Chính sách hỗ trợ - giải pháp kích cầu sản xuất nông nghiệp
- Cập nhật: Thứ tư, 25/3/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Năm 2008 do ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai nên sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh Yên Bái gặp rất nhiều khó khăn. Để bù lại sản lượng lương thực bị sụt giảm trong năm qua, UBND tỉnh Yên Bái đã quyết định hỗ trợ 11 tỷ 428 triệu đồng cho sản xuất vụ đông xuân 2008 – 2009. Chính sách hỗ trợ này đã giúp nông dân, nhất là đối với bà con ở các xã đặc biệt khó khăn và các thôn bản đặc biệt khó khăn của các xã vùng 2 trong tỉnh, giảm bớt phần nào khó khăn trong sản xuất. Đồng thời, trở thành giải pháp kích cầu để phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Đồng bào Mông xã Cao Phạ (Mù Cang Chải) nhận giống đậu tương từ chương trình 134 của Chính phủ.
|
Năm 2008, sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh Yên Bái gặp nhiều bất lợi. Đợt rét đậm rét hại kéo dài 38 ngày liên tục trong vụ đông xuân đã làm chết rét trên 7000 con trâu bò, 1800 ha rừng kinh tế mới trồng, 219 tấn mạ, 3800 ha lúa cấy, trên 1000 ha lúa đông xuân phải gieo cấy lại. Do phải tổ chức lại sản xuất nên thời vụ gieo cấy lúa xuân và các loại cây màu bị chậm lại so với kế hoạch 20 – 25 ngày làm thay đổi toàn bộ cơ cấu thời vụ các loại cây trồng lương thực chính trong năm. Cơn bão số 4, số 6 và đợt áp thấp cuối tháng 10 năm 2008 còn làm ngập úng, mất trắng trên 4000 ha lúa mùa và hoa màu, 110 công trình thủy lợi bị hư hỏng, gần 1000 mét đê sông Hồng bị vỡ.
Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra đối với sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh Yên Bái ước trên 500 tỷ đồng. Trước thực trạng đó, ngày 31 tháng 12 năm 2008, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - Hoàng Thương Lượng đã ký Quyết định số 2142 phê duyệt kinh phí và phương thức hỗ trợ giống cây trồng, vật tư phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2008 – 2009 và trợ cước vận chuyển phân bón cho sản xuất năm 2009.
Tổng kinh phí hỗ trợ là 11 tỷ 428 triệu đồng, trong đó có 4 tỷ hỗ trợ cước vận chuyển phân bón; 7 tỷ 428 triệu đồng hỗ trợ không thu tiền giống cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, vật tư phân bón cho các xã đặc biệt khó khăn và các thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc các xã vùng 2. Ngay sau khi UBND tỉnh Yên Bái ban hành quyết định này, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và một số cơ quan chức năng đã nhanh chóng triển khai thực hiện để nông dân có giống lúa, giống ngô sản xuất đảm bảo khung thời vụ cho phép.
Chỉ trong một thời gian rất ngắn, 68 tấn giống lúa lai sản xuất tại Yên Bái và nhập khẩu, 47 tấn ngô lai LVN 10, 40 tấn giống đậu tương, 7 tấn ni lông che mạ đã được chuyển đến tận từng hộ thuộc diện thụ hưởng chính sách. Bên cạnh đó, hàng tỷ đồng hỗ trợ phân bón vô cơ cho các hộ nghèo; hỗ trợ cho vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hỗ trợ cho công tác khuyến nông và chỉ đạo sản xuất cũng được chuyển đến các huyện, thị để phục vụ sản xuất đông xuân.
Gia đình bà Nguyễn Thị Thuận ở thôn 5 xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) là một trong số rất nhiều hộ bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Hôm gặp bà Thuận đang bón thúc cho lúa trên đồng, bà cho biết: cơn bão số 4 đi qua, 5 sào ruộng của gia đình bà bị ngập úng và mất trắng. Hàng ngày, bà phải lo ăn từng bữa cho gia đình. Những tưởng vụ xuân này, phải đi mua chịu giống lúa ở đại lý để gieo cấy nhưng đầu tháng 1 năm 2009, bà được hỗ trợ tất cả 5 kg thóc giống gồm các giống Tiên Ưu 63 và Chiêm Hương. Ngoài ra, bà còn được hỗ trợ 40kg phân đạm để chăm sóc lúa. Số vật tư nông nghiệp mà gia đình bà được hỗ trợ trong vụ đông xuân năm nay lên đến gần 500 nghìn đồng. Bà rất phấn khởi và cảm ơn sự quan tâm của các cấp, các ngành đã quan tâm, tạo điều kiện cho gia đình mình và bà con nông dân có giống lúa và phân bón để sản xuất vụ xuân.
Không chỉ có gia đình bà Thuận mà hàng vạn hộ nông dân trong tỉnh cũng đã được hưởng chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh một cách kịp thời. Sự hỗ trợ của tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ rất nhiều trong sản xuất nhất là trong lúc kinh tế của họ đang gặp khó khăn sau một năm phải chống chọi với thiên tai khắc nghiệt. Ông Doãn Hợi ở thôn 6 xã Mậu Đông (huyện Văn Yên) thừa nhận: Nếu không có chính sách hỗ trợ của tỉnh thì những nông dân như chúng tôi sẽ rất khó khăn vì trong khi còn phải lo cái ăn cái mặc hàng ngày thì việc mua giống, phân bón để gieo cấy vụ xuân là rất hạn chế. Các chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh nói chung, trong đó có chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật tư phục vụ cho vụ sản xuất đông xuân năm 2008 – 2009 đã được các huyện, thị các xã cơ bản thực hiện đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích.
Sự hỗ trợ đó đã đem lại hiệu quả cao. Nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh mà vụ sản xuất đông xuân năm nay, nông dân trong tỉnh đã gieo cấy được trên 16.600 ha lúa ruộng nằm trong khung thời vụ tốt nhất, vượt kế hoạch đề ra. Diện tích các loại cây màu khác như: ngô, lạc, đậu đỗ... đều đạt và vượt chỉ tiêu. Đến nay, nhìn chung lúa xuân sinh trưởng, phát triển tốt và hứa hẹn một mùa bội thu. Với sự hỗ trợ này, cùng với sự cố gắng của nông dân, tỉnh Yên Bái sẽ thực hiện được mục tiêu sản xuất 83.500 tấn thóc trong vụ xuân năm 2008 – 2009 mà nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra.
Yên Bái là tỉnh miền núi, sản xuất nông lâm nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu phát triển kinh tế. Vì vậy, trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh hết sức quan tâm tới lĩnh vực này. Hàng năm, tỉnh đều dành một nguồn ngân sách đáng kể đầu tư phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, trong đó có sản xuất lương thực nhằm giữ ổn định an ninh lương thực trên địa bàn toàn tỉnh, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống cho nông dân. Đây chính là giải pháp kích cầu, khuyến khích nông dân tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp. Liên tục trong nhiều năm qua, năng suất, sản lượng lương thực có hạt của tỉnh Yên Bái đều tăng, năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, lương thực bình quân đầu người đã đạt 290kg/năm và đó chính là kết quả có phần đóng góp quan trọng từ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh .
Tuy nhiên, trong thực tế thực hiện chính sách hỗ trợ của tỉnh phục vụ cho vụ đông xuân ở một vài nơi còn chậm. Một số ít đối tượng không thuộc diện được thụ hưởng chính sách vẫn được hỗ trợ; vẫn còn một bộ phận nông dân có tư tưởng trông chờ ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước... Đây là những vấn đề cần được rút kinh nghiệm và khắc phục trong thời gian tới để chính sách hỗ trợ của tỉnh được triển khai thực hiện tốt hơn nữa, góp phần khuyến khích nông dân tập trung sản xuất nông lâm nghiệp nhằm cải thiện và từng bước ổn định đời sống.
Bạch Liên
Các tin khác
YBĐT - Tháng ba, Văn Chấn (Yên Bái) đang mùa khô hanh. Những cánh rừng trồng, rừng tự nhiên đã lâu chưa được tắm mưa, chỉ cần một tàn đóm là có thể bùng lên bốc cháy. Đặc biệt, những cánh rừng ở các xã vùng cao như: Suối Quyền, Gia Hội, Nậm Búng, Nậm Lành, Tú Lệ, Sơn Thịnh, Đồng Khê… đều có nguy cơ xảy ra cháy rất cao.
Sáng nay (25/3), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo một số mức lãi suất áp dụng từ ngày 1/4/2009.
YBĐT-Từ cuối năm 2008 đến những tháng đầu năm 2009 này người trồng rau xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái nói riêng và người trồng rau toàn tỉnh nói chung liên tục gặp khó khăn. Lúc rau xanh đắt giá thì lại không có bán khi rau trồng lên xanh tốt vào vụ thu hoạch rau lại rẻ như cho, rẻ đến mức không đủ công cho thu hoạch chưa nói đến công chăm sóc, giống phân bón. Rau chặt làm thức ăn cho gia súc cũng không xuể, người nông dân đành ngậm ngùi bỏ rau thối ngoài ruộng đến là xót xa.
Phát hiện một chiếc container chạy theo hướng Bắc – Nam có dấu hiệu nghi vấn Đội QLTT số 4 (Chi cục QLTT Quảng Nam) đã yêu cầu dừng xe lại kiểm tra, phát hiện 22 bao tải chứa 16.250 gói thuốc lá nhập lậu.