Đồng bộ về giải pháp để nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống
- Cập nhật: Thứ sáu, 17/4/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đó là yêu cầu của đồng chí Nguyễn Văn Ngọc - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái khi kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết TƯ 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại huyện Lục Yên, Văn Yên từ ngày 13 đến 16.4.2009.
Đồng chí Nguyễn Văn Ngọc thăm trang trại chăn nuôi lợn của ông Vi Quang Chính ở thôn 10, xã Trúc Lâu, Lục Yên.
|
Hầu hết thời gian, đồng chí Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy đi cơ sở nắm bắt tình hình, trực tiếp trao đổi với cán bộ, nhân dân về những vấn đề liên quan đến việc tổ chức, thực hiện nghị quyết của Trung ương về “tam nông, nhất là chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ trọng chăn nuôi thông qua các chính sách kích cầu của Nhà nước và của tỉnh. Nét giống nhau của Lục Yên và Văn Yên là nền kinh tế chủ yếu sản xuất nông – lâm nghiệp, vì vậy chuyển đổi cơ cấu nội ngành theo hướng hàng hoá, tăng giá trị sản phẩm theo tinh thần Nghị quyết 26 của Trung ương, nhất là chăn nuôi đang là tập trung chỉ đạo của mỗi cấp ủy, chính quyền địa phương.
Hiện tại, Lục Yên đã có 97 mô hình chăn nuôi tập trung, nhiều trang trại quy mô 100 con lợn thịt, 20 lợn nái và 1.000 con gà trở lên đang cho hiệu quả kinh tế cao, như: ông Hoàng Thanh Hùng ở thôn Nà Tạng, xã Minh Xuân nuôi trên 1.000 con gà thịt, đầu tư lò ấp trứng công suất cung cấp gà giống cho thu nhập 80 triệu đồng/năm; mô hình nuôi lợn của ông Trương Văn Khoa ở thôn Làng Thọc, xã Yên Thắng nuôi 20 lợn nái cung cấp giống cho trang trại lợn thịt quy mô 100 con của gia đình thu lãi gần 100 triệu đồng/năm. Trong số 97 mô hình chăn nuôi trang trại của Lục Yên, hiện có 71 mô hình chăn nuôi lợn thịt, lợn nái; 26 mô hình chăn nuôi gà thịt, tổng số 20 trang trại đạt tiêu chí hưởng hỗ trợ vốn theo Quyết định 09 của UBND tỉnh.
Việc chuyển đổi cơ cấu nội ngành theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp ở Văn Yên cũng được cấp uỷ, chính quyền tập trung chỉ đạo. Nếu trước đây, rất khó khăn đi tìm mô hình thì hiện Văn Yên đã có 24 cơ sở chăn nuôi theo hướng trang trại, trong đó 19 mô hình chăn nuôi lợn thịt, lợn nái và 5 cơ sở chăn nuôi gia cầm. Khi tới thăm các mô hình chăn nuôi của nông dân ở xã Đại Phác, thị trấn Mậu A, đồng chí Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã tìm hiểu những khó khăn vướng mắc của người dân khi phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại.
Ông Nguyễn Văn Tĩnh – hộ chăn nuôi ở xã Đại Phác (Văn Yên) đã đầu tư gần 200 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mua con giống, thức ăn nuôi lợn nái, lợn thịt tập trung mỗi năm cho thu lãi trên 100 triệu đồng rất phấn khởi khi tỉnh có chính sách kích cầu chăn nuôi đã cho rằng, chính sách của Đảng đã đi vào cuộc sống vì rất sát với thực tiễn, nhu cầu của nông dân. Vấn đề nổi lên là dịch vụ chăn nuôi và hỗ trợ nông dân còn nhiều hạn chế. Ví dụ: mạng lưới thú y dịch vụ trong lĩnh vực này chưa tới với số đông nông dân; người dân còn thiếu thông tin về các chính sách khuyến khích hỗ trợ kích cầu, hỗ trợ lãi suất vay vốn sản xuất kinh doanh của Nhà nước và tỉnh, nhu cầu vốn lớn nhưng việc tiếp cận và được hưởng các nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất còn khó khăn... - đây cũng là ý kiến của các chủ hộ chăn nuôi và nông dân Lục Yên, Văn Yên khi tiếp xúc với đoàn công tác của Tỉnh ủy.
