Chủ động “4 tại chỗ” trong phòng chống lụt, bão lũ năm 2009
- Cập nhật: Thứ năm, 11/6/2009 | 12:00:00 AM
Ông Nguyễn Xuân Diệu – Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống lụt bão (ảnh) đã có trao đổi với về công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó trước mùa mưa bão năm 2009.
|
- Xin ông cho biết ngay tại thời điểm này, công tác chuẩn bị ứng phó với mùa lụt bão 2009 đang được triển khai như thế nào?
+ Đến thời điểm này, đã bắt đầu bước vào mùa mưa lũ, bão. Các Bộ, ngành, chính quyền các cấp đã tập trung và chủ động chuẩn bị tốt các mặt công tác, sẵn sàng ứng phó với thiên tai xảy ra, cơ bản như sau:
Đã tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập nâng cao kĩ năng và nhận thức cho cán bộ và nhân dân, đồng thời đã và đang gấp rút thực hiện công tác xây dựng cơ bản các công trình PCLB, đảm bảo tiến độ, sẵn sàng trước mùa mưa bão năm nay (như tu bổ đê điều, xây cống, làm kè, trồng rừng, công trình hồ chứa nước, các công trình trú tránh bão cho tàu thuyền v.v.); những công trình đang thi công đã được chuẩn bị phương án bảo vệ, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão; mua sắm trang thiết bị phục vụ tìm kiếm cứu nạn.
Hiện tại, các Bộ, ngành trung ương, địa phương các cấp đã bố trí bộ phận thường trực theo dõi sát tình hình thiên tai, sẵn sàng chỉ đạo đối phó kịp thời, có hiệu quả các tình huống xảy ra.
- Thời tiết và khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Vậy để ứng phó với những diễn biến bất thường này, chúng ta đã có kế hoạch gì để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão lũ gây ra?
+ Phân lũ là một trong những giải pháp buộc phải sử dụng trong những trường hợp bất khả kháng.
Các khu phân lũ đã được dự kiến và chuẩn bị trước, theo đó, khu vực phân lũ được chỉ đạo chuẩn bị chu đáo từ phương án ứng phó, địa điểm sơ tán dân, phương án tìm kiếm cứu nạn, được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, để chủ động ứng phó khi phân lũ.
Tuy nhiên, dù chúng ta có chuẩn bị chu đáo đến mấy cũng không thể tránh khỏi thiệt hại, chủ yếu là lúa, hoa màu và những vật dụng không thể di chuyển đi nơi khác được. Ngoài ra, đối với người dân đã được tổ chức sơ tán nhưng không thể tránh khỏi sơ suất hay những tai nạn đáng tiếc do tình huống mưa, lũ khẩn cấp.
Để khắc phục vấn đề trên, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu rà soát quy hoạch phòng, chống lũ ở các lưu vực sông để đầu tư xây dựng các công trình, tiến tới xoá bỏ các khu phân chậm lũ. Hiện nay, đối với hệ thống sông Hoàng Long (Ninh Bình) đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ, đang xây dựng lại tràn Lạc Khoái để chủ động phân lũ, tràn Đức Long – Gia Tường tôn cao bằng mặt đê hiện tại, đồng thời từng bước tôn cao đê sông Hoàng Long, nạo vét lòng sông. Các công trình trên khi thi công xong sẽ giảm được số lần phải phân chậm lũ vào các khu vực trên. Nếu có phải phân chậm lũ cũng chủ động và ít nguy hiểm hơn trước đây.
Các khu vực phân chậm lũ trên hệ thống sông Hồng như phân lũ sông Đáy, chậm lũ Tam Thanh, Lập Thạch, Lương Phú, hiện nay Bộ Nông nghiệp và PTNT đang nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ trong điều kiện có thêm các hồ thượng nguồn để tiến tới bỏ các khu phân chậm lũ.
- Có thể nói, công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai được đánh giá khá chủ động và có kinh nghiệm nhưng thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Vậy xin ông cho biết cần những giải pháp gì để hạn chế những tồn tại hiện nay trong công tác này?
+ Công tác phòng, chống lụt bão cần được thực hiện theo nguyên tắc “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả” với phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Chuẩn bị vật tư phương tiện tại chỗ và hầu cần tại chỗ. Để thực hiện tốt phương châm trên, trong thời gian tới cần tiếp tục tập trung thực hiện một số biện pháp chung sau đây:
Thứ nhất là phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống thiên tai trong cán bộ và nhân dân; tuyên truyền pháp luật về đê điều và PCLB; Đồng thời. tăng cường công tác dự báo, phấn đấu nâng cao độ chính xác và kéo dài thời gian dự báo bão, mưa, lũ…
Đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình lớn cấp quốc gia đã phê duyệt như: Chương trình nâng cấp đê biển, đê sông, nâng cấp hồ chứa; Chương trình đảm bảo an toàn ngư dân - khu neo đậu tàu thuyền; Chương trình cụm tuyến dân cư - đảm bảo an toàn dân cư trong vùng ngập lũ; chương trình trồng rừng; chương trình di dân ra khỏi khu vực thiên tai lũ quét, sạt lở đất…
Cần rà soát công tác quy hoạch và đầu tư, đảm bảo tiêu thoát nước đô thị; Rà soát quy hoạch và chuẩn bị các điều kiện để tiến tới bỏ phân lũ, chậm lũ; Nâng cao năng lực công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ. Hỗ trợ thêm phương tiện, thiết bị cho cấp tỉnh, huyện.
Và hơn hết, chúng ta cần thực hiện các chính sách xã hội, làm tốt công tác cứu trợ thiên tai và khắc phục hậu quả bão, lụt.
(Theo Website Chính phủ)
Các tin khác
YBĐT - Trong 3 năm trở lại đây, từ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh Yên Bái, huyện Trạm Tấu được đầu tư xây dựng 27 công trình giao thông với tổng trị giá trên 123,5 tỷ đồng.
Theo Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Samsung Electronics Việt Nam Yoo Young Bok, lô hàng điện thoại di động đầu tiên gồm 20.000 chiếc "made in Vietnam", vừa được xuất khẩu sang Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, Thái Lan và Singapore.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Nguyễn Mạnh Cường ngày 8.6 đã ký công văn số 347/TCDL-LH đề nghị các Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn nhanh chóng thông báo ngay tình hình diễn biến dịch cúm A/H1N1 tại Việt Nam tới các đối tác nước ngoài để họ yên tâm đưa khách đến Việt Nam.
YBĐT - Hơn chục năm trở lại đây, cứ vào vụ thu hoạch quế, nông dân Văn Yên (Yên Bái) lại thấp thỏm lo âu mất giá. Giá quế không cải thiện trong khi tiền, công đầu tư thì ngày một lớn, khiến đời sống người trồng quế còn gặp nhiều khó khăn. Đã có lúc, người trồng quế tính chuyện chặt quế để trồng các loại cây khác.