Từ ngày 15/9/2013: 3 trường hợp được xóa nợ, 4 trường hợp được gia hạn tiền thuế
- Cập nhật: Thứ sáu, 2/8/2013 | 8:22:14 AM
Từ 15/9/2013, Nghị định số 83/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế vừa được Chính phủ ban hành, bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, việc quản lý các loại thuế, phí, lệ phí; tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất, thu từ tài nguyên khoáng sản… được quy định chi tiết theo hướng sửa đổi, bổ sung mới.
Cụ thể, sẽ có 3 trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Thứ nhất là trường hợp doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
Hai là cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
Ba là các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt khác mà khoản tiền nộp thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã hết hạn quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế; hoặc cơ quan quản lý thuế đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo quy định, nhưng không thu đủ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
Trong các trường hợp xóa nợ nêu trên, khi xem xét xóa nợ gốc thì cũng đồng thời được xóa khoản tiền chậm nộp của khoản nợ gốc đó. Các khoản tiền thuế được xóa bao gồm tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản phải thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thu theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt về thuế đất, Nghị định quy định chi tiết việc xóa nợ đối với tiền sử dụng đất và tiền thuê đất được thực hiện theo Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đất đai.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cụ thể về việc gia hạn nộp thuế được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế theo 1 trong 4 trường hợp.
Thứ nhất, bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ. Thiệt hại vật chất là những tổn thất về tài sản của người nộp thuế, tính được bằng tiền như: Máy móc, thiết bị, phương tiện, vật tư, hàng hóa, nhà xưởng, trụ sở làm việc, tiền, các giấy tờ có giá trị như tiền. Trong trường hợp này, thời gian gia hạn nộp thuế tối đa không quá 2 năm, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế. Thứ hai, phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được ghi trong dự toán ngân sách nhà nước.
Thứ tư, không có khả năng nộp thuế đúng hạn trong trường hợp nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu có chù kỳ sản xuất, dự trữ dài hơn 275 ngày; các trường hợp gặp khó khăn đặc biệt khác. Tuy nhiên, 3 trường hợp sau thời gian gia hạn nộp thuế tối đa không quá 1 năm, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.
(Theo CAND)
Các tin khác
Để đảm bảo tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu ưu tiên giải quyết vấn đề GPMB, xử lý dứt điểm các điểm nghẽn, sớm đưa các công trình đi vào khai thác.
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các ngân hàng, doanh nghiệp được phép kinh doanh mua, bán vàng miếng phải báo cáo tình hình kinh doanh hàng ngày, đặc biệt là các giao dịch vàng miếng có giá trị lớn.
YBĐT - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tạ Văn Long - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái tại Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động xuất nhập khẩu và các giải pháp triển khai thực hiện trong những tháng cuối năm được tổ chức vào sáng nay 1/8.
YBĐT - Với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 59,14% trong năm 2013, xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã có chủ trương chuyển đổi các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng ngô nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, tăng thu nhập trên 1 đơn vị canh tác và giúp cho người dân dần thay đổi tập quán sản xuất.