Văn Chấn: Thực hiện dự án trồng rừng 661
- Cập nhật: Thứ tư, 12/11/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nằm trên địa bàn phía Tây Nam của tỉnh Yên Bái, huyện Văn Chấn có tổng diện tích tự nhiên là 121.090ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm 85.298,6ha. Do địa hình chia cắt thành 2 vùng khí hậu tương đối rõ, ảnh hưởng không nhỏ tới quy hoạch phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp.
Kiểm tra rừng trồng tại xã Sơn Thịnh (Văn Chấn). (Ảnh: Thanh Phúc)
|
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về trồng mới 5 triệu ha rừng, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban để chỉ đạo tổ chức thực hiện. Đồng thời có sự phối hợp giữa địa phương với Viện Điều tra quy hoạch rừng tỉnh Yên Bái rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng. Kết quả phân theo chức năng có đất lâm nghiệp phòng hộ đầu nguồn là 25.808ha, nằm trên địa bàn 21 xã; đất lâm nghiệp sản xuất với diện tích 59.490ha thuộc 30 xã và thị trấn; đất lâm nghiệp đặc dụng không có.
Với chủ trương xã hội hoá công tác bảo vệ và phát triển rừng, trong những năm qua huyện đã tiến hành giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các hộ, nhóm hộ, cộng đồng thôn bản. Tính đến tháng 9 năm 2008, đã giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên được 19.103ha; bảo vệ rừng trồng phòng hộ được 248,6ha. Uỷ ban nhân dân huyện cũng chỉ đạo các ngành chức năng tiếp nhận hồ sơ bàn giao diện tích rừng và đất lâm nghiệp từ Lâm trường Văn Chấn và Lâm trường Ngòi Lao với diện tích 32.750ha; tiến hành rà soát lại diện tích và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến nay, thực hiện được 6.000 bộ hồ sơ và đang tiếp tục triển khai cấp giấy chứng nhận cho các xã và thị trấn trong thời gian tiếp theo. Mục tiêu đến năm 2011, tất cả rừng tự nhiên, rừng trồng và đất lâm nghiệp được giao, cho thuê đến các chủ rừng thuộc mọi thành phần kinh tế, ưu tiên khu vực cộng đồng, hộ gia đình như định hướng chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2020.
Thực hiện kế hoạch trồng rừng mới năm 2008, Ban quản lý Dự án huyện mà Hạt Kiểm lâm là cơ quan thường trực đã chỉ đạo các xã, thị trấn trồng mới 1.298,22 ha; cấp trên 2,3 triệu cây giống cùng 386 tấn phân bón để tiến hành trồng mới và trồng dặm diện tích rừng bị chết trong đợt rét đậm, rét hại đầu năm. Đồng thời cũng tiến hành lập hồ sơ, ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên phòng hộ trên địa bàn 21 xã cho 64 nhóm hộ với diện tích 19.103ha; bảo vệ rừng trồng phòng hộ là 248,6ha; bảo vệ rừng tự nhiên sản xuất 23.114ha và chăm sóc rừng trồng sản xuất năm thứ 2, rừng trồng phòng hộ năm thứ 3, thứ 4 với diện tích gần 1.250ha.
Kết quả từ khi thực hiện Dự án đến nay đã trồng mới rừng phòng hộ được 6.060ha, bảo vệ rừng tự nhiên phòng hộ 9.347ha, khoanh nuôi tái sinh 15.857,8ha. Các chương trình phát triển rừng đã nâng diện tích đất có rừng và tỷ lệ tán che phủ lên đáng kể. Nếu năm 1998, diện tích đất có rừng là 46.000ha, tỷ lệ tán che phủ của huyện 38% thì đến năm 2007 diện tích đất có rừng là 64.398,64ha, tỷ lệ tán che phủ là 51,5%.
Với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư của trung ương và tỉnh, rừng Văn Chấn phát triển tốt và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ gia đình ở Tân Thịnh, Bình Thuận, Thượng Bằng La của vùng ngoài hay Sơn A, Nậm Búng của vùng trong giàu lên từ rừng. Tuy vậy, tình trạng bao chiếm đất trong một bộ phận dân cư, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã nảy sinh tình trạng người muốn trồng rừng thì không có đất mà người có đất lại chưa có nhu cầu trồng rừng, ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả thực hiện Dự án. Tập quán chăn thả rông gia súc còn khá phổ biến trong nhân dân các xã vùng dự án tác động không nhỏ tới chất lượng rừng phòng hộ.
Hiện nay, kinh phí đầu tư cho trồng rừng; quản lý, phòng cháy chữa cháy rừng còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ, thâm canh nâng cao giá trị kinh tế của rừng nói chung và rừng sản xuất nói riêng. Người dân tham gia làm rừng lại chưa thực sự sống được bằng nghề rừng nên chưa gắn bó, thiết tha với nó. Thậm chí có nơi người dân sống gần rừng nhưng do đời sống gặp khó khăn đã xâm lấn đất rừng để làm nương rẫy, tranh chấp đất và sử dụng không theo quy hoạch, cá biệt còn tiếp tay cho lâm tặc khai thác lâm sản trái phép. Chính vì vậy, cần có chính sách tăng suất đầu tư và kéo dài thời gian hỗ trợ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng đối với một số loài cây như: thông, mỡ.. vì sau 5 năm những loại cây này chưa thể có nguồn thu nhập. Cũng cần tăng mức đầu tư trồng rừng phòng hộ từ 6 triệu đồng/ha trở lên.
Với Văn Chấn, do địa hình đồi núi, giao thông khó khăn nên chi phí vận chuyển, khai thác lâm sản lớn dẫn đến thu nhập từ rừng đạt thấp, kém hiệu quả. Bên cạnh đó, các cơ sở chế biến gỗ rừng chưa phát triển và phải vận chuyển đến các địa phương khác để tiêu thụ khiến người làm rừng có thu nhập không lớn. Vì vậy, việc thu hút các dự án về phát triển lâm nghiệp miền núi, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại VACR để tiếp tục củng cố mở rộng phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng, tạo tiền đề cho công nghiệp chế biến gỗ của huyện phát triển là vô cùng cần thiết.
Đồng thời Trung ương cùng tỉnh cũng cần có chính sách chuyển đổi một số diện tích rừng nghèo, rừng phòng hộ hiệu quả thấp sang trồng rừng sản xuất cho nhân dân quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng, tạo thu nhập cho người làm rừng. Có như vậy, việc trồng mới rừng ở Văn Chấn mới phát triển bền vững, góp phần vào thành công của Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ.
Thế Quynh
Các tin khác
YBĐT - Ngày 12/11/2008, Tỉnh uỷ Yên Bái đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác vận động và thu hút đầu tư (giai đoạn 2006 - 2008). Đến dự Hội nghị có các đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Ngọc - Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực UBND tỉnh, các sở, ban ngành và chủ tịch UBND các huyện, thị trong tỉnh.
YBĐT - Ngày 12/11/2008, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị tuyên truyền hướng dẫn pháp luật trong kinh doanh thương mại cho các doanh nghiệp tư nhân, chủ hộ kinh doanh.
YBĐT - Công ty cổ phần tư vấn Xây dựng giao thông Yên Bái thực hiện cổ phần hoá năm 2000, sau hơn 8 năm hoạt động theo mô hình cổ phần hoá, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng giao thông Yên Bái đã không ngừng lớn mạnh cả về quy mô và chất lượng hoạt động.
YBĐT - Yên Bái là một trong các tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều lợi thế trong phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi trâu, bò. Song, hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Làm gì để phát triển và đưa chăn nuôi trở thành hàng hoá mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần xoá đói giảm nghèo cho nông dân vẫn là câu hỏi chưa lời giải.