Ì ạch ngành công nghiệp ôtô

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/12/2009 | 12:00:00 AM

Cách đây 15 năm khi các liên doanh lắp ráp ôtô VN bắt đầu hoạt động, nhiều người hi vọng: VN sẽ có một ngành công nghiệp ôtô sau 10-15 năm. Tuy nhiên kết quả kiểm tra tại một số công ty sản xuất ôtô mới đây cho thấy phần lớn có dây chuyền sản xuất lạc hậu, còn xe thì tỉ lệ nội địa hóa rất thấp.

Lắp ráp ôtô Ginger tại Công ty Vinastar.
Lắp ráp ôtô Ginger tại Công ty Vinastar.

Thời gian qua, những tranh cãi về việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, xương sống cho ngành công nghiệp ôtô, vẫn cứ lặp đi lặp lại. Nhà sản xuất cho rằng thị trường quá nhỏ không thể lôi kéo nhà đầu tư công nghiệp phụ trợ vào đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước lại cho rằng nhà sản xuất đã được hưởng quá nhiều ưu đãi về thuế nhưng lại không chịu phát triển.

Giậm chân tại chỗ

Đề xuất ưu đãi cho loại ôtô chiến lược

Bộ Công thương đã trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất dòng xe đa dụng 6-9 chỗ ngồi (dung tích động cơ nhỏ hơn 1,5l) được hưởng ưu đãi về thuế nhằm khuyến khích dòng xe này phát triển. Theo đó, thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ còn 30% (các xe khác là 45-60%). Phí trước bạ sẽ là 2%, thuế VAT 5% (xe khác là 10%)...

Nhà sản xuất loại ôtô chiến lược và doanh nghiệp sản xuất phụ trợ cho dòng xe này sẽ được miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, được hưởng thuế 0% cho nhập khẩu máy móc, nguyên liệu phục vụ sản xuất xe chiến lược.

Anh Nghĩa - nhân viên kỹ thuật đã có 13 năm làm việc tại nhà máy của liên doanh sản xuất và lắp ráp ôtô Vinastar, mới đây khi đưa chúng tôi xem một vòng dây chuyền lắp ráp ôtô bảy chỗ Ginger tại nhà máy - đã thừa nhận: “So với thời gian đầu dây chuyền lắp ráp đã được đầu tư thêm, công nghệ kỹ thuật cũng có nhiều biến đổi nhưng năng suất lắp ráp vẫn không thay đổi nhiều. Các linh kiện lắp ráp cho các sản phẩm ôtô tại nhà máy chủ yếu phải nhập từ nước ngoài, chỉ có vỏ bánh xe, bình acquy và vài linh kiện không quan trọng khác là của VN”.

Theo ông Masashi Kudo, tổng giám đốc Vinastar, hiện đơn vị này lắp ráp ba dòng xe, một dòng xe tải và hai dòng xe bảy chỗ là Ginger, Grandis. Ngoài ra, đơn vị này còn nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan một dòng xe bán tải. Trong đó linh kiện lắp ráp các xe trên phần lớn đều nhập khẩu, chỉ có vỏ xe và bình ăcquy được sản xuất ở VN.

“Chúng tôi đã tìm kiếm đối tác có khả năng sản xuất những chi tiết cho việc sản xuất ôtô ở VN nhưng không thể nào tìm ra đối tác đạt tiêu chuẩn”, ông Kudo cho hay. Chính vì vậy, Vinastar và nhiều liên doanh sản xuất và lắp ráp ôtô ở VN chọn con đường nhập khẩu linh kiện từ Nhật, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia…để hoàn thiện dây chuyền lắp ráp sản phẩm của mình.

Đại diện một nhà sản xuất ôtô Nhật Bản tại VN cho biết để sản xuất ra một chiếc ôtô, Hãng Toyota cần có 1.600 nhà cung cấp các loại chi tiết, linh kiện. Ở Hãng Mercedes con số này cũng vào khoảng 1.400 nhà cung cấp. Trong khi đó ở VN nhà sản xuất lắp ráp ôtô lớn nhất hiện nay là liên doanh Toyota VN (TMV) mới chỉ có hơn 11 doanh nghiệp cung cấp các phụ tùng đơn giản như ăcquy, dây điện, tấm che nắng, linh kiện nhựa, linh kiện cao su…

Tỉ lệ nội địa hóa quá thấp

Kết quả thanh tra tại sáu công ty sản xuất, lắp ráp ôtô (chủ yếu là các doanh nghiệp liên doanh, có vốn đầu tư nước ngoài) của đoàn thanh tra Bộ Tài chính cho thấy tính đến năm 2008, các công ty đều có dây chuyền sản xuất, lắp ráp ôtô lạc hậu (chủ yếu lắp ráp thủ công). Đặc biệt, hiện đã gần hết thời hạn ưu đãi đầu tư nhưng việc đầu tư cho sản xuất linh kiện, phụ tùng trong nước của các doanh nghiệp này là không đáng kể. Các công ty liên doanh chủ yếu nhập khẩu linh kiện, phụ tùng về lắp ráp, còn phần mua thiết bị sản xuất trong nước là rất nhỏ.

Tại Công ty Toyota VN, tỉ lệ nội địa hóa bình quân là 7% giá trị xe, trong khi theo giấy phép đầu tư cấp lần đầu thì tỉ lệ nội địa hóa của công ty này phải đạt ít nhất 30% sau 10 năm, kể từ năm 1996. Tại Công ty TNHH VN Suzuki tỉ lệ này còn thấp hơn: chỉ 3% vào thời điểm thanh tra, trong khi yêu cầu trong giấy phép đầu tư là phải đạt 38,2% vào năm 2006. Công ty TNHH Ford VN chỉ đạt 2%, một số công ty khác cũng chỉ đạt 4%...

Trong khi đó chương trình nội địa hóa theo chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô VN đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, tỉ lệ sản xuất trong nước các loại xe thông dụng (xe tải, xe khách, xe con), xe chuyên dùng phải đạt 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010. Tỉ lệ nội địa hóa các loại xe du lịch cao cấp phải đạt 20-25% vào năm 2005 và 40-45% năm 2010.

Mới đi “ phần ngọn”

Sẽ nhập khẩu thay vì sản xuất?

Theo một số chuyên gia, đến năm 2018 khi thuế nhập khẩu ôtô giảm xuống 0%, các nhà sản xuất lắp ráp ôtô tại VN sẽ có hai lựa chọn: tiếp tục sản xuất tại VN hoặc nhập khẩu, bán các sản phẩm đã sản xuất tại các nước ASEAN khác. Chưa biết sẽ ra sao, nhưng hiện nay một số doanh nghiệp sản xuất ôtô đã được phép nhập khẩu ôtô bán trên thị trường nội địa.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp (Bộ Công thương) phó giáo sư - tiến sĩ Phan Đăng Tuất từng ví von ngành công nghiệp ôtô như một quả núi thì các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp là phần ngọn, còn phần quan trọng nhất là chân núi chính là công nghiệp phụ trợ.

Theo ông Tuất, số doanh nghiệp sản xuất linh kiện tại VN hiện còn quá ít, chỉ khoảng 60 doanh nghiệp, chưa kể là các doanh nghiệp đó chỉ làm được một số loại sản phẩm như săm, lốp, dây điện, trong khi đó ở Thái Lan con số này là trên 1.000.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp lắp ráp ôtô tại VN cho rằng VN đã chậm một bước trong việc đầu tư và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp ôtô. Thái Lan phải mất 15-20 năm để tạo ra một ngành công nghiệp phụ trợ lớn mạnh do họ đã chọn dòng ôtô bán tải để tập trung phát triển cho thị trường nội địa, xuất khẩu.

Tuy nhiên ông này cho rằng các doanh nghiệp VN hoàn toàn có thể đầu tư, xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện, phụ kiện cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô tại VN với điều kiện các sản phẩm này phải cạnh tranh về giá, chất lượng với các sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Indonesia... Bằng cách nào?

Ông này chia sẻ: cơ quan nhà nước làm đầu mối cho công nghiệp phụ trợ, đồng thời có chính sách thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất linh kiện cho các doanh nghiệp trong nước, bởi hiện tại khó có thể hi vọng các công ty liên doanh ôtô trong nước làm được việc này.

(Theo TPO)

Các tin khác

Giá vàng thế giới trong phiên giao dịch đêm qua (22/12) trên sàn New York tiếp tục giảm mạnh phiên thứ hai liên tiếp và xuống mức thấp nhất trong 7 tuần qua do đồng USD tiếp tục tăng giá sau thông tin số lượng nhà được bán tại Mỹ tăng ấn tượng.

Rừng tự nhiên ở xã Việt Hồng (Trấn Yên) được bảo vệ và phát triển tốt.

YBĐT - Những năm qua, Trấn Yên (Yên Bái) đặc biệt qua tâm đến việc trồng và bảo vệ rừng; lấy đồi rừng làm trọng tâm trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Toàn huyện hiện có 14,274 ha rừng tự nhiên, tập trung ở các xã: Việt Hồng, Kiên Thành, Hồng Ca, Lương Thịnh… và hơn 3 vạn ha rừng trồng phủ kín toàn bộ diện tích còn lại.

Tham tán thương mại VN tại Hoa Kỳ cho biết, đến tháng 10-2009, kim ngạch xuất khẩu của VN vào Hoa Kỳ đạt gần 10,3 tỉ USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2008. Kim ngạch xuất khẩu giảm chủ yếu do giá cả giảm mạnh.

Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới tiếp tục được đào sâu.

Sự sụt giảm mạnh trên thị trường vàng thế giới đã kéo giá vàng trong nước sáng nay (22.12) xuống dưới mốc 27 triệu đồng/lượng, ở mức 26,7 triệu đồng/lượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục