Cần khuyến khích phát triển giống cây ăn quả chất lượng cao

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/3/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Hiện nay toàn tỉnh có trên 8 nghìn ha cây ăn quả, với sản lượng thu hái hàng năm đạt trên 40 nghìn tấn, giá trị đạt hàng trăm tỷ đồng. Nhiều vùng quê Văn Chấn, Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên, thành phố Yên Bái đã trở nên khá giả, xoá đói, giảm nghèo nhanh có sự đóng góp không nhỏ từ cây ăn quả là không thể phủ nhận được. Tuy nhiên, việc phát triển các vùng cây ăn quả đã và đang tồn tại những bất cập cần được khắc phục, nếu không chỉ vài ba năm nữa sẽ để lại hậu quả khôn lường.

Hồng không hạt - một đặc sản của huyện Lục Yên đang có nguy cơ
Hồng không hạt - một đặc sản của huyện Lục Yên đang có nguy cơ "biến" mất.

Mặc dù giá trị kinh tế của cây ăn quả hơn hẳn cây lúa từ 3-4 lần, nhưng việc phát triển vườn cây ăn quả trong một hai năm trở lại đây liên tục gặp khó khăn. Người trồng cây liên tục phải chịu tổn thất, do đầu ra của sản phẩm cây ăn quả bấp bênh, phần do quan hệ cung-cầu, phần khác chất lượng quả thấp không đáp ứng được thị trường. Có nhiều yếu tố tạo nên tình trạng này như: Kỹ thuật canh tác, thu hoạch, xử lý bảo quản sau thu hoạch… nhưng có một nguyên nhân quan trọng là giống cây ăn quả kém, thiếu năng suất, chất lượng quả thường không cao.

Có một điều khá chua xót, Yên Bái nổi tiếng với cam sành Lục Yên, bưởi Khả Lĩnh, Đại Minh huyện Yên Bình, nhưng trên thị trường lại tràn ngập hoa quả từ những nơi khác đem đến tiêu thụ. Yên Bái không phải là xứ sở của cây ăn quả, nhưng cũng có những loại quả đã trở thành thương hiệu nổi tiếng từ Bắc chí Nam, nào là cam sành, hồng không hạt Lục Yên; bưởi Đại Minh - Yên Bình; hồng Bảo Lương thành phố Yên Bái; nhãn lồng Văn Chấn… Đây là những giống ăn quả ngon, chất lượng cao nhưng lại được trồng ít và đang có nguy cơ biến mất. Một phần do người dân thiếu kiến thức kỹ thuật trồng trọt, thiếu vốn, một phần lại do thiếu giống, nên phần lớn người làm vườn Yên Bái trồng bằng nhiều loại giống khác nhau.

Có lẽ ít nơi nào lại có "tập đoàn" giống cây ăn quả "phong phú" như ở Yên Bái, nào là mận, mơ, cam, quýt, nhãn, hồng, bưởi, xoài… Nhưng sau vài năm, các dự án, chương trình trồng cây ăn quả lại thất bại, như cây mận tam hoa, cây mơ trồng ở vùng cao Văn Chấn, Trạm Tấu và Mù Cang Chải những năm 1995. Những năm 1998, 1999 cây xoài đã chính thức định cư và được trồng khá nhiều ở khắp các vùng quê và cũng chẳng ai có thể thống kê nổi là có bao nhiêu diện tích. Nhưng có một thực tế, là nhà nào dù ở nông thôn hay thành thị hễ có đất là trồng xoài, ít thì một hai gốc, nhiều cả vài trăm gốc. Khi xoài đơm hoa kết trái, quả rất to nhưng bán thì không ai mua, mà cũng không thể ăn được bởi nó quá chua, ăn vào lại sồn sột như "củ chuối". Sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, người làm vườn lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn của trồng chặt, chặt trồng.