“Các cấp các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội phải thấy rõ trách nhiệm của mình, tập trung tuyên truyền, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp của Trung ương, Tỉnh ủy và cấp mình, ngành mình về nông nghiệp, nông thôn, nông dân” - đồng chí Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo như vậy khi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Lục Yên, Văn Yên. Đồng chí đề nghị, việc triển khai thực hiện Nghị quyết của mỗi địa phương cần bám sát Chương trình hành động số 62 của Tỉnh ủy; trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phải chuyển dịch nhanh hơn nữa cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đưa chăn nuôi chiếm tỷ trọng từ 30% trở lên theo hướng phát triển trang trại tập trung. Muốn vậy, các cấp các ngành, đoàn thể và nhất là hệ thống ngân hàng phải vào cuộc cùng địa phương, cùng chính quyền tháo gỡ những vướng mắc về vốn cho nông thôn, nông dân.
Mô hình một HTX chăn nuôi ở Yên Bái.
Chính sách kích cầu của tỉnh dã đi vào cuộc sống nhưng qua thực tiễn phát sinh nhiều vấn đề cần được các cấp, các ngành xem xét để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông dân phát triển trang trại chăn nuôi. Về những nhiệm vụ trước mắt trong quý II, đồng chí yêu cầu các địa phương bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, tập trung tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp chống suy giảm kinh tế theo Nghị quyết 30/CP; đẩy mạnh sản xuất nông- lâm nghiệp, xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ nhà ở và các chương trình mục tiêu; phấn đấu khởi công hết các công trình xây dựng cơ bản vốn ngân sách kế hoạch năm 2009 và hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch ngành tới năm 2015 và 2020...
Đồng chí yêu cầu, trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát để tham mưu cho tỉnh những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn để có sự điều chỉnh, tháo gỡ kịp thời và nhấn mạnh, vai trò lãnh đạo của Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là giải pháp quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định tới việc đưa Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống. Cùng với các cấp ủy, chính quyền thì các tổ chức đoàn thể, chính trị cần đổi mới hoạt động, hướng về cơ sở để tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết TW7 (Khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngay ở địa phương và lĩnh vực công tác của mình.
P.V
Các tin khác
YBĐT - Để đảm bảo sự công bằng trong sử dụng điện từ thành thị đến nông thôn, tháng 12 năm 2008, Điện lực Yên Bái bắt đầu triển khai thực hiện Đề án “ Tiếp nhận lưới điện hạ thế nông thôn để bán lẻ đến tận hộ dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái”. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với những hộ dân ở khu vực nông thôn đang phải mua giá điện bán lẻ quá “đắt” của các tổ chức khác.
Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư hướng dẫn thủ tục hải quan đối với mặt hàng xăng, dầu tạm nhập, tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá 120 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập.
YBĐT - Dự án kè chống sạt lở sông Hồng khu vực cầu Móc Tôm, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên (Yên Bái) được khởi công xây dựng từ tháng 2/2009 do Công ty cổ phần Ao Vua (Hà Nội) trúng thầu thi công. Công trình được đầu tư xây dựng nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân trong vùng và an toàn giao thông trên tỉnh lộ Yên Bái – Khe Sang với tổng mức đầu tư trên 35,1 tỷ đồng, trong đó giá trị xây dựng trên 26,3 tỷ đồng do Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Yên Bái làm chủ đầu tư.
YBĐT - Chủ động thăm đồng, kịp thời phát hiện khống chế dịch bệnh lây lan nếu có; phát huy hết vai trò của của cán bộ khuyến nông viên cơ sở; phối hợp với cơ sở, trạm bảo vệ thực vật chuẩn bị thuốc đầy đủ đảm bảo phòng chống bệnh cho lúa đông xuân đang được toàn dân huyện Văn Yên (Yên Bái) tích cực triển khai.