Quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/12/2009 | 12:00:00 AM

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, những năm qua các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, nhờ đó, công tác quản lý và bảo vệ rừng có những tiến bộ đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, tình trạng chặt phá rừng vẫn diễn ra nghiêm trọng.

Diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng
ở Phú Thọ.
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng ở Phú Thọ.

Những tín hiệu khả quan

Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ rừng Cục Kiểm Lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Ðỗ Thanh Hải cho biết, chín tháng đầu năm 2009 cả nước phát hiện hơn 30 nghìn vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó, hơn ba nghìn vụ phá rừng trái pháp luật, giảm 32%; khai thác, vận chuyển, chế biến gỗ, lâm sản trái pháp luật hơn 20 nghìn vụ, giảm 5%; vi phạm các quy định về quản lý động vật hoang dã, giảm 44 vụ; số vụ vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy rừng là 383, giảm 32 vụ... Ðể đạt được kết quả này là do những năm qua công tác bảo vệ rừng có nhiều tiến bộ, nhận thức về rừng của toàn xã hội được nâng lên; công tác xã hội hóa bảo vệ rừng thực hiện có kết quả; hệ thống pháp luật về quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản ngày càng hoàn thiện. Các cơ chế, chính sách lâm nghiệp, nhất là chính sách về đa dạng hóa các thành phần kinh tế trong lâm nghiệp, giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, được ban hành đi vào cuộc sống. Nhà nước quan tâm đầu tư cho công tác bảo vệ rừng thông qua nhiều chương trình, dự án và an sinh xã hội đã tác động tích cực vào việc bảo vệ rừng trên địa bàn cả nước. Bên cạnh đó, diện tích, độ che phủ rừng ở các địa phương tăng ổn định; hệ thống các khu rừng đặc dụng, phòng hộ ngày càng được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư, cơ bản bảo đảm mục tiêu bảo tồn các hệ sinh thái quan trọng của quốc gia. Khả năng cung cấp gỗ, lâm sản cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tăng nhanh đã tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại một số địa phương.

Mặt khác, vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng của các cấp, ngành được nâng lên; các tổ chức chính trị, xã hội có nhiều nỗ lực tham gia công tác bảo vệ, phát triển rừng, như tổ chức các đợt truy quét lâm tặc, giải tỏa các tụ điểm phá rừng trái pháp luật, ngăn chặn chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp ngoài quy hoạch. Nhiều mô hình bảo vệ, phát triển rừng có hiệu quả xuất hiện ở các địa phương, góp phần quan trọng vào khôi phục diện tích rừng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường. Nhiều địa phương thực hiện quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; tổ chức bàn giao kết quả rà soát quy hoạch ba loại rừng cho UBND huyện, xã; thực hiện theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp hằng năm. Công tác phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng được quan tâm hơn. Lực lượng kiểm lâm chủ động bám rừng, bám dân, gắn với chính quyền cơ sở, huy động sức mạnh của toàn xã hội cho sự nghiệp bảo vệ, phát triển rừng.

