Mù Cang Chải: Ý thức người tham gia giao thông còn nhiều hạn chế

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/6/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tính đến trung tuần tháng 6/2009, lực lượng cảnh sát giao thông huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã xử lý 452 trường hợp vi phạm (trong đó chủ yếu là các lỗi không đội MBH; điều khiển phương tiện giao thông chạy quá tốc độ cho phép và chở quá số người quy định)...

Ở vùng đồng bào Mông hiện nay vẫn còn tình trạng người tham gia giao thông không chấp hành các quy định của Nhà nước về an toàn giao thông. (Ảnh: Thu Trang)
Ở vùng đồng bào Mông hiện nay vẫn còn tình trạng người tham gia giao thông không chấp hành các quy định của Nhà nước về an toàn giao thông. (Ảnh: Thu Trang)

Quan sát trên tuyến đường tại khu vực Ngã Ba Kim (Púng Luông) và đoạn quốc lộ 32 khu vực trước trụ sở UBND xã Cao Phạ, dễ dàng bắt gặp những trường hợp người dân điều khiển mô tô xe máy không đội mũ bảo hiểm (MBH) hoặc có đội chỉ mang tính đối phó như: không cài quai, cầm mũ trên tay. Nhiều người cho rằng, khi đi trên các tuyến đường gần hay đi chợ, đi làm nương, làm ruộng thì không cần phải đội MBH. Do đó, khi bị lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện, họ tìm mọi cánh để qua mặt lực lượng chức năng, tránh bị xử phạt như: quay đầu xe bỏ chạy với tốc độ cao, dừng xe vào bên đường rồi bỏ đi, thậm chí đưa ra lý sự để xin không bị xử lý.

Ông Nguyễn Đình Huân - Đội phó Đội Cảnh sát giao thông huyện cho biết: “Đồng bào Mông, đặc biệt là những hộ sinh sống tại các thôn bản vùng cao, đa phần chưa hiểu biết luật, hoàn cảnh kinh tế lại khó khăn nên làm thế nào để vừa xử lý đúng với luật định, vừa có tính chất giáo dục để đồng bào lần sau không tái vi phạm là vấn đề chúng tôi luôn đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân nên hiện nay số trường hợp vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông (ATGT) đang có chiều hướng ngày càng gia tăng. Tính đến trung tuần tháng 6/2009, lực lượng cảnh sát giao thông huyện đã xử lý 452 trường hợp vi phạm (trong đó chủ yếu là các lỗi không đội MBH; điều khiển phương tiện giao thông chạy quá tốc độ cho phép và chở quá số người quy định)... Công an tạm giữ 50 xe máy; gửi 200 thông báo vi phạm về địa phương, cơ quan, đơn vị công tác; phạt hành chính nộp ngân sách trên 130 triệu đồng”.

Tình trạng chấp hành pháp luật về trật tự ATGT trên các tuyến quốc lộ đã  kém nhưng trên các tuyến đường liên thôn, liên bản thì ý thức của người dân khi tham gia giao thông còn kém hơn rất nhiều. Trên các tuyến đường này, gần như phần lớn người dân khi tham gia giao thông đều không đội MBH. Nhiều người vi phạm cho rằng, nếu không có sự hiện diện tuần tra kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông thì không cần phải đội MBH. Thêm vào đó, do trình độ hạn chế nên hầu hết lực lượng công an các xã trên địa bàn Mù Cang Chải chưa thực hiện được nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, từ đó chưa tạo ra được những răn đe cần thiết đối với các đối tượng cố tình vi phạm.

Qua tìm hiểu, được biết nguyên nhân là do đa phần lực lượng công an xã chưa nắm chắc được Luật Giao thông đường bộ cũng như các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực đảm bảo trật tự ATGT nên không biết lập biên bản đối với các trường hợp vi phạm. Do đó, trên địa bàn huyện chỉ còn duy nhất lực lượng công an thị trấn Mù Cang Chải là còn duy trì được các hoạt động tuần tra kiểm soát, đảm bảo trật tự ATGT.

Ý thức của người dân khi tham gia giao thông yếu nên khi tai nạn giao thông xảy ra, những thiệt hại về tính mạng và tài sản là điều không thể tránh khỏi. Điển hình như vụ tai nạn thương tâm xảy ra ngày 10/ 5/ 2009, tại km 301 + 200 Quốc lộ 32 (địa phận thuộc tổ 1, thị trấn Mù Cang Chải) giữa xe ôtô mang BKS 28H-1632 do Nguyễn Thế Anh, sinh năm 1983, trú tại Gia Cẩm (Việt Trì - Phú Thọ) điều khiển với xe môtô mang BKS 21V7-7079 do Sùng A Sinh, 24 tuổi, trú tại bản Nả Háng, xã Chế Tạo (huyện Mù Cang Chải) điều khiển phía sau chở chị Giàng Thị Phâu, 20 tuổi, ở cùng địa chỉ. Do không đội MBH nên khi vụ tai nạn xảy ra chị Phâu đã tử vong ngay tại chỗ.

Bỏ qua sự an toàn của bản thân, không nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước trong tham gia giao thông đường bộ đã và đang là thực trạng đáng báo động và gây nhiều bức xúc trong công tác đảm bảo trật tự ATGT tại Mù Cang Chải. Được biết, năm 2009, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện đã tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT bằng cả hai thứ tiếng Việt, Mông và mở đợt cao điểm tuần tra kiểm soát xử lý các vi phạm, tuy nhiên do trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền pháp luật tại cơ sở còn hạn chế cộng với giao thông đi lại khó khăn... nên đến ý thức chấp hành pháp luật của người dân vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực.

Trước thực trạng trên, đòi hỏi các ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến từng người dân thông qua hoạt động của các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội với mục tiêu đưa Luật Giao thông đường bộ về cơ sở để mọi người hiểu và tự giác chấp hành. Các hình thức tuyên truyền cũng cần được đổi mới, rõ ràng và cụ thể hơn như: tuyên truyền bằng hình ảnh, tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hoá hay các hội thi về tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, tất cả phải được biên dịch ngắn gọn sang tiếng Mông để đồng bào dễ hiểu và làm theo.

Cùng với đó, Mù Cang Chải cần đẩy mạnh công tác biểu dương những cá nhân, tổ chức, đơn vị điển hình trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Đồng thời, nghiêm túc kiểm điểm, phê phán và xử lý đúng người, đúng lỗi đối với các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, cần nhanh chóng chấn chỉnh lại hoạt động tuần tra kiểm soát của lực lượng công an các xã, để công tác đảm bảo trật tự ATGT có những chuyển biến tốt ngay từ cơ sở.

Đức Thành

Các tin khác

Theo Bộ NN - PTNT, những tháng gần đây, tác động của suy thoái kinh tế thế giới đã khiến nhiều mặt hàng thủy sản của Việt Nam bị giảm giá, khó tiêu thụ.

Ngày 26-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động của các ngân hàng 6 tháng đầu năm, các giải pháp 6 tháng cuối năm 2009.

Vận hành dây chuyền sản xuất chè đen CTC ở công ty cổ phần Chè Văn Hưng.

YBĐT - Thời điểm này, 3 nhà máy chế biến công suất 40 tấn búp tươi, tương đương 1.000 tấn chè thành phẩm của Công ty cổ phần Chè Văn Hưng, huyện Yên Bình (Yên Bái) vẫn rình rình chạy, trong khi nhiều nhà máy chế biến khác nằm im hoặc chạy cầm chừng do thiếu nguyên liệu.

Chăn nuôi trâu ở xã Tô Mậu (huyện Lục Yên).
(Ảnh: Thanh Chi)

YBĐT - Để kinh tế phát triển phù hợp với thực tế địa phương, Đảng bộ, chính quyền xã Minh Chuẩn, huyện Lục Yên (Yên Bái) xác định lấy nông nghiệp làm mũi nhọn. Để tạo tính chủ động trong sản xuất, hàng năm, xã luôn coi trọng xây dựng kế hoạch, cơ cấu mùa vu, nghiên cứu, thảo luận và lấy ý kiến nhân dân, tạo sự đồng thuận về nhận thức cũng như hành động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục