Lục Yên (Yên Bái): Vốn nghèo không đến được người nghèo
- Cập nhật: Thứ tư, 12/11/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Những năm gần đây, hộ nghèo đã được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước về giáo dục, y tế cũng như được vay vốn lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống. Mỗi năm Ngân hàng Chính sách xã hội Lục Yên cho vay hàng chục tỷ đồng, thế nhưng nguồn vốn vay ưu đãi này lại chưa đến đến được tay hộ nghèo.
Phụ nữ xã Lâm Thượng (Lục Yên) trả lãi vốn vay từ Tổ chức Cứu trợ trẻ em Nhật Bản.
|
Vốn... đi đâu?
Tháng 5 năm 2008, biết được thông tin hộ nghèo được vay vốn ưu đãi chỉ với lãi suất 0,65%/ tháng, gia đình anh Nguyễn Văn Yên, thôn 3, xã Tân Lĩnh làm thủ tục vay 3 triệu đồng, nhưng đã bị cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lục Yên, phụ trách địa bàn xã Tân Lĩnh, từ chối với lý do không còn vốn. Anh Triệu Văn Trúc, Trưởng thôn 3 cho biết: "Thôn có 9 hộ nghèo trong đó nhiều hộ có nhu cầu bức thiết về vốn để phát triển sản xuất, tuy nhiên từ đầu năm đến nay chưa hộ nào được vay vốn".
Xã Tân Lĩnh có 1.400 hộ dân, trong đó có 212 hộ nghèo, chiếm 15,45%. 6 tháng đầu năm 2008, số vốn vay hộ nghèo giải ngân ở xã là gần 200 triệu đồng. Việc cho vay được thông qua các tổ chức đoàn thể: Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lục Yên. Các hộ được vay đều phải qua bình xét ở thôn, sau đó lập danh sách lên xã ký duyệt. Tuy nhiên trên thực tế chỉ có 15/212 hộ nghèo có sổ được vay vốn. Cá biệt như thôn 8 chỉ có 1 hộ nghèo nhưng không được vay trong khi có tới 36 món vay của nguồn vốn Giảm nghèo đã được giải ngân tại thôn. Thôn 9, thôn 10 có 4 hộ nghèo, 4 hộ không được vay vốn nhưng có 60 món vay từ nguồn vốn Giảm nghèo giải ngân.
Tiếp tục tìm hiểu xem việc nguồn vốn vay hộ nghèo có đến được với người nghèo, chúng tôi tìm đến xã Tô Mậu. Là một xã thuần nông, Tô Mậu có 600 hộ dân, trong đó có 239 hộ nghèo. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 32 hộ nghèo được vay vốn ưu đãi chiếm tỷ lệ 14% và chỉ có 7 hộ là vay phát sinh trong 6 tháng đầu năm 2008.
Trưởng thôn Nà Hoả, anh Nguyễn Quốc Điệp cho biết: "Nà Hoả có 70 hộ dân thì 50% là hộ nghèo. Đất đai nhiều nhưng chỉ toàn núi đá nên người dân trong thôn rất thiếu đất canh tác, diện tích có thể khai hoang được thì lại không có nguồn nước. Chính vì vậy, nhu cầu về vốn sản xuất, chăn nuôi là rất lớn. Xã cũng đặc biệt quan tâm, đến nay đã giải ngân cho xã được 100 triệu đồng nguồn vốn vay Giảm nghèo cho 15 hộ và tới đây sẽ giải ngân 100 triệu nữa". Theo như anh Điệp nói thì đây là một tín hiệu rất đáng mừng, tuy nhiên thực tế trong 6 tháng đầu năm nay số vốn này đến được tay người nghèo lại rất thấp, chỉ có 6 hộ được vay trên tổng số 34 hộ nghèo.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo 6 tháng đầu năm 2008 đạt 33,249 tỷ đồng, bằng 80,8% kế hoạch năm. Như vậy, có thể thấy tiến độ giải ngân cho vay hộ nghèo rất khả quan, là động lực rất lớn giúp cho hộ nghèo có vốn sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Nhưng thực tế số tiền này đến được bao nhiêu hộ nghèo?
Đây là câu hỏi không khó giải đáp. Thực tế qua một khảo sát mới đây của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại xã Tân Lĩnh và Tô Mậu cho thấy, 6 tháng đầu năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo được vay vốn tại Tân Lĩnh là 7%, Tô Mậu là 14%. Điều này đã phần nào làm giảm ý nghĩa và hiệu quả của các chương trình xoá đói giảm nghèo ở địa phương.
Lo... không thu hồi được vốn!
Việc xét duyệt không đúng đối tượng vay vốn có nguyên nhân vì mục tiêu bảo toàn vốn và bảo toàn tỷ lệ phần trăm hoa hồng từ lãi suất thực thu, dẫn đến tổ trưởng tổ tiết kiệm tín dụng và các tổ chức đoàn thể tham gia uỷ thác không cho hộ nghèo nguy cơ rủi ro cao không có khả năng chi trả vay vốn mà chuyển hướng ưu tiên sang nhóm đối tượng có khả năng thu hồi vốn và gây lãi từ nguồn vốn được cấp.
Việc Ngân hàng Chính sách xã hội giao uỷ thác toàn bộ cho các tổ tín dụng cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Thực tế, một trong những nguyên nhân của nghèo đói là do bản thân người nghèo không biết làm ăn, không có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, trong khi để được vay vốn ưu đãi, hộ nghèo phải đề xuất được phương án kinh doanh của mình, vấn đề tưởng như đơn giản nhưng lại rất khó với người nghèo.
Mặt khác, ban chỉ đạo giảm nghèo cấp xã lại quản lý thiếu chặt chẽ, dẫn đến khi xác nhận danh sách cho vay do tổ tín chấp lập không căn cứ và danh sách hộ nghèo của xã, xác nhận cho vay thiếu trách nhiệm, không đúng đối tượng. Sự thiếu trách nhiệm này còn thể hiện ở việc đề ra chỉ tiêu giảm nghèo nhưng xã lại không có danh sách cụ thể các hộ nằm trong kế hoạch thoát nghèo của năm. Từ đó không có căn cứ để phân công các tổ chức đoàn thể, các cán bộ, đảng viên trực tiếp giúp đỡ, tìm nguyên nhân và biện pháp xoá nghèo phù hợp cho từng hộ.
Khi đem vấn đề trên trao đổi với đồng chí Nông Văn Lịnh - Chủ tịch UBND huyện Lục Yên, đồng chí khẳng định, công cuộc xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm là ưu tiên hàng đầu của huyện, trong đó, giúp hộ nghèo có vốn sản xuất kinh doanh là động lực quan trọng để xoá đói nghèo. Tuy nhiên, không phải hộ nghèo nào cũng có nhu cầu vay vốn, trong đó lại cũng có những hộ lười lao động, không có phương án sử dụng nguồn vốn hiệu quả, nếu giải quyết cho các hộ này vay thì xác suất có thể thu hồi vốn là rất thấp. Trong thời gian tới, Lục Yên sẽ tiếp tục rà soát lại hộ nghèo, quán triệt tới các tổ chức đoàn thể việc thực hiện cho vay đúng đối tượng, siết chặt công tác quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, uốn nắn kịp thời, đồng thời kiên quyết xử lý những cán bộ vi phạm.
Bằng sự nỗ lực của các ngành, các cấp, công tác giảm nghèo ở các địa phương đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Thế nhưng, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, hộ nghèo và các gia đình có thu nhập thấp lại đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Mà một trong những nguyên nhân là do lười lao động, vay vốn ngân hàng nhưng không để sản xuất mà để ăn, hoặc không biết làm ăn để mất vốn.
Song bên cạnh đó, có rất nhiều hộ nghèo cần được giúp đỡ vay vốn để phát triển sản xuất. Chính quyền địa phương cần có biện pháp giáo dục, hướng dẫn các hộ lười lao động, không biết làm ăn và cho họ vay vốn và cách sử dụng hiệu quả đồng thời cần quan tâm hơn tới những hộ nghèo cần vốn biết phát triển sản xuất.
Vốn ưu đãi có hạn, nếu như cứ xác nhận cho hộ nghèo rộng rãi như hiện nay ở một số xã Lục Yên thì còn rất lâu "vốn vay hộ nghèo" mới giúp được họ thoát nghèo.
Anh Dũng
Các tin khác
Hãng hàng không giá rẻ AirAsia từ ngày 11-11 bắt đầu bỏ hoàn toàn phụ phí xăng dầu cho tất cả các chuyến bay quốc tế và nội địa, kể cả các chuyến bay đường dài.
Trước tình trạng ế ẩm liên tục trong nhiều tháng liên tiếp, đồng thời để đón đầu mùa mua sắm cuối năm, nhiều nhà sản xuất ôtô trong nước như Toyota, Vidamco, Ford...đã liên tiếp tung ra các chương trình giảm giá, khuyến mại lớn.
YBĐT - Xã An Thịnh, huyện Văn Yên (Yên Bái) là địa phương có diện tích tự nhiên lớn tới 2.650 ha, với 1.832 hộ dân sinh sống ở 18 thôn bản. Đặc thù của An Thịnh là xã thuần nông, diện tích lúa 2 vụ 250 ha, đất trồng ngô bãi 3 vụ/ năm 96 ha, đất trồng khoai lang và rau mầu khác trên 20 ha...
Cuộc họp giữa các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước với đại diện Bộ Công Thương, ngày 10/11, trong sự tranh luận gay gắt giữa các bên vẫn chưa tìm được giải pháp hữu hiệu nhằm cứu một nửa doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đang bên bờ phá sản.