Phát triển đàn đại gia súc: Vẫn trông vào may, rủi

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/5/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Từ năm 2005 đến nay, đàn gia súc của tỉnh Yên Bái luôn có sự tăng trưởng ổn định trên 5% năm. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn thì ngành chăn nuôi đại gia súc vẫn đang tồn tại những bất ổn, trong đó có cả sự chủ quan chăn nuôi theo hướng truyền thống đầy may rủi của người dân và sự yếu kém trong quản lý của các cơ quan chủ quản, chính quyền địa phương.

Công ty TNHH Thẩm Hường tiêm phòng cho gia súc trước khi về nơi cách ly.
Công ty TNHH Thẩm Hường tiêm phòng cho gia súc trước khi về nơi cách ly.

Từ những rủi ro...  bất khả kháng...

Năm 2006, anh Lò Văn Toát - một hộ đặc biệt khó khăn ở thôn Minh Nội, xã Gia Hội, Văn Chấn được hỗ trợ vay 8 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua trâu sinh sản. Vì là hộ nghèo, nên ngoài số tiền vay được, anh cũng không có thêm tiền để mua trâu trưởng thành. Niềm hy vọng của gia đình là sau hai năm sẽ có được nghé con và bán trâu mẹ đi trả nợ. Nhưng đợt rét đậm đầu năm 2008 đã dập tắt hy vọng của cả gia đình.

Đợt rét này đã quật ngã trên 7.000 con trâu bò của cả tỉnh, phần lớn số chết này lại nằm ở các hộ nghèo ở các xã vùng cao, vùng sâu mà anh Toát không phải ngoại lệ. Sau rét, các huyện, thị trong tỉnh phải đối mặt với vấn đề thức ăn cho đàn gia súc; bãi chăn thả thiếu, thức ăn bổ sung không được dự trữ đầy đủ, tập quán chăn dắt, thả rông vẫn phổ biến, một số chưa có chuồng trại… dẫn tới đàn gia súc gầy yếu, thậm chí tiếp tục chết.

Chất lượng đàn gia súc giảm sút đã ảnh hưởng đến sinh sản và sự khôi phục tổng đàn . Trước tình hình đó, năm 2008 Văn Chấn dự kiến tăng cơ học 1.500 con trâu bò để khôi phục đàn gia súc vừa chết, số lượng này sẽ thực hiện thông qua Dự án hỗ trợ trâu, bò cho các hộ nghèo của tỉnh. Tuy nhiên, khi vừa mới triển khai thì bùng phát dịch bệnh lở mồm long móng, khiến chương trình tăng đàn gia súc không chỉ ở Văn Chấn mà cả tỉnh phải dừng lại.

XIẾT CHẶT CÔNG TÁC KIỂM DỊCH!

Ngày 4/3/2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có  Thông tư 11/2009/TT-BNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều về quy trình, thủ tục kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y.

Theo hướng dẫn của Thông tư này, đối với việc vận chuyển gia súc trong tỉnh, khi doanh nghiệp cung ứng giống nuôi đủ 21 ngày tại khu cách ly mà không có bệnh thì tiếp tục chuyển về  nuôi cách ly tiếp 21 ngày tại huyện. Như vậy, mỗi huyện sẽ phải thành lập một khu nuôi cách ly, điều này thật sự không cần thiết, gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và địa phương.

Để khắc những vấn đề không cần thiết, ngày 28/4/2009, Bộ NN&PTNT tiếp tục ra Thông tư 22/2009/TT-BNN hướng dẫn yêu cầu về giống vật nuôi, kiểm dịch vận chuyển giống vật nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh phát triển chăn nuôi.

Theo đó, khi các đơn vị cung ứng giống vận chuyển từ khu cách ly của mình đến nơi khác chỉ phải nuôi cách ly 7 ngày trước khi giao cho dân.

... Đến rủi ro chủ quan

Năm 2005, tỉnh triển khai Dự án nuôi bò bán công nghiệp, nhiều hộ nghèo, người chăn nuôi có điều kiện đã háo hức đăng ký vì Dự án có sự hỗ trợ rất lớn của Nhà nước. Tuy nhiên, đàn bò của Dự án nhiều địa phương nhập về hôm trước thì hôm sau phát dịch, tốc độ lây lan nhanh, lây từ đàn bò dự án sang đàn gia súc của người dân.

Người may mắn thì cứu chữa kịp thời, nhưng nhiều hộ phải giết mổ, hoặc tiêu huỷ khiến không ít hộ nghèo lại nghèo thêm. Trong khi các dự án phát triển trâu bò phải dừng lại thì việc tăng đàn tại chỗ lại chậm do thiếu con đực (các dự án hỗ tập trung vào giống cái sinh sản); Dự án hỗ trợ  thụ tinh nhân tạo triển khai chậm, hiệu quả không cao. Theo số liệu của Chi cục Thú y thì năm 2008, đơn vị này chỉ thực hiện được cho 1.730 con.

Đảm bảo không có dịch bệnh là một trong những điều kiện quan trọng để ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Hàng năm, với nhiệm vụ được giao công tác tiêm phòng trên đàn gia súc của ngành thú y luôn được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ. Người dân đã ý thức được tầm quan trọng của công tác tiêm phòng.

Nhưng thực tế, tình hình dịch bệnh trên đàn đại gia súc qua các năm cho thấy, nguyên nhân chính là do nguồn lây từ bên ngoài nhập về qua các dự án cho dù các đơn vị cung ứng giống thực hiện đầy đủ các yêu cầu về kiểm dịch chất lượng con giống. Có một thực tế hiện nay là việc tiêm phòng cho gia súc hiệu quả tạo ra kháng thể chỉ ở một tỷ lệ nhất định, không thể đạt 100% lượng gia súc được tiêm đều tạo ra kháng thể.

Do vậy, trong mỗi lô trâu bò nhập về chỉ cần một con không có kháng thể, khi phát dịch có thể lây  ra cả đàn. Mặt khác, có những đơn vị cung ứng giống vì lợi nhuận mà mua trâu bò rẻ từ các tỉnh đang có dịch đem về bán cho dân, trong khi đó vấn đề này lại bị bỏ lửng. 

Anh Dũng

 

Ông Lò Văn Toát - hộ đặc biệt khó khăn ở thôn Minh Nội, Gia Hội (Văn Chấn):

 
Sau đợt rét năm 2008, được nhà nước hỗ trợ 2 triệu đồng (chết 1 con trâu) số tiền này gia đình dùng mua được một con lợn nái, hiện vẫn còn nợ ngân hàng 8 triệu vay từ năm 2006 để mua trâu, đây quả là một gánh nặng đối với gia đình 8 khẩu chúng tôi. Nếu có thể gia đình muốn tiếp tục được vay vốn để mua lại trâu.

Ông Lò Văn Soong - hộ nghèo thôn Nà Kè cùng xã Gia Hội:

 
Năm 2005, được sự hỗ trợ của nhà nước tôi vay ưu đãi được 5 triệu đồng mua bò sinh sản. Đến nay, sau 3 năm bò đã đẻ được 3 lứa. Tiền bán bê đã đem trả ngân hàng đầy đủ. Đợt rét vừa qua, xã có trên 200 con trâu bò bị chết, nhưng tôi may mắn nhờ làm cây rơm dự trữ thức ăn nên giữ được.  

Bà Trần Thị Hường - Giám đốc Công ty TNHH Thẩm Hường (thị trấn Cổ Phúc, Trấn Yên):

 Mới đây, tôi được biết việc tiêm phòng cho gia súc nhiều khi không đảm bảo 100% đạt hiệu quả kháng thể, do đó mặc dù đã thực hiện tiêm phòng đầy đủ, nuôi cách ly trước khi giao cho dân nhưng vẫn không đảm bảo. Vừa rồi, chúng tôi nhập 40 con từ tỉnh ngoài về, tiêm phòng lại, song xét nghiệm chỉ có 27 con có kháng thể”.

Các tin khác
Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội.

Lúc 9 giờ15 phút sáng nay, kỳ họp thứ 5 Quốc hội (QH) khoá XII đã khai mạc. Trước đó, các đại biểu QH đã đặt vòng hoa vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham gia lễ thông đường hầm kỹ thuật.

YBĐT - Khí thế hào hùng của 55 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 34 năm Ngày giải phóng miền Nam và đặc biệt là kỷ niệm 119 năm Ngày sinh của Bác, là động lực để những người thợ trên công trường Thủy điện Mường Kim tại xã Hồ Bốn (Mù Cang Chải - Yên Bái) thi đua lao động, lập thành tích cao nhất để làm ra dòng điện quý giá, phục vụ CNH – HĐH vùng Tây Bắc và đất nước.

YBĐT - Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái, tính đến ngày 13/5/2009, toàn tỉnh đã có trên 1.439 ha lúa xuân bị nhiễm bệnh (chiếm 8,3% diện tích gieo cấy), trong đó đáng chú ý là dịch rầy nâu, rầy lưng trắng với diện tích trên 935ha.

Quốc hội cũng sẽ đánh giá hiệu quả các gói kích cầu của Chính phủ.

Đề nghị điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng từ 6,5% xuống còn 5% cho cả năm 2009, cùng việc miễn, giảm hay giãn thuế thu nhập cá nhân sẽ được Quốc hội quyết định trong kỳ họp thứ năm, khai mạc sáng 20/5 tại Hà Nội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục