Yên Bái làm gì để nâng cao năng suất, sản lượng lúa

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/5/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong nhiều năm qua, Yên Bái luôn chú trọng đẩy mạnh sản xuất lương thực, đa dạng hoá sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn.

Được mùa lúa mới. Ảnh Thanh Miền
Được mùa lúa mới. Ảnh Thanh Miền

Hàng năm tỉnh Yên Bái đã huy động nhiều nguồn lực thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách, dự án hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, người lao động chưa có việc làm. Cơ sở hạ tầng nông thôn không ngừng được củng cố, các công trình phụ trợ cho sản xuất, đường, điện, hệ thống thủy lợi được xây dựng kiên cố. Trong sản xuất nông nghiệp lấy chuyển dịch cơ cấu giống là trọng tâm, chú trọng đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất làm then chốt.

Ngay từ những năm 1994, Yên Bái thực hiện giải pháp cấp I hoá giống lúa, vận động nhân dân từ vùng thấp đến vùng cao đưa giống lúa lai ngắn ngày, năng suất cao vào thay thế các giống lúa địa phương. Cùng với cấp I hoá giống lúa, bà con nhân dân áp dụng các biện pháp trong đầu tư thâm canh, phòng trừ sâu bệnh.

Bằng những hướng đi đó, liên tục trong hơn 10 năm qua sản xuất nông nghiệp liên tục gặt hái nhiều thành công từ diện tích, năng suất đến sản lượng. Năm 2008 là một năm nhà nông Yên Bái phải hứng chịu nhiều trận lũ lụt liên tiếp, hàng ngàn ha lúa, hoa màu bị phá nhưng hết năm tổng sản lượng lương thực vẫn đạt 218 ngàn tấn, bình quân lương thực đạt 300 kg/người/năm.

Các vùng được coi là “vựa lúa” như cánh đồng Mường Lò (Văn Chấn), Đại-Phú-An (Văn Yên), Bắc (Trấn Yên), Mường Lai, Minh Xuân (Lục Yên), là các vùng được Nhà nước đầu tư nhiều nhất từ điện, đường, hệ thống thủy lợi khá hoàn chỉnh, nhưng năng suất cũng chỉ đạt 50 tạ/ha. Những cánh đồng, thửa ruộng khác năng suất chỉ đạt 44-47 tạ/ha, các xã vùng cao, vùng sâu, nhất là huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải chỉ đạt 35 tạ/ha.

Huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải và một số xã vùng cao của huyện Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên hàng năm có tới 50% số dân thiếu đói, nhưng nay các địa phương này đã cơ bản bảo đảm được an ninh lương thực. Hầu hết các xã vùng thấp, vùng lúa trọng điểm bà con không còn lo lương thực hàng ngày nữa, mà đã biết sản xuất lúa, gạo hàng hóa. Tuy nhiên, có một điều dễ nhận thấy, là sản xuất lương thực liên tục giành được thắng lợi nhưng phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, nhất là năng suất lúa bình quân toàn tỉnh vẫn thấp so với tiềm năng và tốc độ phát triển chung của sản xuất nông nghiệp cả nước.

Vẫn biết giống là một yếu tố quan trọng tạo năng suất, chất lượng lúa, song trong hơn 10 năm qua, cơ cấu giống trong sản xuất thì lúa lai Nhị ưu 838 vẫn là chủ lực (thường chiếm trên 65% diện tích). Đành rằng giống lúa lai Nhị ưu 838 và Nhị ưu 63 có nhiều ưu điểm, nhưng không vì thế mà chúng ta cứ mãi bằng lòng với nó.

Có nhiều ý kiến cho rằng, với điều kiện khí hậu, đất đai cũng như trình độ thâm canh của bà con nông dân Yên Bái thì giải pháp chọn giống lúa lai Nhị ưu 838 là an toàn hơn cả và chưa có bộ giống lúa gì thay thế nó được!

Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng Ngành nông nghiệp Yên Bái muốn phát triển và tiến tới sản xuất theo hướng hàng hoá thị trường thì phải thay đổi cơ cấu giống lúa. Lúa lai chỉ phù hợp với huyện, xã vùng cao, bởi nhưng nơi này ruộng xấu, trình độ thâm canh của nông dân hạn chế, xuất đầu tư thấp. Còn ở vùng có điều kiện thâm canh, nhất thiết phải đưa các bộ giống mới vào thay thế.

Qua thực tế, giống lúa lai Nhị ưu 838 được gieo cấy trên chân ruộng tốt, mức đầu tư thâm canh cao năng suất cũng chỉ đạt 50-55 tạ/ha (cánh đồng Mường Lò-Văn Chấn). Trong khi ở các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai… cũng có khí hậu, thổ nhưỡng, trình độ thâm canh… tương đồng, nhưng họ đưa các bộ giống lúa khác vào gieo cấy cho năng suất đạt 60-65 tạ/ha.

Bên cạnh yếu tố giống, thì trong sản xuất nông nghiệp đang tồn tại một số yếu tố dẫn tới năng suất, chất lượng lúa, gạo thấp là: Hầu hết bà con nông dân đang thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đầu tư thâm canh… dẫn đến sản xuất vẫn dựa quá nhiều vào kinh nghiệm.

Từ lâu chúng ta vẫn coi đội ngũ cán bộ khuyến nông là cầu nối đưa khoa học - kỹ thuật tới người nông dân - một nhiệm vụ rất quan trọng. Thế nhưng có một số khuyến nông viên trình độ thấp, tuổi đời còn quá trẻ, chưa qua thực tế và bản thân cũng không biết mình phải làm gì giúp địa phương, bà con nông dân, hiệu suất làm việc thấp. Vẫn biết cấy mạ non, ít rảnh lúa sẽ cho năng suất cao hơn từ 15-20% so với làm mạ thông thường, nhưng rất ít nhà nông áp dụng biện pháp này. Một giải pháp kỹ thuật nữa là cần thường xuyên bón vôi cho đồng ruộng để giảm độ chua của đất (giải phóng dinh dưỡng trong đất giữ lại) cải thiện độ phì cho đất, đất hấp thụ phân tốt hơn, nhưng giải pháp này dường như bị bỏ quên…
     
Muốn nâng cao năng suất, sản lượng cũng như chất lượng lúa gạo, trước tiên ngành nông nghiệp và các huyện thị, bà con nông dân cần giải quyết tốt những tồn tại trên. Trong đó tập trung chuyển dịch cơ cấu giống, đưa các giống lúa mới, tiến bộ vào gieo trồng thâm canh. Không ngừng chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật, những điển hình làm ăn tiên tiến cho bà con học tập.

 Bên cạnh đó, nhất thiết phải giải quyết tốt vấn đề hạn điền, nông nghiệp không thể phát triển được, khi hàng chục ngàn nông dân cá thể sản xuất trên hàng trăm ngàn mảnh đất manh mún. Trước đây tư duy “người cày có ruộng” (khoán 10) là ưu việt. Nhưng cho đến nay khoán 10 đã hoàn thành xứ mạng rồi, giờ sản xuất nông nghiệp đã đến thời kỳ của sản xuất hàng hóa, thị trường thì vấn đề đầu tiên phải quy hoạch tích tụ ruộng đất. Bởi thực tế cho thấy, tình trạng nghèo đói tại khu vực nông thôn của ta hiện nay không phải do họ làm nông nghiệp, mà do có quá nhiều người cùng sản xuất trên một đơn vị diện tích nông nghiệp!.

 Thanh Phúc

Các tin khác

YBĐT - Phát huy nội lực, phân vùng phát triển kinh tế theo điều kiện đất đai và trình độ dân trí, phá vỡ thế độc canh cây lúa, tạo ra sản phẩm hàng hoá trong sản xuất nông-lâm nghiệp… Cách làm ấy, hướng đi ấy đã đưa xã Lâm Giang, huyện Văn Yên từ một xã nghèo trở thành điển hình trong xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm giầu ở vùng cao Yên Bái.

Ngày 25/5, Tổng công ty thép Việt Nam tăng giá bán thép tại khu vực phía Nam lên thêm 350.000 đồng/tấn đối với thép cuộn, 150.000 đồng/tấn đối với thép cây.

Khu vực nuôi giun quế của anh Khiêm.

YBĐT - Xã An Thịnh (huyện Văn Yên - Yên Bái) hiện đang triển khai mô hình nuôi giun quế là mô hình đơn giản, vốn ít nhưng hiệu quả kinh tế cao và nông dân ai cũng làm được. Thế nhưng đáng tiếc là mô hình này chưa được người dân biết đến nhiều.

Cán bộ kiểm lâm sử dụng máy GPS trong điều tra quy hoạch rừng.

YBĐT - Bản Công là xã luôn có nguy cơ cháy rừng cao của huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng cuối tháng 3/2009, đã xảy ra 1 vụ cháy làm thiệt hại 3 ha rừng sản xuất. Nguyên nhân là do người dân đốt nương gây cháy rừng. Hiện Trạm Tấu vẫn chưa tìm ra “thuốc” đặc trị để hạn chế cháy rừng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục