, Lùng Cúng... người dân đã bắt đầu trồng thử.
Trên thị trường hiện đã suất hiện nhiều sản phẩm từ Sơn tra như: ngâm rượu, ngâm đường, làm ô mai, dấm, đặc biệt là tác dụng của Sơn tra trong Đông y. Ở tỉnh bạn Sơn La năm 2005 đã có một nhà máy chế biến rượu vang Sơn tra tại huyện Bắc Yên. Nhà máy này đã thu mua toàn bộ Sơn tra trong dân ổn định, góp phần tăng hiệu quả kinh tế của Sơn tra.
Còn tại tỉnh Yên Bái, diện tích Sơn tra của 3 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn khoảng trên 3.000 ha. Với thế mạnh về kinh tế, tác dụng trong phòng hộ rất phù hợp với điều kiện ở vùng cao thì Sơn tra có thể tiếp tục phát trển tăng thêm về diện tích.
Huyện Trạm Tấu vừa qua đã trồng thử nghiệm 30 ha Sơn tra tại bản Tà Xùa, xã Bản Công. Đến nay sau 2 tháng số diện tích này đang phát triển khá tốt. Vấn đề đặt ra là thị trường, làm sao để tiêu thụ một cách ổn định quả Sơn tra trong dân, tránh tình trạng như hiện nay, giá Sơn tra bị tư thương thao túng, áp đặt ép giá thu mua, làm thiệt thòi cho nhân dân vùng cao...
Anh Dũng
Các tin khác
YBĐT - Đến nay, 12/12 xã thị trấn của huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã có đường ô tô đến trung tâm, 46/69 thôn bản có đường ô tô và xe máy. Huyện còn có 14 cầu treo, 8 cầu bê tông cốt thép qua suối. Đáng nói hơn đó là, chất lượng đường tiếp tục được nâng lên.
YBĐT - Nhờ mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ, trang thiết bị, nắm bắt tốt các nhu cầu mới của thị trường, năng động trong kinh doanh mà YBC- từ một doanh nghiệp Nhà nước trì trệ trong sản xuất kinh doanh đã vươn lên đứng đầu các doanh nghiệp địa phương.
Sáng 9/10, Công ty Khí hóa lỏng Miền Bắc đã giới thiệu ra thị trường bình gas bằng chất liệu composite.
YBĐT - Hiện lực lượng quản lý thị trường Yên Bái đang tăng cường kiểm tra các chợ đầu mối, các điểm bán buôn; các phương tiện vận chuyển hàng hoá đồng thời bám sát địa bàn các xã vùng cao, vùng xa, ngăn chặn việc đưa hàng giả, hàng kém chất lượng về địa bàn tiêu thụ.