Khi cây cam sành Lục Yên ngày một thoái hoá và mai một, thì vùng Văn Chấn hàng ngàn hộ dân lại gây dựng vùng cam, quýt rộng trên 2 ngàn ha. Cây cam, quýt đã giúp cho nhiều gia đình của xã Minh An, Thượng Bằng La, Nghĩa Tâm, thị trấn Trần Phú giầu lên trông thấy, hàng trăm ngôi nhà xây mái bằng mới được mọc lên. Cây cam lên ngôi, nhà nhà trồng cam, người người trồng cam, trồng vỡ cả quy hoạch ban đầu, nhiều hộ còn chặt cả diện tích chè để trồng cam.

Nhưng niềm vui chẳng được bao lâu, nhất là từ năm 2007, đặc biệt là trong năm 2008 vừa qua, cam vùng Văn Chấn bán rẻ như cho cũng không có ai mua. Những ngày áp tết Nguyên Đán, chúng tôi đến thị trấn Trần Phú cam vàng rực, từ vườn nhà lên khắp các triền đồi, sản lượng ước tính hàng chục ngàn tấn mà không ai mua. Cam chín vàng héo, rụng đầy gốc, người trồng cam lao đao khốn khó.

Nhiều người cho rằng, cam không tiêu thụ được là cung đã vượt cầu, nhưng thực chất là chất lượng cam quá kém, ăn chua như chanh lại nhiều sơ và dai, đó là lý do chính để người tiêu dùng quay lưng lại với cam Văn Chấn. Đã có hàng trăm ha xuất hiện bệnh Greening, nhiều cây chết và không ra quả, cây ra quả thì chất lượng rất kém, cam ăn chua, không còn mùi vị đặc trưng. Mặc dù sản lượng cam, quýt lớn song giá trị thu nhập lại kém, giá một kg cam Văn Chấn chỉ bằng nửa giá các loại cam vùng miền khác. Không chỉ có vậy mà năng suất rất thấp, bình quân 1 ha chỉ đạt 500kg quả tươi, bán theo giá thị trường đạt khoảng 12-13 triệu đồng, trừ chi phí người trồng chẳng còn lãi là bao. Không chỉ cây cam mà cả nhãn, bưởi, hồng cũng rơi vào cảnh tương tự, năm thì được mùa lại mất giá, không có thị trường, năm thì mất mùa, sâu bệnh, cây già cỗi, thoái hoá nhanh.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên phần lớn là do giống, bởi phần lớn cây giống là do bà con tự mua trên thị trường không rõ nguồn gốc, xuất sứ. Hiện nay trên địa bàn tỉnh không có lấy một cơ sở nào cung ứng giống cây trồng đảm bảo các quy định, tiêu chuẩn của Nhà nước. Phần lớn thị trường giống cây ăn quả phải phụ thuộc vào các nhà vườn tư nhân. Do nguồn giống ở đây không được kiểm tra chặt chẽ, nên không đảm bảo đồng bộ về chất lượng, đặc biệt là đối với các loại cây có múi khó đảm bảo chắc chắn là cây sạch bệnh.

Nói đúng hơn là giống cây ăn quả bán trên thị trường trong nhiều năm qua là không thể kiểm soát được chất lượng giống. Người dân thấy có bán thì mua về trồng, cây nào sống và may mắn ra quả thì tốt, không may cây không ra quả là mất của, mất công, nông dân phải chịu chứ cũng chẳng thể kêu ai. Lợi dụng điều này nhiều tư thương đã buôn bán giống từ các nơi khác về, giống không rõ nguồn gốc, lý lịch giống, chất lượng giống vẫn bán ngang nhiên trên thị trường, hậu quả là người dân lĩnh trọn. Bởi giống không rõ nguồn gốc, lại nhiễm bệnh khi trồng không ra quả mà còn nhiễm lan sang cả cây lành bệnh.