Hiệu quả từ giao khoán bảo vệ rừng

Theo Cục Kiểm lâm, đến hết tháng 9-2009 cả nước đã khoán bảo vệ hơn 2,5 triệu ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Công tác này góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức bảo vệ rừng của người dân, góp phần giải quyết khó khăn về đời sống cho người dân vùng sâu, vùng xa trong những năm qua. Chúng tôi đến huyện Tân Sơn (Phú Thọ), là một trong 61 huyện nghèo của cả nước, nhưng lại là huyện có phong trào giao khoán bảo vệ rừng đầu nguồn cho người dân có hiệu quả từ vài năm nay. Ðiển hình như xã Thu Cúc, một trong những địa phương xa nhất của tỉnh và cũng là nơi có nhiều rừng đầu nguồn trên địa bàn. Dọc theo quốc lộ 32A đã được trải nhựa, sau một hồi vòng vèo giữa núi rừng trùng điệp với một bên là những hàng cây keo lai mà người dân nơi đây nhận đất để trồng và một bên là mầu xanh bạt ngàn của những cánh rừng đầu nguồn đã được chia lô giao cho người dân bảo vệ, chúng tôi ghé thăm nhà bác Hoàng Văn Mải, dân tộc Mường, khu Liên Chung, xã Thu Cúc. Trong căn nhà sàn, bác Mải tâm sự: "Từ khi được Ðảng, Nhà nước giao khoán bảo vệ rừng cho người dân, chúng tôi vui lắm vì vừa có thêm thu nhập từ tiền hỗ trợ bảo vệ rừng, vừa giữ được rừng đầu nguồn tránh những thiệt hại do mưa lũ gây ra". Hiện nay cả khu Liên Chung có chín gia đình nhận bảo vệ 349,6 ha rừng đầu nguồn. Ðiều dễ nhận thấy là, từ khi được giao đến từng gia đình thì việc khai thác trộm gỗ và tình trạng cháy rừng giảm đáng kể. Cũng như gia đình bác Mải, nhà bác Bùi Ngọc Hoàn ở khu Ðồng Tô, xã Thu Cúc cũng là gia đình luôn hoàn thành tốt việc bảo vệ 160 ha rừng đầu nguồn trong nhiều năm qua. Không những nhận khoán bảo vệ rừng, gia đình bác Hoàn còn đi tiên phong trong việc nhận 100 ha đất trống để trồng cây lâu năm vừa có thêm thu nhập, vừa góp phần vào phủ xanh đất trống, đồi núi trọc trên địa bàn.

Hiện nay, huyện Tân Sơn có hơn 70 nghìn nhân khẩu, trong đó 83% là đồng bào các dân tộc Mường, Dao, Mông, Thái, La Chí, Tày, Nùng... Toàn huyện có hơn 68 nghìn ha diện tích đất tự nhiên, trong đó chủ yếu là đất lâm nghiệp với hơn 61 nghìn ha. Ðể quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn, Hạt Kiểm lâm Tân Sơn phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ các công ty lâm nghiệp, chính quyền địa phương và các khu dân cư, thôn, bản. Thành công trong công tác bảo vệ và phát triển rừng ở Tân Sơn là đã huy động sức dân để cùng giữ rừng và phát triển rừng. Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Nguyễn Duy Vững cho biết, hạt kiểm lâm chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, đồng thời hướng dẫn người dân bỏ dần thói quen khai thác rừng bừa bãi, tìm hướng đi mới tăng thêm thu nhập như trồng rừng, trồng chè và dựa vào rừng mà phát triển chăn nuôi, phát triển ngành nghề truyền thống. Ðối tượng tuyên truyền nhằm vào hội viên Hội Cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ, học sinh các trường học. Từ đầu năm đến nay đã có hơn sáu nghìn người được tuyên truyền về trách nhiệm, phương pháp tham gia quản lý, bảo vệ rừng; tập huấn về kỹ thuật sản xuất cây giống, chăm sóc rừng trồng, phòng, chống cháy rừng...

Tình trạng chặt phá rừng vẫn diễn ra

Hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản tuy có giảm nhưng vẫn diễn ra gay gắt ở nhiều địa phương; tình trạng phá rừng trái pháp luật để lấy đất và gỗ xuất hiện tại những nơi có nhiều rừng tự nhiên, nhất là các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Bình Phước, Quảng Nam... Các địa phương thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ít có sự phối hợp, tham gia trong một chương trình hành động thống nhất của các ngành có liên quan và các tổ chức chính trị, xã hội. Việc xử lý vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất lâm nghiệp kéo dài, thiếu nghiêm minh. Một số nơi, công tác khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân hiệu quả thấp... Nguyên nhân là áp lực dân số ở các vùng có rừng tăng nhanh, dân từ nơi khác di cư tới, trong khi đó người dân địa phương phần lớn còn nghèo nên họ phá rừng lấy đất canh tác hoặc làm thuê cho đầu nậu để có tiền mua đất. Theo báo cáo của các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Bình Phước, Bình Thuận, từ năm 2005 đến năm 2008 đã có hơn 23 nghìn hộ dân di cư tự do, trong đó có khoảng 80% người dân cần có đất sản xuất. Hầu hết họ vào rừng khai hoang hoặc mua đất của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Ước tính nhu cầu thực tế của các hộ này sử dụng đất tăng thêm khoảng năm nghìn ha/năm, chủ yếu là đất có rừng và đất chưa có rừng quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp. Thu nhập từ trồng rừng thấp hơn các cây trồng khác nên người dân phá rừng lấy đất trồng các loại cây có giá trị kinh tế trước mắt cao hơn mà không tính đến lâu dài, hoặc sang nhượng trái pháp luật. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và cơ chế chính sách về lâm nghiệp ở một số địa phương chưa được thực hiện có hiệu quả. Người dân vùng sâu, vùng xa chưa nhận thức đầy đủ mục đích của việc bảo vệ và phát triển rừng nên tiếp tay cho lâm tặc phá rừng...

Có thể nói, rừng quyết định đến môi trường sống của hàng chục triệu người dân trên cả nước, đất lâm nghiệp là tư liệu sản xuất đặc biệt, do vậy công tác bảo vệ rừng đòi hỏi trách nhiệm, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, địa phương và nhân dân. Công tác quản lý, bảo vệ rừng cần được triển khai tốt hơn, tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương bảo vệ chặt chẽ đối với rừng tự nhiên, đặc biệt là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; mở rộng quyền chủ động trong sản xuất kinh doanh và nâng cao trách nhiệm tự bảo vệ đối với rừng sản xuất của chủ rừng; bảo vệ rừng gắn với phát triển, sử dụng rừng bền vững trên cơ sở duy trì diện tích phần rừng ổn định, chú trọng bảo vệ rừng tận gốc và kiểm soát lâm sản tại nơi chế biến, tiêu thụ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2006 đến hết tháng 9-2009 cả nước đã trồng mới được 730.000 ha rừng, đạt 73% (trong đó, rừng phòng hộ, đặc dụng 171.000 ha, rừng sản xuất 559.000 ha); khoanh nuôi tái sinh hơn một triệu ha, trong đó khoán bảo vệ rừng 2.598.000 ha.

(Theo NDĐT)

Các tin khác

Nhân dịp mùa Giáng sinh 2009, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific thông báo thực hiện chương trình khuyến mại đặc biệt trên các đường bay nội địa với mức giá chỉ từ 250.000 đồng/chặng kể từ ngày 15-17/12.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gà cho nông dân xã Yên Bình (huyện Yên Bình).

YBĐT - Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp ở huyện Yên Bình (Yên Bái) có nhiều chuyển biến mạnh mẽ từ năng suất, chất lượng sản phẩm đến ý thức của người dân. Đóng góp không nhỏ vào sự thay đổi đó là những tiến bộ, đổi mới trong công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật của đội ngũ cán bộ khuyến nông Yên Bình.

YBĐT - Bước vào thực hiện kế hoạch thu ngân sách năm 2009, thành phố Yên Bái phải đối mặt với không ít khó khăn do quy mô sản xuất CN- TTCN còn nhỏ lẻ. Chính phủ áp dụng một số chính sách miễn, giảm, giãn thuế cho các doanh nghiệp và một số mặt hàng do suy giảm kinh tế toàn cầu.

Trước việc thép cuộn cán nguội (CRC) kém chất lượng, giá rẻ từ Trung Quốc và Nga nhập vào Việt Nam với số lượng ngày càng lớn làm lũng đoạn thị trường, Hiệp hội Thép Việt Nam đã có văn bản "kêu cứu" gửi tới Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành tìm cách tháo gỡ để bảo vệ hàng sản xuất trong nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục