Chọn nghề, chọn trường phù hợp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/4/2014 | 8:55:19 AM

YBĐT - 18% sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm đúng ngành, đúng nghề, 82% phải làm sai nghề.

Trước ngưỡng cửa tương lai!
(Ảnh: Hoàng Đô)
Trước ngưỡng cửa tương lai! (Ảnh: Hoàng Đô)

Đó là con số thống kê được ông Phan Văn Trung - Phó giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên của Trung ương Đoàn đưa ra trong buổi tư vấn chọn nghề, chọn trường cho các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc Nội trú THPT tỉnh Yên Bái.

Ông Trung cũng thông tin thêm về các thống kê của Báo Gia đình và Xã hội, Báo Tuổi trẻ rằng, 30% sinh viên được hỏi trả lời yêu nghề, 40% lưỡng lự, 30% trả lời học do không lựa chọn. Những con số mà các bạn học sinh lớp 12 đáng phải suy nghĩ, trước ngưỡng cửa chọn trường, chọn nghề, chọn tương lai cho mình. Nếu chọn sai đồng nghĩa với việc các bạn chọn một tương lại không thực sự an toàn và vững chắc. Vậy làm thế nào để có thể chọn đúng nghề, đúng trường?

80% học sinh đang băn khoăn trước việc chọn trường trước kỳ thi đại học, cao đẳng đang đến gần. Các em thường chọn trường khi chưa có nhiều thông tin về ngành nghề mình sẽ học, sẽ làm sau này, nhiều bạn chọn “đường tương lai” theo tâm lý đám đông gọi là nghề “hot”, trường “hot”, ngành “hot” hay lựa chọn trường theo học lực của mình... Nhưng liệu sau khi ra trường có xin được việc, có phát huy được năng lực bản thân của mỗi người? Vì vậy, mỗi bạn phải xác định rằng nghề giúp các bạn có sự ổn định, có việc làm, cho các bạn sự thăng hoa trong nghề nghiệp thì đó mới là sự lựa chọn phù hợp.

Có rất nhiều bạn lựa chọn trường học trước khi chọn nghề. Đó hoàn toàn là suy nghĩ sai lầm. Anh Nguyễn Văn Thắng - Trưởng phòng Hỗ trợ việc làm Trung tâm Giới thiệu việc làm Trung ương Đoàn khuyên: “Các bạn hãy lựa chọn nghề trước khi lựa chọn trường. Đó là những bước đầu tiên quan trọng cho sự phát triển của mình sau này”. Anh Thắng cũng khuyên các bạn học sinh lớp 12, trước khi làm hồ sơ chọn trường hãy trả lời 3 câu hỏi: Thích làm nghề gì? Làm được nghề gì? Cần làm nghề gì? Khi 3 câu hỏi được trả lời bởi một đáp án chung nhất thì đó là nghề nghiệp phù hợp.

Bên cạnh đó, quy trình chọn lựa nghề nghiệp vô cùng quan trọng gồm 5 bước: hiểu mình, hiểu nghề, lựa chọn, xác định mục tiêu, hành động. Hiểu mình có nghĩa là hiểu năng lực của mình, sở thích, ước mơ của mình. Hiểu nghề là tìm hiểu về nghề nghiệp để xem xét nghề nghiệp nào phù hợp với năng lực, sở trường của mình thì sau này mới phát huy được khả năng trong công việc. Sau đó là lựa chọn trường có đào tạo ngành nghề phù hợp với bản thân. Xác định được mục tiêu rồi thì còn lại là hành động của các bạn cho mục tiêu lựa chọn.

Anh Thắng cũng chia sẻ thêm: “Các bạn có tính cách sôi nổi, năng động tổ chức tốt các hoạt động trong lớp, trong trường phù hợp với các ngành quan hệ công chúng, kinh doanh, quản trị du lịch... không phù hợp với nghề kế toán, nhân viên văn phòng. Các bạn có tính cách trầm, cẩn trọng thì hoàn toàn ngược lại. Những bạn có tâm hồn yêu thiên nhiên có thể theo các ngành liên quan đến lĩnh vực môi trường. Các bạn giàu trí tưởng tượng, nhiều ý tưởng có thể theo các nghề thiết kế nội thất, nhà văn, đạo diễn, thiết kế thời trang hay nhiếp ảnh gia… Bên cạnh đó, các bạn phải có tình yêu với nghề nghiệp lựa chọn, nếu không cảm thấy yêu thích sẽ không có sự thăng hoa trong nghề nghiệp hay nói cách khác là sự sáng tạo trong nghề nghiệp sẽ không có”.

 

Học sinh của 6 trường THPT trên địa bàn tỉnh được Trung tâm Giới thiệu việc làm Trung ương Đoàn tư vấn chọn nghề, chọn trường.

Bên cạnh đó, những thông tin tỷ lệ lao động trong các ngành nghề quyết định cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Ở một tỉnh miền núi như Yên Bái, các em còn hạn chế trong tiếp cận thông tin, phần lớn chọn trường chọn nghề theo “tâm lý đám đông”, theo sự định hướng của cha mẹ, lựa chọn những trường mà sau khi tốt nghiệp có việc làm sẵn như: công an, quân đội hoặc lựa chọn ngẫu nhiên bởi nghe cái tên ngành học thấy “hay” nên rất cần sự tư vấn như những chương trình tư vấn hướng nghiệp của Trung tâm Giới thiệu việc thanh niên làm thuộc Trung ương Đoàn phối hợp với Trung tâm Tư vấn giới thiệu việc làm Tỉnh đoàn Yên Bái tại 6 trường trên địa bàn tỉnh vừa qua.

Em Nguyễn Ngọc Ánh - lớp 12, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh tâm sự: “Em chọn thi Trường ĐH cảnh sát vì đi học sẽ không tốn kém, ra trường có việc làm. Nhưng sau buổi tư vấn hôm nay em nghĩ sẽ làm theo tư vấn về trả lời 3 câu hỏi và thực hiện 5 bước trong quy trình chọn nghề để chọn nghề chính xác nhất”.

Còn em Đặng Văn Tiếp - lớp 12 cùng trường sau khi nghe tư vấn hướng nghiệp đã khẳng định sự lựa chọn của mình: “Em sẽ đăng kí thi vào Học viện Biên phòng vì em yêu cuộc sống của người lính, em muốn được đi bảo vệ biên cương Tổ quốc”.

Ở Việt Nam hiện có trên 1 nghìn nghề nghiệp, do đó có thể thỏa mãn bất cứ sở thích, sở trường, học lực, điều kiện kinh tế gia đình của học sinh. Chúng ta phải lựa chọn đúng nghề, đúng trường để có thể phát huy tối đa năng lực bản thân. Các em học sinh có thể tìm kiếm thông tin về ngành nghề trường học qua nhiều phương tiện thông tin.

Tuy nhiên, các em rất cần sự hướng dẫn của thầy cô, sự đồng hành của cha mẹ và có các buổi tư vấn hướng nghiệp nghề của các tổ chức uy tín như Đoàn thanh niên có thể giải đáp thắc mắc cho các em trong quá trình chọn nghề. Được như vậy, trong tương lai sẽ không có những sinh viên sau khi tốt nghiệp phải làm trái ngành, trái nghề hoặc không phát huy được sở trường, năng lực của mình.       

Thanh Ba

Các tin khác
Cán bộ Ban Tài chính (Liên đoàn lao động tỉnh) hướng dẫn cơ sở thu kinh phí công đoàn theo Luật Công đoàn 2012.

YBĐT - Nhằm sớm đưa Luật Công đoàn (CĐ) năm 2012 vào cuộc sống, ngày 21/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 191 quy định chi tiết về tài chính CĐ và ngày 27/02/2014, UBND tỉnh Yên Bái đã có Văn bản số 261 yêu cầu tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh thực hiện việc đóng kinh phí CĐ theo Luật quy định.

Bộ GD-ĐT vừa tạm dừng tổ chức bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho những người tốt nghiệp ĐH muốn trở thành giáo viên THPT

Ảnh minh họa

Khoảng 15 giờ ngày 3/4, một quả bom dài chừng 1,5m đến 1,6m, nặng trong khoảng từ 450kg đến 500kg đã được phát hiện tại thôn I xã Lâm Giang, huyện Văn Yên (Yên Bái).

YBĐT - Phòng GD&ĐT huyện Văn Chấn vừa tổ chức Tổng kết hội thi và trao giấy chứng nhận cho 371 giáo viên dạy giỏi cấp huyện – ngành học phổ thông; trao giấy khen cho 26 cá nhân và 13 tập thể có thành tích cao trong hội thi giáo viên dạy giỏi cập huyện ngành học phổ thông, năm học 2013 -2014.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục