Nỗ lực vì đàn em thân yêu
- Cập nhật: Thứ tư, 30/10/2013 | 9:11:21 AM
YBĐT - Xã Túc Đán (Trạm Tấu) có 7 thôn bản nhưng mới chỉ có 3 thôn là ô tô đi đến được. Toàn xã có trên 500 hộ, khoảng 2.000 khẩu, trong đó trên 90% là đồng bào Mông, còn lại là người Khơ Mú, người Thái và một số dân tộc khác. Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương còn tới 85%. Điều kiện khó khăn đã tác động trực tiếp đến việc học hành của con em người dân nơi đây.
Việc kiểm tra chất lượng học tập của học sinh được nhà trường thực hiện hàng tháng.
|
Thầy giáo Nguyễn Văn Thanh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Túc Đán phấn khởi nhưng cũng không giấu nổi lo lắng: "Nhận thức của đồng bào ở đây về việc học đã khá hơn trước nhiều rồi. Nhưng điều đó cũng chính là nỗi lo cho nhà trường khi mà cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ nuôi dưỡng, dạy dỗ các em còn nhiều thiếu thốn".
Năm học 2013 - 2014 ở Túc Đán, ngoài 1 điểm trường bán trú chính tại thôn Pa Te, 6 điểm trường ở các thôn bản xa chỉ dạy học cho con em từ lớp 1 đến lớp 3 đã duy trì sỹ số. Bản Tống Trong là bản xa nhất, cách trung tâm xã trên 10 cây số, đi xe máy đến được cũng khó vẫn phải tổ chức một lớp học dù chỉ có 8 học sinh. Điểm lớp ở bản Tống Ngoài đông nhất, có 32 học sinh.
Đến nay, nhà trường có tổng số 25 lớp với 564 học sinh (tăng gần 30 học sinh so với năm học 2012 - 2013), trong đó bậc tiểu học có 18 lớp, 386 học sinh và bậc trung học cơ sở 7 lớp, 178 học sinh; tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi tiểu học đến trường đạt 100%, bậc trung học cơ sở đạt 95% trở lên. Đây là kết quả từ sự tham mưu tích cực của nhà trường với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác chuẩn bị cho năm học mới.
Trong công tác chiêu sinh, vận động học sinh ra lớp, một mặt tuyên truyền, một mặt trường tham mưu cho xã giao cán bộ phụ trách thôn nắm cụ thể từng học sinh bỏ học để vận động đến trường. Cán bộ, giáo viên đã cùng với bà con dân bản tổ chức tu sửa hàng rào quanh trường, sửa chữa bàn ghế, bảng đen phục vụ dạy và học. Trường kiện toàn ngay Ban bán trú, xây dựng kế hoạch và đưa hoạt động bán trú đi vào nền nếp ngay từ đầu năm học.
Được nhắc nhở và hướng dẫn, các phòng ở của học sinh luôn gọn gàng, sạch sẽ.
Nhờ cố gắng của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đồng thời khắc phục khó khăn về các điều kiện cơ sở vật chất, nhà trường đã tổ chức được 16 lớp học bán trú cho 457 học sinh. Lo ăn cho hàng trăm học sinh, những ngày học trong tuần, mỗi bữa ăn trường phải tổ chức thành 2 đợt ăn kế tiếp nhau, các thầy các cô luôn trực tiếp có mặt tại nhà ăn chia cơm và hướng dẫn các em. Ngày thứ bảy, chủ nhật, thường có một nửa trong số học sinh bán trú do nhà xa, điều kiện gia đình khó khăn đã ở lại trường nên đảm bảo nuôi dưỡng theo chế độ bán trú luôn là vấn đề đặt ra cho lãnh đạo nhà trường.
Cùng với nuôi ăn, nhà trường luôn coi trọng tuyên truyền học sinh thực hiện tốt vệ sinh học đường. Các thầy cô thường xuyên gần gũi, trò chuyện, hướng dẫn các em sinh hoạt gọn gàng, ngăn nắp, ăn sạch, ở sạch, biết phòng chống bệnh giun sán, làm vệ sinh hàng ngày trong và ngoài lớp học đến vệ sinh khu vực bán trú nên đã có tác động tốt, làm thay đổi nếp sinh hoạt ở trường cũng như khi về với gia đình. Trường còn tổ chức tốt các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao và các sinh hoạt Đội thiếu niên, thu hút các em tích cực học đi đôi với hành. Công tác giáo dục thể chất cho học sinh được quan tâm bằng việc tăng cường kiểm tra cách ngồi học của học sinh, đảm bảo ánh sáng phòng học; duy trì thể dục giữa giờ, những tiết học thể dục đã chú trọng các môn thể thao dân tộc phù hợp với thực tế địa phương.
Trong những năm học qua và ngay từ đầu năm học này, nhà trường đã thực hiện các biện pháp tích cực và triển khai phong trào thi đua trong dạy và học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó đề cao vai trò của mỗi giáo viên. Việc bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, góp ý vào việc xây dựng phương pháp dạy học phù hợp được thực hiện.
Ý thức tự học, tìm hiểu qua sách, báo và tài liệu tham khảo trên Internet, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ đã tạo cơ sở để thầy cô chủ động trong từng tiết học. Trường đã kiểm tra chất lượng hàng tháng để giáo viên xây dựng kế hoạch lên lớp phù hợp với học sinh yếu, kém. Nhờ các biện pháp đó, năm học 2012 - 2013, đã có 92/353 học sinh tiểu học của trường đạt học lực khá giỏi, chỉ còn 1 học sinh yếu; trong số 184 học sinh trung học cơ sở có 137 em hạnh kiểm tốt, chỉ có 3 học sinh lớp 7 học yếu, còn đều đạt học lực trung bình trở lên. Ngày càng có nhiều hơn con em đồng bào trong xã đi học tiếp trung học phổ thông sau khi học xong lớp 9 tại trường.
Những kết quả đạt được là sự khẳng định những nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đồng thời là tiền đề tốt để Trường quyết tâm hoàn thành mục tiêu năm học 2013 - 2014 cũng như tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giáo dục ở xã vùng cao còn rất nhiều khó khăn này.
Q.T
Các tin khác
YBĐT - “Đầu năm 2013, Công an phường Hồng Hà phối hợp với Công an thành phố Yên Bái đã tiến hành kiểm tra và bắt đối tượng chủ quán cà phê ở tổ 5 với hành vi chứa mại dâm. Sau khi quán này đóng cửa, đến nay, trên địa bàn phường còn không còn xuất hiện các hành vi mại dâm”, Trung tá Vũ Xuân Hải, Trưởng Công an phường Hồng Hà cho biết.
YBĐT - Bước vào thực hiện kế hoạch năm 2013, công tác thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) toàn tỉnh Yên Bái gặp không ít khó khăn do kinh tế, xã hội của tỉnh chậm phát triển.
YBĐT - Đã có khá nhiều cây bút phê bình viết về nhà văn Ma Văn Kháng song tác phẩm của Hoàng Việt Quân vừa là kỷ niệm, vừa là cách đánh giá tương đối toàn diện về con người và tác phẩm của ông...
YBĐT - Tính đến hết tháng 9, toàn ngành BHXH thu được 659 tỷ đồng trên tổng số 860 tỷ đồng, đạt 76% kế hoạch giao; đặc biệt việc khai thác lao động mới tham gia BHXH mới chỉ được 1.965/3.300 lao động, đạt 59,5% kế hoạch giao; các nhiệm vụ như: Kiểm tra; giám định; cấp, quản lý sổ, thẻ… vẫn bộc lộ những hạn chế…