Vấn đề cấp bách hiện nay đối với các nhà vườn, là cần nhanh chóng thay đổi giống cây để nâng cao chất lượng, năng suất đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường. Nhưng giống cây chất lượng mua ở đâu đang là vấn đề hết sức khó khăn với người nông dân và làm đau đầu các nhà quản lý! Mong muốn lớn nhất của người dân trồng cây ăn quả, là tỉnh cần đầu tư xây dựng một trung tâm sản xuất giống cây ăn quả, chí ít cũng là một vườn ươm giống đạt tiêu chuẩn để cung ứng giống cho sản xuất.

Bình quân mỗi năm toàn tỉnh trồng mới trên dưới 400 ha cây ăn quả, với diện tích này cần một khối lượng cây giống khổng lồ. Nhưng có lẽ giải pháp trước mắt hiện nay, người trồng nên tự chiết lấy giống từ những cây khoẻ mạnh, không có triệu chứng vàng lá và đã cho quả ngon từa vài ba năm. Giải pháp tình thế này vẫn tốt hơn rất nhiều việc đi mua cây giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không chắc sạch bệnh. Bênh cạnh đó cần mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật về cách trồng, canh tác, thu hoạch và xử lý bảo quản sau thu hoạch.

Để phát triển vùng cây ăn quả trở thành vùng hàng hoá lớn, xoá đói giảm nghèo hiệu quả và tiến tới làm giầu, nhất thiết phải giải quyết tốt những vấn đề nều trên. Nếu không, mà cứ để tình trạng trồng tự phát, không kiểm soát nguồn giống như hiện nay thì vùng cây ăn quả sẽ lụi bại trong một tương lai không xa.

Thanh Phúc

Các tin khác
Nuôi cá ở Minh Quân. (Ảnh: Thanh Tân)

YBĐT - Thời làm ăn theo lối tự túc tự cấp, chắc chắn vùng đất Minh Quân (Trấn Yên - Yên Bái) sẽ là vùng đời sống người dân gặp không ít khó khăn bởi đây là một vùng rất nhiều cánh đồng chiêm trũng. Cũng có thể vì cái khó khăn ấy mà người dân xã Minh Quân lại có được phẩm chất nghị lực biết vươn lên để có nhiều người học hành đỗ đạt và năng động làm kinh tế khi tiếp cận cơ chế thị trường.

Dây chuyền sản xuất bao bì xi măng Yên Bình. (Ảnh: Quang Thiều)

YBĐT - Năm 2008, Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình (Yên Bái) tiếp nhận dây chuyền công nghệ dự án xi măng Yên Bình; tiến hành chạy thử và đã nhanh chóng làm chủ vận hành được tất cả các thiết bị trong dây chuyền công nghệ mà không cần có chuyên gia hướng dẫn. Nhà máy sớm đi vào hoạt sản xuất ổn định, đạt công suất thiết kế và đảm bảo tuyệt đối an toàn. Trong quá trình sản xuất, nhất là đối với dây chuyền công nghệ hiện đại hiện nay, Công ty rất chú trọng công tác an toàn lao động với phương châm: “Sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”.

Giới phân tích dự báo, giá các loại xe đa dụng (6-9 chỗ ngồi) sẽ tăng khá mạnh, khoảng 12-23% còn giá các loại xe 5 chỗ ngồi trở xuống được chia làm ba hướng, giữ nguyên, tăng nhẹ và giảm nhẹ.

Cán bộ kỹ thuật Trại Giống thủy sản Nghĩa Lộ chọn cá chép lai bố mẹ chuẩn bị cho lứa sinh sản mới.

YBĐT - Mặc dù gặp bất lợi về thời tiết nhưng từ đầu năm đến nay, các cán bộ, kỹ sư Trại Giống thuỷ sản Nghĩa Lộ (Yên Bái) vẫn sản xuất được 5,6 triệu cá giống các loại, trong đó có 3 triệu cá chép thường, 1,6 triệu cá chép lai và 1 triệu cá trắm cỏ và mè. Trạm cũng đã cung cấp cho nhân dân 2 vạn rô phi đơn tính, 19 vạn cá vược và 600 kg cá trôi giống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục