Giải pháp trong công tác thu ngân sách ở Văn Yên

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/3/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong những năm gần đây, chỉ tiêu pháp lệnh và mục tiêu phấn đấu thu ngân sách Nhà nước của huyện Văn Yên (Yên Bái) không ngừng tăng. Mặc dù vậy, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là những giải pháp mang tính quyết định của cơ quan thuế đã bảo đảm cho việc thực hiện một trong những nhiệm vụ kinh tế quan trọng thành công tốt đẹp, giữ vững truyền thống của một địa phương luôn giành thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước.

Theo ông Đặng Ngọc Luân - Phó chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Văn Yên, Năm 2009, Văn Yên được giao thu 19 tỷ 250 triệu đồng, huyện xây dựng mục tiêu phấn đấu thu 20 tỷ 750 triệu đồng. Đây là một mục tiêu khó khăn bởi không chỉ số thu tăng hơn nhiều so với mức đã đạt được trong năm 2008 mà thực tế cho thấy nền kinh tế nói chung và huyện Văn Yên nói riêng đã bị ảnh hưởng sâu bởi cuộc khủng hoảng tài chính, tín dụng toàn cầu. Nhiều ngành hàng chủ lực trên địa bàn huyện đã bị chững lại, sản xuất có dấu hiệu đình đốn ngay từ đầu năm.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, cơ quan thuế đã tham mưu cho huyện đánh giá đúng tình hình, sớm tổ chức hội nghị giao kế hoạch và triển khai các giải pháp thu ngân sách tới các ngành và các địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ đảm bảo cho mọi đối tượng hiểu đúng, chấp hành đúng nghĩa vụ thuế. Về phần mình, cơ quan thuế đã chỉ đạo các cán bộ nghiệp vụ tăng cường quản lý triệt để các nguồn thu; rà soát lại toàn bộ các cơ sở kinh doanh để điều chỉnh số thu cho sát hợp với thực tế và nhất là vận động các hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp, vào hợp tác xã để làm ăn. Điều này có ý nghĩa rất lớn, giúp cơ quan thuế thuận lợi trong việc kiểm tra việc chấp hành Luật Thuế, đối với người nộp thuế cũng được hưởng lợi từ việc hoàn thuế.

Trong các sắc thuế, các khoản thu của huyện Văn Yên năm 2009 thì khoản thu ngoài quốc doanh chiếm một tỷ lệ đáng kể (9/20,75 tỷ đồng). Thực tế cho thấy, kinh tế ngoài quốc doanh ở Văn Yên những năm qua phát triển rất mạnh với ba ngành hàng chính là quế, gỗ và sắn với hàng trăm cơ sở chế biến ở hầu khắp các xã, thị trấn. Nhiều cơ sở chế biến, ở nhiều địa phương, quá trình kinh doanh, xuất nhập hàng hoá chẳng cần tuân thủ quy định giờ giấc, trong khi đội ngũ cán bộ chuyên quản ít đã đẩy cán bộ thuế vào tình thế làm việc rất căng thẳng, mức độ hoàn thành thấp, dễ thất thu.

Qua nghiên cứu cho thấy, việc vận chuyển hàng hoá chủ yếu là đường bộ với tuyến tỉnh lộ Khe Sang - Yên Bái, chủ phương tiện thường hợp đồng lâu dài với một chủ hàng và lấy hàng ổn định một cơ sở chế biến... Chi cục Thuế huyện đề ra giải pháp tăng cường quản lý trên khâu lưu thông với việc cử cán bộ túc trực ngay tại cửa ngõ đi vào huyện, nắm luôn số xe, giờ xe lên, chở hàng gì, của cơ sở chế biến nào... Khi tập hợp được các số liệu thì chuyển thông tin cho các cán bộ khác phụ trách việc thu thuế ngay sau khi chủ hàng bốc xếp hàng xong, trước khi xe chuyển bánh.

Quy trình nói thì dài như vậy, nhưng theo bà Đào Thị Ngọc Quỳnh - cán bộ Chi cục Thuế huyện Văn Yên, làm lại rất đơn giản. Với sự hỗ trợ của phương tiện thông tin liên lạc, thì khi có xe lên chỉ cần điện báo là biết tình hình, người đi thu cẩn thận hơn thì xác nhận lại với cơ sở sản xuất chế biến.

Đối với trường hợp có biểu hiện trốn thuế, người đi thu không thực hiện được nhiệm vụ chỉ cần điện báo về cho lãnh đạo Chi cục biết tình hình để tiến hành xử lý chống thất thu. Việc tăng cường quản lý trên khâu lưu thông bằng phương pháp nắm tình hình, thông tin chỉ đạo từ xa, thu trực tiếp đã giúp Chi cục Thuế Văn Yên với lực lượng tương đối mỏng nhưng lại quản lý chặt chẽ các ngành hàng quế, gỗ và sắn (có những thời điểm chính vụ mỗi ngày có tới trên 100 xe tải lớn đến thu mua hàng) mà không để tình trạng thất thu, trốn thuế.

Cách làm này đã giúp Văn Yên có số thu ngoài quốc doanh tăng mạnh trong mấy năm trở lại đây và là cơ sở để Chi cục Thuế huyện Văn Yên hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước trên 20 tỷ đồng trong năm 2009.

Lê Phiên

Các tin khác
Yên Bái đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Ảnh minh hoạ

Các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh vốn đầu tư trên địa bàn.

Mô hình chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả của hội viên nông dân xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Với địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, khô hanh kéo dài, huyện Mù Cang Chải gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Những năm gần đây, Hội Nông dân (HND) huyện Mù Cang Chải đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động có ý nghĩa, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp tại địa phương.

Vườn thanh long được cấp mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa của gia đình ông Trần Bá Đức, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ.

Nhiều năm qua, người trồng cây ăn quả ở xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ đã đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, không thuốc trừ cỏ, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với quan niệm “sản xuất an toàn, sản phẩm không lo ế”.

Ảnh minh họa

Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục