Phòng chống rét cho gia súc: Bài học từ những tổn thất

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/5/2011 | 3:04:21 PM

YBĐT - Trải qua 2 đợt rét đậm, rét hại thời gian qua, toàn tỉnh đã có 7.034 con gia súc bị chết rét.

Dự trữ thức ăn cho vật nuôi trong mùa đông là một trong những giải pháp chống rét hiệu quả cho gia súc.
Dự trữ thức ăn cho vật nuôi trong mùa đông là một trong những giải pháp chống rét hiệu quả cho gia súc.

Mặc dù số gia súc thiệt hại chủ yếu rơi vào bê, nghé non và trâu, bò già yếu, nhưng thiệt hại là khá lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển chăn nuôi của cả tỉnh, đặc biệt là của người chăn nuôi.

Theo thống kê của Phòng Chăn nuôI, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thiệt hại trong những đợt rét vừa qua tuy không bằng năm 2008 nhưng hậu quả cũng khá nặng nề. Số gia súc bị chết chiếm khoảng 1% tổng đàn gia súc chính, 4,6% tổng đàn trâu, bò. Từ thiệt hại này, hàng nghìn người chăn nuôi có nguy cơ lâm vào cảnh trắng tay bởi số gia súc bị chết chủ yếu rơi vào các hộ đồng bào dân tộc vùng cao, hộ nghèo, hộ khó khăn.

Theo ông Đàm Duy Đức - Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở NN&PTNT, trên cơ sở thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ và của tỉnh, Sở đã  kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng chống đói rét cho vật nuôi ngay từ trước khi bước vào vụ sản xuất đông xuân năm 2010 - 2011, đồng thời yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình thực hiện công tác phòng chống đói rét cũng như những khó khăn của địa phương.

Các địa phương cũng đã tổ chức triển khai hàng loạt các biện pháp như: ban hành chỉ thị phòng chống đói rét cho gia súc; chỉ đạo các phòng nông nghiệp, trạm khuyến nông, trạm thú y tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chỉ đạo người dân dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại cho trâu bò.  Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, việc chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống đói rét cho đàn gia súc ở các cơ sở còn thiếu quyết liệt và thiếu tính chủ động, linh hoạt.

Đặc biệt, đối với các hộ đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, hộ gia đình chính sách cần phải hỗ trợ khẩn cấp về vật tư, thức ăn để chống rét cho gia súc thì các huyện chưa chủ động, quyết đáp mà còn nghe ngóng sự chỉ đạo của tỉnh và Trung ương.

Mặt khác, việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn nhất là ở vùng cao (vùng có nhiều trâu, bò chết rét) như: tập quán thả rông trâu, bò cộng với địa hình nhiều núi cao, hiểm trở nên việc đi bắt để nhốt lại gia súc rất khó khăn hoặc nếu có bắt được mang về lại không có cỏ cho ăn.

Đối với những hộ nghèo còn không có điều kiện để bổ sung thức ăn tinh bột cho trâu, bò. Điều kiện địa hình, giao thông đi lại không thuận lợi cũng gây khó khăn cho việc chỉ đạo. Kinh tế các hộ gia đình còn rất khó khăn, trong khi vật tư nguyên liệu cần thiết để phục vụ chống rét cho trâu bò tại chỗ lại thiếu và hiếm. Một bộ phận người dân còn coi nhẹ không quan tâm đến việc chống rét cho trâu, bò nên mặc dù đã được phổ biến phương pháp nhưng vẫn không thực hiện.

Có thể nói, thiệt hại trong 2 đợt rét đậm, rét hại vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu tăng đàn gia súc của tỉnh. Do đó, để chăn nuôi ổn định và phát triển, đồng thời hạn chế tối đa thiệt hại do rét đậm, rét hại, cần phải triển khai quyết liệt và có hiệu quả hơn nữa công tác bảo vệ, phòng chống đói, rét cho gia súc nói riêng, phòng chống thiên tai nói chung.

Các địa phương cần chủ động xây dựng và triển khai quyết liệt hơn kế hoạch  phòng chống đói rét cho gia súc ngay từ đầu năm để chuẩn bị các điều kiện cần thiết trước khi bước vào sản xuất vụ đông xuân, trong đó giải quyết vấn đề thức ăn là khâu then chốt để hạn chế gia súc chết.

Muốn vậy, các địa phương, đặc biệt là người chăn nuôi cần phải đẩy mạnh trồng cây lương thực đảm bảo đáp ứng nhu cầu về thức ăn cho gia súc; tận thu một cách tối đa các loại phụ phẩm nông nghiệp để chế biến, bảo quản dự trữ cho gia súc trong mùa đông. Phải thực hiện chăn nuôi có chuồng trại và phải được che chắn cẩn thận trước khi bước vào mùa đông.

Tại các huyện vùng cao: Trạm Tấu, Mù Cang Chải… do đặc thù người dân đa số ở lưng chừng đồi, luồng gió lạnh từ dưới thổi lên, do đó có thể tìm vị trí phù hợp đào hầm cho gia súc trú trong những ngày đông giá rét. Cần theo dõi chặt chẽ và thông tin kịp thời tới các cơ quản lý ở địa phương cũng như người chăn nuôi để chủ động đối phó khi thời tiết bất lợi xảy ra.

Công tác chỉ đạo cần phải quyết liệt hơn nữa và phải được cụ thể hoá tới từng hộ, từng chuồng trại chăn nuôi. Các văn bản chỉ đạo cần phải giao trách nhiệm cụ thể, chi tiết cho các đơn vị, cán bộ có liên quan đến tận xã phường, thôn bản và kiểm tra việc thực hiện thực hiện các biện pháp cụ thể đến từng thôn bản. Khi thời tiết rét đậm rét hại diễn ra, các địa phương cần phải chủ động hơn nữa, huy động mọi nguồn lực về nhân lực và vật lực ở địa phương để tham gia hỗ trợ người chăn nuôi chống rét cho gia súc.

Đối với các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ khó khăn không có điều kiện phải bố trí kinh phí hỗ trợ khẩn cấp về thức ăn và các nguyên vật liệu cần thiết khác cho người dân. Cuối cùng cần phải xác định việc phòng, chống đói rét cho gia súc cũng là việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân đặc biệt là nông thôn vùng cao. Đây không chỉ là trách nhiệm của một ngành, một đơn vị nào mà phải được sự quan tâm, giúp đỡ của toàn xã hội, có như vậy thì mới bảo vệ tốt đàn gia súc, bảo đảm an sinh xã hội ở nông thôn. 

Hùng Cường 

Các tin khác
Đoàn viên thanh niên xã Y Can (Trấn Yên) giúp người dân mở đường giao thông nông thôn. (Ảnh: Văn Tuấn)

YBĐT - Trong Đề án xây dựng nông thôn mới của huyện Trấn Yên, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020, xã Báo Đáp được chọn làm thí điểm xây dựng nông thôn mới.

Nông dân Trấn Yên đã biết áp dụng KH-KT vào sản xuất.

YBĐT - Ý thức tự lực tự cường, phát huy nội lực, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, khai thác mọi nguồn lực, khắc phục mọi khó khăn, mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất để giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng...

YBĐT - Tổng kế hoạch gieo trồng cây lương thực vụ xuân năm 2011 của huyện Mù Cang Chải là 2.217 ha.

Ông Toản đang phân trần về tình trạng chè đã vào vụ mà chưa có búp vì thiếu phân bón.

YBĐT - Huyện Văn Chấn có diện tích chè lớn nhất tỉnh với 4.330 ha, trong đó gần 4.000 ha chè kinh doanh, tập trung nhiều ở 9 xã vùng ngoài và 3 xã, thị trấn của huyện, hàng năm, doanh thu từ chè đạt từ 150 đến 170 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục