Chuyện làm ăn ở Zế Su Phình
- Cập nhật: Thứ tư, 23/12/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đời sống của trên 340 hộ người Mông ở Zế Su Phình, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đang có những cải thiện đáng kể nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và nội lực của chính những cán bộ, người dân trong xã. Chuyện làm ăn ở Zế Su Phình quả có nhiều cái mới, cái hay nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có những nỗ lực lớn, những đột phá trong cung cách làm ăn ở vùng cao này...
Các hộ nghèo ở Zế Su Phình được hỗ trợ làm nhà theo Quyết định 167.
Ảnh: Ông Trang Dư Phà (trái) ở bản Zế Su Phình A bên ngôi nhà sắp hoàn thiện.
|
Ông Trang A Ký, 68 tuổi ở bản Zế Su Phình A tiếp chuyện chúng tôi bên bếp lửa trong ngôi nhà gỗ truyền thống của người Mông, nhưng mái gỗ bạc thếch đã được thay bằng mái brôximăng chắc chắn. Ông nói: “Nhà nước cho mình đấy! Cho mình mái lợp tốt, cho vay tiền mua trâu, cán bộ bảo dân cách làm ngô, làm lúa mới. Bản mình đã khá hơn rồi!”. Vụ rồi, gia đình ông Ký thu 1,5 tấn thóc, 1 tấn ngô, cộng thêm chăn nuôi và bảo vệ rừng cũng tạm đủ, không còn đứt bữa như trước. Bản Zế Su Phình A có 77 hộ, là bản tiên phong trồng lúa giống mới và trồng ngô lai thu đông.
Ông Giàng Vảng Tồng – một trong những người gương mẫu làm ngô thu đông kể: “Lúc đầu rất khó vận động bà con. Cán bộ, đảng viên mình phải làm trước, có kết quả tốt rồi thì cả bản làm theo thôi!”. Trong 30 ha ngô hè thu của cả xã, Zế Su Phình A trồng 15 ha, tiên phong là các đảng viên Giàng Vảng Tồng, Giàng Dua Của, Trang A Páo... Phó chủ tịch UBND xã - Đỗ Công Chúng tiếp chuyện: “Ngô hè thu năm nay bà con đã trồng 50 ha, trong đó trên 33 ha là ngô lai, còn lại bà con trồng giống địa phương. Vụ thu đông xã trồng trên 13 ha nữa, tổng cộng diện tích ngô hai vụ trên 63 ha”.
Trồng ngô hai vụ ở vùng cao là một nét mới trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây, con, mùa vụ. Zế Su Phình một năm chỉ làm một vụ lúa mùa, diện tích trên 145 ha, theo bà con thì do thời tiết quá khắc nghiệt, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ phải từng bước, rất kỳ công, gần đây xã đã chỉ đạo bà con tận dụng đất đai trồng đậu tương. Kỹ thuật đã có khuyến nông viên Dông Phúc Khuê hướng dẫn, giống đã có Nhà nước hỗ trợ nên năm nay Zế Su Phình trồng được 15 ha đậu tương trên đất ruộng một vụ và đất nương rẫy.
Năng suất bước đầu chưa cao nhưng nhân dân rất phấn khởi vì có thêm thu nhập từ cây trồng mới. Bí thư Đảng ủy xã - Trang Sông Lử vui vẻ kể thêm chuyện nuôi cá chép lai thả ruộng - một chuyện mới ở đất núi người Mông. Cũng khá bài bản, xã chọn diện tích, chọn các hộ tích cực ở bản Ma Lù Thàng, Zế Su Phình A, Zế Su Phình B để xây dựng mô hình. Vụ vừa qua, 25 hộ ở ba bản này đã thả 9.700 con giống trên diện tích 1,8 ha. Chưa cao về sản lượng nhưng qua thu hoạch các hộ rất phấn khởi vì trên một diện tích ruộng thu tới hai sản phẩm.
Chuyện làm ăn ở vùng cao Zế Su Phình có nhiều cái mới, cái hay. Năm nay, các bản: Ma Lù Thàng, Zế Su Phình A, Zế Su Phình B, Háng Cuốn Rùa, Chống Sua đã trồng cỏ voi cho trâu, bò ăn. Theo Phó chủ tịch UBND xã thì cứ một hộ có một con trâu, bò. Người Mông Zế Su Phình chưa từng trồng cỏ cho trâu, bò ăn, với bà con đó là chuyện lạ.
Khuyến nông viên Dông Phúc Khuê và cán bộ phải giải thích: trồng cỏ là tăng thêm thức ăn cho trâu bò, có đủ cỏ thì không phải thả rông trên núi, trâu, bò không lo chết đói, chết rét. Bà con chưa thông lắm, huyện chủ động đưa về 3.300 kg cỏ giống, xã giao cho những gia đình tích cực làm mô hình, tổng diện tích 2 ha. Cỏ tốt bời bời, trâu bò đủ thức ăn, mùa đông có chuồng trại ấm áp, không chết đói, chết rét nên bà con thông ngay. Đời sống của người Mông ở Zế Su Phình thực sự có những cải thiện tốt hơn, làm lúa, ngô, chăn nuôi, thả cá ruộng, bà con cũng tham gia nhận khoán bảo vệ rừng cho Nhà nước. Zế Su Phình hiện có 2.511 ha rừng, trong đó trên 1.109 ha rừng tự nhiên, 1.402 ha rừng trồng. Năm nay, nhân dân đã tham gia khai thác 230 m3 gỗ thông, 3.000 kg nhựa thông ở thôn Chống Sua và Háng Cuốn Rùa, lao động địa phương nhờ đó đã có thêm việc làm, thu nhập.
Đúng là đang có những cái mới, cái hay trong câu chuyện làm ăn của người Mông ở Zế Su Phình, nhưng con đường thoát nghèo ở vùng cao này vẫn còn gian nan. Trồng ngô có kết quả nhưng diện tích chưa nhiều, ngô năng suất thấp; trồng lúa lai 838 nhưng sản lượng thóc thu về chưa cao; đậu tương, cá chép lai thả ruộng cũng tương tự; trâu, bò chưa có biện pháp nhân đàn hiệu quả... Nhà nước đã đầu tư khá lớn cho vùng cao, đường ô tô đã tới trung tâm xã, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc khá khang trang. Nhà nước cũng hỗ trợ nhân dân các loại giống cây, con; các chương trình tín dụng cho hộ nghèo, vùng cao đã về tới thôn, bản.
Bí thư Đảng ủy xã Trang Sông Lử đồng ý đó là động lực quan trọng để xã vươn lên nhưng Zế Su Phình vẫn còn khá đông hộ nghèo, nhiều hộ vẫn nhận gạo cứu đói của huyện, tỉnh là do còn có tư tưởng trông chờ, còn ngại làm ăn theo cách mới. Để vươn lên thoát nghèo, người Mông ở Zế Su Phình mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm đến vùng cao thông qua các chương trình, dự án đầu tư toàn diện. Nhưng để các chương trình đầu tư đó đem lại hiệu quả, tạo động lực giúp Zế Su Phình vươn lên thoát nghèo thì nhân tố chính lại thuộc về ý chí vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã.
P.V
Các tin khác
YBĐT - Tổng doanh thu năm 2009 của Công ty cổ phẩn Xi măng và Khoáng sản Yên Bái ước đạt 310 tỷ đồng, lợi nhuận ước 10 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 9 tỷ đồng. Năm 2009, trong điều kiện thị trường tiêu thụ rất khó khăn, Công ty vẫn sản xuất tiêu thụ 350.000 tấn xi măng-clanhker và 79.000 tấn bột Ca CO3 siêu mịn các loại. Giá trị sản xuất công nghiệp ước 285 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2008.
YBĐT - Là câu lạc bộ khoa học kỹ thuật (CLB KHKT) đầu tiên tại thành phố Yên Bái, dù mới được thành lập nhưng CLB KHKT nhà nông xã Tân Thịnh đã đem lại những kết quả đáng khích lệ. CLB giúp bà con nông dân nơi đây tiếp cận được nhiều tiến bộ KHKT để áp dụng vào sản xuất nông, lâm nghiệp, góp phần xoá đói giảm nghèo tiến tới làm giàu.
YBĐT - Năm 2009, người trồng tre măng Bát Độ ở huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã thu về gần 10 nghìn tấn măng tươi. Với giá bán trung bình 1 nghìn đồng/kg măng tươi, nông dân Trấn Yên đã có gần 10 tỷ đồng.
YBĐT - Ngày 22/12/2009, UBND tỉnh tổ chức lễ ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Kiểm toán Nhà nước khu vực VII với HĐND và UBND tỉnh. Dự lễ ký kết có các đồng chí: Hoàng Thượng Lượng - Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Duy Cường- Phó chủ tịch UNBD tỉnh; Ngô Thị Chinh - Phó chủ tịch HĐND tỉnh; Phí Công Hùng - Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực VII cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành.