Doanh nghiệp và HTX nông nghiệp: Phải là cầu nối giữa nông dân với thị trường

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/11/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Gặp không ít khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, nhưng trong vòng gần chục năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh liên tục giành được những kết quả đáng khích lệ. Yên Bái không chỉ bảo đảm được an ninh lương thực mà một số sản phẩm như: lúa, gạo hàng hoá và ngô, đậu tương, chè, rừng, cây ăn quả đã đi vào sản xuất tập trung, tạo khối lượng hàng hoá lớn.

Nông dân Văn Yên chăm sóc ngô đông.
Nông dân Văn Yên chăm sóc ngô đông.

Một trong những thành công mang lại giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp là do tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, cùng với tăng cường tiếp thu các giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các địa phương đã làm công tác quy hoạch và xây dựng chiến lược sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng hàng hoá và thị trường. Đến nay, không chỉ hình thành vùng lúa, gạo hàng hoá Mường Lò (Văn Chấn, Nghĩa Lộ) mà còn lan rộng đến Vĩnh Kiên, Bạch Hà (Yên Bình), Đại – Phú - An (Văn Yên)… với sản lượng mỗi năm cũng hơn chục ngàn tấn. Vùng cam, quýt, nhãn (Văn Chấn), bưởi Đại Minh (Yên Bình), rồi phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn bán công nghiệp ở khắp các địa phương trong tỉnh đã thực sự thành hàng hoá, góp phần không nhỏ trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Trên 200 ngàn ha rừng kinh tế, sản lượng khai thác mỗi năm cũng đạt trên 150 ngàn m3 gỗ các loại; 13 ngàn ha chè, sản lượng búp đạt 80 ngàn tấn, bình quân mỗi năm tăng 5 ngàn tấn…

Có thể nói, bà con nông dân từ vùng thấp đến vùng cao, sản xuất nông - lâm nghiệp đã vươn ra thị trường. Tuy nhiên, hoạt động tiêu thụ nông sản những năm qua trên địa bàn vẫn còn nhiều bất cập và nó đang là một rào cản lớn cho phát triển. Việc tiêu thụ nông sản hiện tại phần lớn vẫn là do các tư thương đứng ra thu mua, sơ chế, bảo quản và bán ra thị trường. Việc tiêu thụ nông sản có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ tăng giá trị mà còn thúc đẩy sản xuất. Do vậy, yêu cầu đặt ra cần có các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản một cách bền vững, trong đó hình thức tiêu thụ thông qua các HTX dịch vụ nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo.

Nhưng thời gian qua, các HTX nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp vẫn chưa thể hiện hết vai trò của mình hay nói một cách khác là “quên” vai trò này. Hiện toàn tỉnh có 306 HTX, trong đó có 114 HTX nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp và chế biến nông sản. Số HTX trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp thì nhiều, nhưng số HTX đứng ra ký kết hợp đồng, tiêu thụ nông - lâm sản cho nông dân thì rất ít. Hầu hết số HTX nông - lâm nghiệp này hoạt động làm dịch vụ cung ứng vật tư đơn thuần, còn vai trò tiêu thụ, cầu nối nông dân với thị trường gần như bỏ trống. Ngược lại, sản lượng nông - lâm sản ngày càng nhiều, người nông dân rất cần có một hệ thống tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững.

Việc tiêu thụ nông sản trong thời gian qua, chủ yếu là người nông dân đem bán ra thị trường, chợ nông thôn, tư thương trực tiếp đứng ra thu mua với người sản xuất theo giá thỏa thuận, chứ không có ký kết hợp đồng ngay từ đầu vụ, đầu chu kỳ sản xuất. Từ yếu tố đó, mỗi khi có sản phẩm muốn tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn, tư thương ép giá, nông dân luôn lo ngại thị trường bấp bênh, dẫn tới không mạnh dạn đầu tư sản xuất. Không mạnh dạn đầu tư sản xuất thì không thể nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm được? Cái vòng luẩn quẩn giữa sản xuất và thị trường đã kìm hãm quá trình phát triển là điều dễ hiểu.

Qua tìm hiểu, hầu hết các hộ sản xuất lúa, chè đến lâm nghiệp đều có mong muốn HTX nông nghiệp đại diện cho hộ sản xuất đứng ra ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với tư thương, doanh nghiệp ngay từ đầu vụ, có thoả thuận về số lượng, chất lượng, giá cả cũng như tiền vốn, vật tư ứng trước cho người sản xuất. Hay nói cánh khác là tổ chức tiêu thụ nông - lâm sản thông qua hợp đồng.

Trong quá trình phát triển nông - lâm nghiệp hàng hoá bền vững và hiệu quả thì đây là hình thức tiêu thụ nông sản có tính ưu việt nhất. Bởi nó giúp cho nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, có thu nhập ổn định, không bị thiệt thòi, ép giá trong tiêu thụ sản phẩm. Việc tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng không phải là mới mà đã có những doanh nghiệp, HTX thực hiện nhưng doanh nghiệp, HTX tham gia còn ít, vật tư và tiền ứng trước cho dân còn hạn chế. Một số ít hợp đồng không thực hiện được là do nông dân mang sản phẩm ra bán bên ngoài giá cao hơn hợp đồng, tiềm lực tài chính của doanh nghiệp, HTX còn yếu, chưa đủ sức tham gia vào lĩnh vực này, sự chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương chưa quyết liệt…

Để đẩy mạnh hình thức liên kết sản xuất tiêu - thụ nông sản thông qua hợp đồng giữa HTX với nông dân, trước hết phải đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của bà con nông dân về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ khi tham gia hợp đồng. Về phía doanh nghiệp, HTX cần tuân thủ nghiêm hợp đồng với nông dân, khi nông sản hạ giá, người nông dân cũng không được bán sản phẩm ra ngoài khi ra giá cao. Nhà nước cần tạo cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp, HTX ký kết hợp đồng và là trọng tài khi doanh nghiệp, nông dân chưa có tiếng nói chung trong cùng một lĩnh vực.

Thanh Phúc

Các tin khác
Sản xuất, chế biến chè là nguồn thu chủ lực trong công tác thu ngân sách từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ở huyện Văn Chấn.

YBĐT - Năm 2009, Chi cục Thuế (CCT) huyện Văn Chấn được tỉnh Yên Bái giao dự toán thu cân đối ngân sách là 24 tỷ đồng, tăng 36% so với dự toán năm 2008; huyện giao chỉ tiêu phấn đấu là 26 tỷ. Tuy nhiên, thực hiện chính sách giảm, gia hạn nộp thuế theo chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ và triển khai Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã làm giảm thu khoảng 4 tỷ đồng.

Ngân hàng (NH) không áp dụng lãi suất cho vay thỏa thuận đối với các khoản vay để đầu tư bất động sản, tài sản tài chính (vàng, ngoại tệ, chứng khoán và các tài sản tài chính khác) và hoạt động có liên quan đến sản xuất - kinh doanh. Đó là nội dung trong công văn 8883 ngày 12-11 của thống đốc NH Nhà nước.

Lúc 16 giờ ngày 15-11, giá vàng thế giới ở mức 1.118,5 USD/ounce, tăng 16,2 USD/ounce so với giá trước một ngày. Cùng lúc, giá vàng miếng SJC trên thị trường tại TPHCM chốt ở mức 26,30 triệu đồng/lượng (thu vào) 26,65 triệu đồng/lượng (bán ra).

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn.

Ngày 14-11, tại TP Hồ Chí Minh, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo, lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị định của Chính phủ về kinh doanh, xuất khẩu (XK) gạo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục