Báo Đáp chung sức xây dựng nông thôn mới
- Cập nhật: Thứ tư, 4/5/2011 | 3:02:40 PM
YBĐT - Trong Đề án xây dựng nông thôn mới của huyện Trấn Yên, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020, xã Báo Đáp được chọn làm thí điểm xây dựng nông thôn mới.
Đoàn viên thanh niên xã Y Can (Trấn Yên) giúp người dân mở đường giao thông nông thôn. (Ảnh: Văn Tuấn)
|
Đồng chí Trần Quang Trung - Chủ tịch UBND xã Báo Đáp cho biết: “Để có được kết quả cao, hiện nay, toàn thể nhân dân trong xã đang đồng lòng, chung sức nhằm thực hiện tốt 19 tiêu chí của Đề án”.
Báo Đáp là xã vùng thấp của huyện Trấn Yên, có điều kiện thuận lợi cho nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, tạo điều kiện tốt hình thành nền kinh tế hàng hóa trên địa bàn. Hơn thế, Đảng bộ và nhân dân địa phương vốn có truyền thống đoàn kết, vượt khó và các tổ chức trong hệ thống chính trị thực sự phát huy hiệu quả hoạt động.
Những năm trở lại đây, xã Báo Đáp liên tục được huyện xác định đầu tư xây dựng để trở thành một trung tâm phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ huyện. Đây là một trong những địa phương có nhiều thành tựu đáng kể trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng và đặc biệt, trong 7 năm liên tục, xã hoàn thành vượt chỉ tiêu thu ngân sách trên địa bàn. Kết quả đó đã từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Bước đầu thực hiện Đề án, Đảng ủy, chính quyền xã Báo Đáp đã xác định rõ là phải có sự ủng hộ của nhân dân nên cần huy động sức dân, cần chuyển đổi nhận thức của người dân. Hiện nay, xã tích cực tập trung tuyên truyền nội dung các tiêu chí của Đề án tới nhân dân thông qua các buổi họp thôn, khu phố và đây là nhiệm vụ chung của mọi người, mọi nhà. Báo Đáp vốn đã có tiền đề cơ bản nên việc xây dựng nông thôn mới có những thuận lợi nhất định.
Thực hiện một số chương trình kinh tế trọng điểm đã tạo cho nền kinh tế địa phương có bước phát triển khá toàn diện; hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; mức tăng trưởng kinh tế tăng từ 9,8% năm 2004 lên 13% năm 2010; thu nhập bình quân đầu người từ 5 triệu đồng năm 2004 tăng lên 11 triệu đồng năm 2010.
Theo tiêu chí mới, các tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hóa sẽ đạt 50% trở lên thì hiện nay, Báo Đáp đã đạt xấp xỉ. Đặc biệt, năm 2009, xã hoàn thành 7 km bê tông hóa đường giao thông liên thôn từ vốn kích cầu, tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 2 tỷ đồng. Công trình đường giao thông mở mới vào khu quy hoạch sản xuất công nghiệp có tổng kinh phí trên 800 triệu đồng. Công trình đèn chiếu sáng công cộng dài 1 km đã hoàn thành và hiện nay, 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia.
Công trình nước sạch sinh hoạt với tổng trị giá 1,3 tỷ đồng, nhân dân đóng góp vốn đối ứng là 68 triệu đồng. Đối với kênh mương nội đồng, địa phương đã xây dựng 3,8 km, trị giá trên 1 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 400 triệu đồng. Cũng theo tiêu chí mới trong việc xây dựng nông thôn mới, nhà văn hóa phải bảo đảm có ở tất cả các thôn thì đến nay, xã đã có 16/17 nhà văn hóa thôn. Hiện xã tiếp tục huy động nhân dân đóng góp xây dựng nhà văn hóa thôn để đạt điều kiện này.
Song song, hệ thống trường, lớp học đang được đầu tư nâng cấp xây dựng, phấn đấu đến năm 2015, các trường học trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia và năm 2011 này, trường mẫu giáo, mầm non sẽ được đầu tư xây dựng.
Về công tác y tế cũng được quan tâm, chú trọng nhằm bảo đảm chăm sóc tốt sức khỏe của nhân dân. Có thể nói, cơ bản là xã Báo Đáp có đủ điều kiện để xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Trần Quang Trung - Chủ tịch UBND xã Báo Đáp khẳng định: “Để xây dựng nông thôn mới, tất yếu phải có sự thống nhất cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân”. Việc xây dựng nông thôn mới được xã Báo Đáp đẩy mạnh thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, từng bước bảo đảm những yêu cầu đặt ra. Điều này không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào sự lãnh đạo của Đảng ủy, chính quyền mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân địa phương.
Thu Hằng
Các tin khác
YBĐT - Ý thức tự lực tự cường, phát huy nội lực, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, khai thác mọi nguồn lực, khắc phục mọi khó khăn, mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất để giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng...
YBĐT - Tổng kế hoạch gieo trồng cây lương thực vụ xuân năm 2011 của huyện Mù Cang Chải là 2.217 ha.
YBĐT - Huyện Văn Chấn có diện tích chè lớn nhất tỉnh với 4.330 ha, trong đó gần 4.000 ha chè kinh doanh, tập trung nhiều ở 9 xã vùng ngoài và 3 xã, thị trấn của huyện, hàng năm, doanh thu từ chè đạt từ 150 đến 170 tỷ đồng.
YBĐT - Bà con Châu Quế Thượng mong các cấp, các ngành, doanh nghiệp thu mua sắn có những chính sách giữ ổn định giá sắn, để cây sắn góp phần xoá đói giảm nghèo ở vùng cao.